Học viện An ninh Thành Cát Tư Hãn là ngôi trường đào tạo vệ sĩ duy nhất của Trung Quốc, có trụ sở tại Thiên Tân, thành phố cách Bắc Kinh khoảng 130 km về phía tây. Học viên ở đây đều hiểu rằng mối đe dọa với giới nhà giàu mới nổi của đất nước trong thời đại công nghệ này nhiều khả năng xuất hiện từ một hacker hơn là một kẻ bắn lén.

Khoác lên người bộ vest đen, từ bình minh tới nửa đêm, học viên ở đây học cách nắm vững hệ thống phòng thủ kỹ thuật số gắn liền với các kỹ năng cận vệ truyền thống như võ thuật, sử dụng vũ khí và lái xe tốc độ cao.

  
                                                                                   Huấn luyện viên (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn học viên kỹ thuật rút súng hôm 8/9. Ảnh: AFP.

Mỗi năm trường có khoảng 1.000 học viên tốt nghiệp, với hy vọng được nhận làm vệ sĩ cho những người giàu có và nổi tiếng đang ngày càng nhiều ở Trung Quốc, với thu nhập có thể lên tới 70.000 USD, gấp nhiều lần mức lương văn phòng.

Tuy nhiên, trường cho hay vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khi tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc tạo ra khoảng 4,4 triệu triệu phú mỗi năm, theo báo cáo năm 2019 của Credit Suisse, nhiều hơn cả Mỹ.

Học phí cho mỗi khóa là 3.000 USD một người. Trường phải hủy khóa huấn luyện từ tháng 2 tới tháng 6 vì Covid-19 nên không đáp ứng đủ nhu cầu.

Chỉ những người giỏi nhất mới theo học được, Chen Yongqing, người sáng lập ra ngôi trường, nói. Ông nhấn mạnh trường có tiêu chuẩn kỷ luật khắt khe hơn cả quân đội.

"Tôi là người nóng tính và rất khắt khe", cựu sĩ quan quân đội từng đóng quân ở khu vực Nội Mông, phía bắc Trung Quốc, nói. "Chỉ có kỷ luật nghiêm khắc mới rèn ra được những thanh kiếm sắc. Nếu không rèn tốt, kiếm sẽ gãy".

Chen cho hay khoảng một nửa học viên là cựu binh. Họ đứng thành hàng, luyện tập trong một nhà thi đấu lớn, tay cầm khẩu súng nhựa màu xanh nước biển trước ngực với vẻ bình tĩnh, trước khi hối hả đưa một người đóng giả là khách hàng vào chiếc Audi màu đen.

Những buổi học khác được tổ chức trong lớp hoặc phòng gym, học viên mặc áo phông màu đỏ để luyện tập. Trong lớp, học viên không được sử dụng điện thoại di động, mọi hoạt động trong giờ ăn diễn ra im lặng trong căng tin lớn treo đầy ảnh cựu học viên nổi tiếng, những người đã bảo vệ các yếu nhân từ Jack Ma, người giàu thứ hai Trung Quốc, cho tới đảm bảo an ninh cho chuyến thăm của các tổng thống Pháp.

"Chúng tôi xác định chuẩn mực cho nghề vệ sĩ của Trung Quốc", Ji Pengfei, một huấn luyện viên trong trường, nói.

Trong một lớp học, sinh viên hoạt động theo cặp, đóng giả tình huống bảo vệ thân chủ khỏi kẻ tấn công. "Nguy hiểm!" Ji hét lên, khiến vệ sĩ nhanh chóng chắn trước người ông chủ, đồng thời rút súng.

                                                                                 Huấn luyện viên (áo đen), hướng dẫn học viên (áo đỏ) các kỹ thuật võ cận chiến hôm 8/9. Ảnh: AFP.

Những người không thực hiện được kỹ năng bảo vệ thân chủ trong hai giây sẽ phải chống đẩy 50 lần. Vũ khí được sử dụng để tập luyện là súng giả, bởi Trung Quốc cấm người dân sở hữu súng. Để huấn luyện bắn đạn thật, học viên sẽ được đưa tới Lào.

Nhưng tại một quốc gia luôn được giám sát chặt chẽ mọi ngóc ngách bằng camera an ninh và tỷ lệ tội phạm đường phố thấp, mô hình vệ sĩ hiện đại yêu cầu cập nhật một kỹ năng khác, đó là chống lại các hình thức giám sát công nghệ cao hay những hacker chuyên nghiệp.

"Ông chủ Trung Quốc không cần bạn đánh nhau", Chen nói với học viên về các khách hàng, bao gồm những công ty bất động sản và công nghệ lớn nhất Trung Quốc.

Đẩy lùi hành vi xâm nhập qua điện thoại di động, an ninh mạng, phát hiện nghe trộm và xóa sạch dữ liệu là những công cụ cần thiết trong kho vũ khí của học viên trong trường.

"Bạn sẽ làm gì nếu ông chủ muốn hủy một tập tin video ngay lập tức?" Chen hỏi trước cả lớp.

Tuy vậy, những mối đe dọa kiểu cũ vẫn tồn tại ở Trung Quốc. Hồi đầu năm, tỷ phú Hà Hưởng Kiện, người sáng lập hãng sản xuất đồ gia dụng Midea và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, bị bắt cóc tại nhà riêng.

Theo truyền thông Trung Quốc, con trai ông trốn thoát bằng cách nhảy xuống sông, sau đó gọi điện báo cảnh sát. Cảnh sát cho hay đã bắt 5 nghi phạm ở hiện trường.

Zhu Peipei, 33 tuổi, lính giải ngũ người tỉnh Sơn Tây, hy vọng việc trở thành vệ sĩ sẽ bù đắp cho việc thiếu kỹ năng chuyên môn và học vấn của mình.

"Đương nhiên làm vệ sĩ còn rất ngầu nữa", Zhu nói.

Vệ sĩ tốt nghiệp học viện cũng làm những dịch vụ khác như đưa đón trẻ em con nhà giàu và nổi tiếng đi học, với thu nhập 26.000 USD một năm. Con số này cao hơn nhiều so với lương cơ bản tại một công ty tư nhân, khoảng 7.400 USD.


                                                                                       Một vệ sĩ luyện tập tình huống đưa ông chủ vào xe trong buổi huấn luyện hôm 8/9. Ảnh: AFP.

Huấn luyện viên Ji cho hay họ cũng phải tìm hiểu những thói quen hay niềm tin kỳ quặc của khách hàng.

Một số khách hàng chỉ tin tưởng vệ sĩ hợp tuổi với mình, còn một doanh nhân giàu có khác chỉ muốn tuyển đồng hương. Một người khác lại hỏi vệ sĩ thích đọc sách gì và quyết định thuê sau khi anh này trả lời thích đọc tiểu thuyết quân sự.

Những người giỏi nhất có thể đòi mức lương lên tới 74.0000 USD một năm ở Trung Quốc, nhưng một số muốn ra nước ngoài với hy vọng làm thuê cho khách hàng ngoại quốc.

"Tôi muốn làm việc ở Philippines hoặc Myanmar", một học viên nói. "Tới đó tôi được phép mang súng. Công việc sẽ mang tính thách thức cao hơn và tôi có thể kiếm nhiều tiền hơn".

Theo  vnexpress