|
|
Lao động Việt Nam trước giờ sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng |
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 9 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 111.507 người, vượt chỉ tiêu đề ra của năm, tạo điểm nhấn tích cực trong tạo việc làm. Tuy nhiên, việc ra nước ngoài làm việc chỉ lo kiếm tiền, khiến nhiều lao động đã bỏ qua cơ hội học tập, nâng cao trình độ tại nước sở tại.
Chật vật tìm việc ở quê nhà
Trường hợp của anh Trần Văn Sơn (SN 1997, quê Bình Phước) là ví dụ. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định sang Nhật Bản làm việc. Sau 4 tháng học tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức, anh Sơn được cấp chứng chỉ N5 và đi theo diện thực tập sinh ngành ô tô, làm việc tại tỉnh Gifu, miền Trung Nhật Bản 3 năm. Với thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, sau khi trừ tiền thuế, chi phí sinh hoạt, mỗi tháng Sơn dư được 10-12 triệu đồng.
Tuy nhiên, Sơn thừa nhận dù là thực tập sinh kỹ năng nhưng thực chất anh chỉ là lao động bậc 1. "Lúc mới sang Nhật, tôi bị sốc vì ở Việt Nam chỉ lo ăn học, chưa làm việc nặng nhọc bao giờ. Công việc của tôi là lắp ráp ghế ô tô, khoảng cách đi lại không xa nhưng hằng ngày phải khuân sản phẩm để gia công, về đến nhà là toàn thân rã rời" - anh kể.
Sau khi kết thúc hợp đồng trở về nước, Sơn xin việc tại các công ty có vốn Nhật Bản và rất tự tin với hồ sơ năng lực của mình. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp không tuyển vì anh không có tay nghề, vốn tiếng Nhật ít. Nhìn ra hạn chế của bản thân, năm 2020, Sơn quay trở lại Nhật Bản theo diện du học sinh, vừa học vừa làm để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm. Hiện anh theo học hệ cao đẳng ngành biên - phiên dịch tại tỉnh Osaka.
Tương tự, anh Nguyễn Trung Nghĩa (SN 1985, quê Trà Vinh) cũng chật vật tìm việc sau khi có 3 năm xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc trở về nước. Anh Nghĩa cho biết tại Hàn Quốc, ban ngày làm việc tại nông trại, tối về ngủ vùi, vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại trong những năm nơi xứ người. "Tay nghề không có, vốn tiếng Hàn hạn chế, đặc biệt là lớn tuổi nên tôi khó tìm được việc làm khi về nước" - anh Nghĩa bày tỏ.
Tăng tỉ lệ lao động kỹ thuật
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM), đánh giá hiện không ít người lao động (NLĐ) chọn đi nước ngoài làm việc chỉ để kiếm tiền. Thậm chí có người còn đi làm "chui" mà không nghĩ đến hậu quả.
Ông Sơn cho hay hầu hết các TTS sang Nhật làm việc 3 - 5 năm có thể tích lũy được 500 triệu - 1 tỉ đồng (nếu tăng ca sẽ nhiều hơn). Tuy nhiên, nếu nghĩ ra nước ngoài làm việc chỉ vì mục tiêu kiếm tiền thì NLĐ sẽ khó phát triển tương lai lâu dài. Bởi khi trở về nước, nếu NLĐ không có kiến thức, kinh nghiệm, ngoại ngữ sẽ rất khó cạnh tranh ở thị trường lao động trong nước.
"Về lâu dài, nhà nước cần có lộ trình đàm phán mở rộng hợp tác các ngành nghề chuyên môn để tăng tỉ lệ lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại nước ngoài. Nhóm này sẽ là nguồn lực giúp Việt Nam tiếp cận nền sản xuất tiên tiến của các nước, về phục vụ cho nước nhà" - ông Sơn nói.
Theo ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm XKLĐ Mai Linh (quận 7, TP HCM), NLĐ cần chọn lọc kỹ các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ XKLĐ nếu có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Ở những công ty có uy tín, ngoài đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng cần thiết cho công việc NLĐ sẽ làm, họ còn định hướng nghề nghiệp từng người để phát triển công việc đó thành một nghề. Thậm chí, nhiều nơi còn hướng dẫn về văn hóa, cách quản lý tài chính… để NLĐ hoạch định tương lai.
"Nếu được tư vấn kỹ, định hướng ngay từ đầu thì NLĐ sẽ không bỡ ngỡ khi đến làm việc tại nước sở tại. Mặt khác, sau khi về nước họ cũng sẽ tìm được một công việc dễ dàng; là nguồn nhân lực có trình độ trong ngành nghề đã làm khi về nước" - ông Bình nhấn mạnh.
Hiện Nhật Bản là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động Việt Nam với 55.690 người, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 46.166 người, Hàn Quốc (2.449), Trung Quốc (1.361), Hungary (1.148), Singapore (1.015), Romania (705), Ba Lan (651), Ả Rập Saudi (205 lao động)... |
Theo nld