Những phát hiện mới
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Maryland (Mỹ) đã thu thập dữ liệu từ 12.189 người đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi từ 51-61 trong khoảng thời gian 6 năm. Những người tham gia đã trả lời câu hỏi về quá trình làm việc, kinh nghiệm sau khi nghỉ hưu, sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu ít mắc phải các bệnh nặng hoặc ít bị khuyết tật so với những người bỏ hẳn công việc. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí Tâm lý học sức khỏe nghề nghiệp (the Journal of Occupational Health Psychology).
Các nhà nghiên cứu cho biết, tiếp tục duy trì công việc trong những năm sau nghỉ hưu có lợi ích cho sức khỏe hơn. Một người làm việc bao nhiêu giờ không quan trọng, làm việc bán thời gian hay toàn thời gian, công việc tự tạo hay tạm thời đều có lợi cho sức khỏe sau khi nghỉ hưu.
Tiếp tục duy trì công việc trong những năm sau nghỉ hưu có lợi ích cho sức khỏe hơn.
Hơn nữa, những người nghỉ hưu tìm được việc làm liên quan đến công việc trước đây của họ cho thấy có sức khỏe tinh thần tốt nhất. Chuyển đổi nghề nghiệp sau khi nghỉ hưu cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy người đó đã phải tìm một số công việc khác do khó khăn về kinh tế.
Một nghiên cứu của Đại học Oregon(Mỹ) cho thấy, nếu vẫn tiếp tục làm việc đến năm 66 tuổi có thể giúp giảm 11% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Còn nghiên cứu trên 500.000 lao động ở Pháp cho thấy, đến độ tuổi nghỉ hưu, cứ thêm 1 năm làm việc thì nguy cơ bệnh tật lại giảm đi 3,2%.
Một nghiên cứu tại Bệnh viện The Hadassah Hospital Mount Scopuss – một bệnh viện lão khoa ở Jerusalem đối với 1.000 đàn ông và phụ nữ cho thấy, tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu có liên quan tới tuổi thọ. Những người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi 70 và được theo dõi trong 14 năm. Trong số này, những người tiếp tục làm việc ở độ tuổi 70, khả năng còn sống tại tuổi 82 cao hơn 2,5 lần so với những người đã nghỉ hưu mà không làm việc.
Một nghiên cứu khác tại Yale (Hoa Kỳ) cho thấy, mất đi một công việc ở tuổi nghỉ hưu gây tác hại với sức khỏe. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 4.220 công nhân tuổi từ 51- 61 trong 6 năm. Trong thời gian nghiên cứu, 457 người lao động bị mất việc làm, bị sa thải gần tuổi nghỉ hưu gây tăng nguy cơ đột quỵ gấp ba lần. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Y học công nghiệp Hoa Kỳ (the American Journal of Industrial Medicine).
Một số việc làm sau khi nghỉ hưu mọi người hay lựa chọn
Dạy học: dạy học là công việc khá nhẹ nhàng và không tốn quá nhiều sức lực với những nhà giáo về hưu.
Kinh doanh: nếu bạn có chút vốn và yêu thích kinh doanh, bạn có thể thử mở một cửa hàng tạp hóa để tiêu tốn thời gian và kiếm thêm thu nhập.
Trông trẻ: đây cũng là công việc được khá nhiều người phụ nữ về hưu lựa chọn, có thể để giúp đỡ con cháu hoặc tăng thêm thu nhập.
Cho thuê phòng trọ: là một ý tưởng không tồi khi ngôi nhà của mình còn phòng trống.
Dạy học là công việc không tốn quá nhiều sức lực rất phù hợp với những nhà giáo về hưu.
Tham gia vào công tác quản lý khu dân cư: mặc dù công việc quản lý trong khu dân cư khá vất vả, nhưng vẫn được nhiều người chọn vì muốn đóng góp trách nhiệm xã hội của mình và tăng tương tác cộng đồng.
Làm việc liên quan đến chuyên môn: sau khi nghỉ hưu, bạn có thể tận dụng những lợi thế về chuyên môn của mình để tham gia vào các công việc liên quan đến ngành nghề của mình sẵn có.
Làm việc theo giờ: những công việc làm theo giờ khá phù hợp với quỹ thời gian của người về hưu.
Tình nguyện viên: rất nhiều người về hưu lựa chọn làm tình nguyện viên tại các viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, tổ chức từ thiện...
Tham gia vào các nhóm sáng tác nghệ thuật: chụp ảnh, vẽ tranh, sáng tác phóng sự ảnh, thời trang…
Tham gia vào các câu lạc bộ thể dục thể thao giải trí: đạp xe, Yoga, thiền, đánh cờ…
Tham gia vào các câu lạc bộ thể dục thể thao giải trí: đạp xe, Yoga, thiền, đánh cờ… rất tốt cho sức khỏe sau khi nghỉ hưu.
Những nghiên cứu trên cho thấy, người đã nghỉ hưu muốn có một sức khỏe tốt nên tìm và duy trì công việc theo hướng: công việc phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trước nghỉ hưu; công việc yêu thích và đam mê; công việc phù hợp với sức khỏe mỗi cá nhân (không gắng sức); công việc không gây bó buộc về thời gian (thích làm hay nghỉ tùy ý); công việc không quá liên quan trách nhiệm; công việc không nặng vấn đề tìm kiếm tài chính...
Theo Sức khoẻ đời sống