Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, ngày 9/6/2015, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn số 2176/LĐTBXH-QLLĐNN về việc hướng dẫn triển khai đưa lao động sang Đài Loan làm việc. Tuy nhiên, do đến thời điểm thực hiện, đã phát sinh thêm một số chi tiết cần hai bên thảo luận, làm rõ, nên Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo tạm dừng triển khai.

Đến nay, cơ quan chức năng hai bên đã thống nhất, Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo để các doanh nghiệp tiếp tục gửi hồ sơ để Cục xem xét giải quyết. Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng lưu ý các doanh nghiệp một số nội dung khác như: Các doanh nghiệp phía Đài Loan cấp phép hoạt động, ngoài các hồ sơ theo hướng dẫn tại phụ lục công văn số 2176/LĐTBXH-QLLĐNN ra, cần bổ sung Giấy xác nhận không vi phạm qui định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, do thực tế rất ít các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan tiếp nhận lao động thuyền viên tàu cá gần bờ được phía Đài Loan xếp loại A, nên các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia cung ứng lao động thuyền viên tàu cá của Việt Nam có thể hợp tác với công ty dịch vụ tiếp nhận thuyền viên tàu cá được phía Đài Loan xếp loại B theo kết quả đánh giá, xếp loại mới nhất. Các công ty tiếp nhận thuyền viên tàu cá gần bờ đã tiếp nhận và quản lý có xác nhận cảu chủ tàu, hoặc của các Hội nghề, Công hội, Hiệp hội dịch vụ việc làm mà công ty là thành viên.

Có thể nói, sau 10 năm ban hành lệnh cấm tiếp nhận, thị trường lao động Đài Loan sẽ thí điểm tiếp nhận lại lao động Việt Nam làm công việc thuyền viên tàu cá gần bờ và lao động khán hộ công gia đình (chăm sóc người già tại nhà) là niềm vui cho lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Trước đó, để chuẩn bị cho công tác đưa lao động sang Đài Loan, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành công văn hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai dịch vụ xuất khẩu lao động.

Ảnh minh họa

Theo Cục QLLĐNN, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Đài Loan đã thống nhất về việc cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp XKLĐ) mới được đưa lao động sang Đài Loan làm việc, tiếp nhận lao động khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ.

Theo đó, doanh nghiệp XKLĐ không vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động ra nước ngoài, phải có cơ sở đào tạo đáp ứng đủ phòng học, chỗ ăn, ở, sinh hoạt, học tập nội trú cho trên 100 lao động trở lên, có đủ trang thiết bị phục vụ đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề, có tối thiểu 4 giáo viên có trình độ, kinh nghiệm chuyên trách đào tạo, trong đó có 1 giáo viên chuyên trách đào tạo kỹ năng nghề, 2 giáo viên đào tạo tiếng Trung và 1 giáo viên bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

Về lao động khán hộ công gia đình sẽ có hợp đồng lao động 3 năm, gia hạn hợp đồng tối đa 15 tháng, có mức lương tối thiểu 17.500 Đài tệ/ tháng. Lao động được chủ sử dụng cung cấp miễn phí chỗ ăn, ở, đồng thời chủ sử dụng sẽ chi trả cho người lao động tối thiểu một lượt vé máy bay về nước.

Trong thời gian làm việc, người lao động được nghỉ một ngày/ tuần, nếu làm thêm trong ngày nghỉ được nhận thêm 583 Đài tệ/ ngày, người lao động bị bệnh, ốm thông thường mà không phải do tai nạn nghề nghiệp hoặc do lây nhiễm từ người bệnh thì được hưởng 50% tiền lương cho mỗi ngày nghỉ ốm nhưng không quá 30 ngày/ năm. Người lao động làm việc liên tục đủ một năm trở lên thì mỗi năm được hưởng 7 ngày phép, thời gian nghỉ phép của năm trước được nghỉ trong thời gian làm việc của năm liền kề sau đó và được lương như ngày đi làm bình thường. Đặc biệt, lao động có bảo hiểm y tế theo qui định của Đài Loan, được chủ sử dụng mua bảo hiểm rủi ro cho người lao động mức bồi thường tối thiểu là 300.000 Đài tệ.

Theo Cục QLLĐNN, mức chi phí của người lao động làm công việc khán hộ công gia đình có tổng chi pí là 2.036 USD (chưa bao gồm tiền ký quĩ), tiền ký quĩ đảm bảo thực hiện hợp đồng: không quá 800 USD /người/ hợp đồng (tối thiểu một lượt vé máy bay). Lao động làm khán hộ công gia đình ở độ tuổi từ 25 – dưới 45 tuổi, phải tham gia đầy đủ nội dung, chương trình về đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ và kiến thức cần thiết theo qui định.

Tuy nhiên, đối với lao động có kinh nghiệm làm công việc khán hộ công tại Đài Loan đã về nươc trong thời hạn 1 năm, không bắt buộc phải tham gia đầy đủ khóa đào tạo kỹ năng nghề và ngoại ngữ theo qui định, doanh nghiệp có trách nhiệm bổ túc kỹ năng nghề và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

Về lao động thuyền viên tàu cá gần bờ cũng sẽ có hợp đồng lao động 3 năm, thời gian gia hạn hợp đồng tối thiểu là 17 tháng, mức lương tối thiểu 19.273 Đài tệ/ tháng. Trong thời gian làm việc, chủ sử dụng lao động cung cấp chỗ ăn, ở miễn phí, đồng thời chi trả tối thiểu một lượt vé may bay về nước. Thời gian làm việc và các chế độ làm thêm, ngày nghỉ, an toàn lao động, bảo hiểm… theo qui định pháp luật của Đài Loan.

Tổng chi phí đối với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ là 1.550 USD (chưa bao gồm tiền ký quĩ), tiền ký quĩ bảo đảm hợp đồng là 1000 USD/người/hợp đồng. Lao động phải ở độ tuổi từ đủ 20 đến dưới 40 tuổi, đang sinh sống, cư trú dài hạn tại các địa phương ven biển, có kinh nghiệm đi biển và đánh bắt cá trên biển, đồng thời tham gia đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo qui định.

Trong thời gian thí điểm, các doanh nghiệp được tham gia cung ứng lao động khán hộ công gia đình đưa đi không quá 100 lao động/doanh nghiệp, các doanh nghiệp được tham gia cung ứng lao động thuyền viên tàu cá gần bờ đưa đi không quá 50 lao động/ doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng cung ứng lao động khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ với tối đa 5 công ty dịch vụ việc làm Đài Loan.

Được biết, cách đây 10 năm, việc đưa lao động Việt Nam để làm việc theo 2 loại hình lao động trên bị tạm dừng do tình trạng bỏ trốn của lao động gia tăng. Thị trườnglao động Đài Loan thu hút lao động Việt Nam bởi mức lương tương đối phù hợp, khoảng cánh địa lý không xa so với Việt Nam và hệ thống pháp luật về lao động khá ổn định.

Theo baodansinh.vn