Tay nghề kỹ thuật của người lao động được nâng cao khi làm việc tại các quốc gia phát triển
Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm. Thực tế cho thấy, nếu chỉ trông vào thị trường lao động trong nước thì khó có thể giải được bài toán thất nghiệp. Nếu không hướng tới các thị trường lao động ngoài nước, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta sẽ còn tăng thêm.
Tiếp cận các thị trường triển vọng
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, năm 2016, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm đã vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, có hơn 126.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015, cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Năm 2017, Việt Nam dự kiến đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài việc giữ vững thị trường truyền thống, ngành lao động đặt mục tiêu hướng tới các thị trường xuất khẩu lao động chất lượng, tạo cơ hội cho lao động Việt Nam được làm việc tại các quốc gia có điều kiện môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao. Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Viết Hương khẳng định, chỉ tiêu đưa 105 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được.
Để đạt mục tiêu trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước ưu tiên đầu tư giữ vững các thị trường trọng điểm, nhất là 3 thị trường chủ lực: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia…
Đáng chú ý, Đức tiếp tục nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc theo các chương trình đã ký kết; Nhật Bản vừa thông qua luật mới, nới thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng, tạo ra nhiều cơ hội cho lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh việc duy trì xuất khẩu lao động phổ thông, năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, hoàn thiện đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài.
Bảo vệ quyền lợi người lao động
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng ngành xuất khẩu lao động vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý: tình trạng lừa đảo lao động xảy ra ở nhiều nơi, doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, thu phí cao, tỉ lệ lao động bỏ trốn, phạm pháp xảy ra ở hầu hết các thị trường. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 là công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.
Trước mắt, các doanh nghiệp phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi. Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc, sẽ có các ban quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. Đối với những nước không có ban quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo ông Phạm Viết Hương, góp phần ổn định sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài điều quan trọng nhất phải tiếp tục giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi phái cử. Ông Phạm Viết Hương nhấn mạnh: “Cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 là rất lớn, đặc biệt là những lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng”.
Theo anninhthudo.vn