leftcenterrightdel
Xây dựng và cơ khí là 2 ngành tiềm năng cho lao động Việt Nam tại Trung Đông 

Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) Trung Đông được đánh giá rất tiềm năng, phù hợp với người lao động (NLĐ) Việt Nam. Những quốc gia khu vực này như: Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động Việt Nam. So với các thị trường XKLĐ khác, thị trường Trung Đông có lợi thế chi phí rẻ, thậm chí còn miễn phí; điều kiện tuyển chọn dễ dàng.

Cơ hội lớn

Ông Nguyễn Trần Thăng - Trưởng Ban Thị trường Trung Đông, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam - cho biết hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại một số quốc gia khu vực Trung Đông, chủ yếu trong các ngành nghề như: xây dựng, cơ khí, giúp việc gia đình. Một số ít NLĐ là kỹ sư, chuyên gia với chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập cao.

Con số trên cho thấy thị trường Trung Đông vẫn chưa thu hút được lực lượng lao động có kỹ năng nghề của Việt Nam, trong khi nhu cầu rất lớn. Thời gian gần đây, nhiều nước bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác về lao động với Việt Nam. Theo ông Thăng, Ả Rập Saudi đang thực hiện nhiều dự án chiến lược về hạ tầng nên cơ hội việc làm rất lớn cho NLĐ nước ngoài. Nước này đang có kế hoạch tăng tiếp nhận thêm 10 triệu lao động nước ngoài trong thời gian tới ở nhiều lĩnh vực - nhất là sản xuất công nghiệp, năng lượng, y tế, du lịch… 

"NLĐ Việt Nam có lợi thế hơn bởi Việt Nam và Ả Rập Saudi đã có hợp tác lao động từ lâu. Quốc gia này cũng đánh giá cao chất lượng của lực lượng lao động nước ta, trong đó có lao động tay nghề cao" - ông Thăng đánh giá.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng của Việt Nam và Ả Rập Saudi đã ban hành các chính sách, pháp luật tăng cường công tác quản lý NLĐ, chấn chỉnh và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ tại địa bàn, nhất là những lao động có trình độ thấp như giúp việc gia đình.

Năm 2021, UEA đã thông qua một chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài nhằm biến nơi đây thành điểm đến làm việc, sinh sống và đầu tư ưa thích của người nước ngoài. Qatar cũng tuyên bố sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới công nghệ của thế giới. Nhiều nước trong khu vực Trung Đông đã nỗ lực nới lỏng thị thực để thu hút lao động quốc tế. Năm 2022, Ả Rập Saudi đã bắt đầu cấp thị thực giáo dục dài hạn, ngắn hạn cho sinh viên nước ngoài và trả lương hậu hĩnh cho nguồn lao động chất lượng cao. UEA cũng cấp visa cư trú dài hạn 10 năm cho các nhà đầu tư, chuyên gia, kỹ sư, bác sĩ và sinh viên quốc tế xuất sắc.

Nâng cao vị thế lao động Việt Nam

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long - DN được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cấp phép đưa lao động sang Trung Đông làm việc - cho biết nhu cầu tuyển kỹ sư và thợ lành nghề tại thị trường này rất lớn. Nhiều đối tác cần tuyển số lượng lớn thợ xây dựng, thợ điện, thợ hàn cho các dự án hạ tầng, trong đó có những dự án do nhà thầu Việt Nam trúng thầu thi công. Do đó, thị trường lao động Trung Đông đang rất rộng mở với NLĐ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhận định thị trường Trung Đông rất tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài với số lượng lớn, nhất là lao động có kỹ năng, tay nghề. Tuy nhiên, khu vực Trung Đông có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt và chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi lực lượng lao động giá rẻ từ các quốc gia lân cận.

Đối với các DN dịch vụ đưa NLĐ sang Trung Đông, Bộ trưởng lưu ý công tác đào tạo NLĐ có tay nghề, kỹ thuật và hiểu biết về văn hóa, tôn giáo trước khi xuất cảnh. Quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH là không đưa NLĐ đi bằng mọi giá. Thay vào đó, các cơ quan, DN dịch vụ phải chú trọng việc đào tạo, lựa chọn, đánh giá kỹ lưỡng đối tác, hợp đồng và hỗ trợ, quản lý NLĐ trong suốt thời gian làm việc ở nước bạn, để bảo đảm quyền lợi cho họ. 

"Cần lấy trình độ, kỹ năng nghề của NLĐ làm cơ sở để đàm phán, nâng cao mức lương và các quyền lợi khác. Qua đó, nâng cao vị thế NLĐ Việt Nam trên thị trường các nước. Phải coi đây là lợi thế cạnh tranh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực lao động, Bộ trưởng khẳng định hai bên sẽ tăng cường trao đổi giữa các cơ quan quản lý lao động, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, kết nối thị trường lao động, đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác lao động nhằm hỗ trợ nhau bổ sung nguồn nhân lực chất lượng trong quá trình phát triển đất nước.

Theo nld