leftcenterrightdel
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền online và phỏng vấn lao động bằng hình thức trực tuyến (Ảnh: CTV) 

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, sau khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và các nước trong khu vực được kiểm soát, ngành lao động tăng cường tổ chức tư vấn, hội thảo về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, mở nhiều phiên giao dịch việc làm, tư vấn, đăng ký tham gia theo hình thức online.

Ngoài ra, ngành lao động tiếp tục khảo sát, tìm hiểu mở rộng thêm những thị trường có thu nhập cao để đưa lao động sang làm việc như: Singapore, Úc, thị trường Châu Âu… Mục tiêu khác là xúc tiến nhanh việc đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình thời vụ ký kết thỏa thuận trực tiếp giữa hai địa phương.

Đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp đã đưa 863 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm đến 804 lao động, Hàn Quốc 59 lao động.

Tính từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 11.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, mỗi năm mang về số tiền hơn 1.300 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 6.000 lao động hết hạn hợp đồng về nước, trong đó có nhiều lao động có chứng chỉ N2, N3 (trình độ tiếng Nhật), nên đã tham gia khởi nghiệp, làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, có 1.800 lao động có việc làm trong nước, tham gia học cao đẳng, đại học, đồng thời có 200 lao động tham gia khởi nghiệp xây dựng nhà cửa mua ruộng vườn canh tác phát triển tương lai... Tuy nhiên, trong số lao động này, nhiều lao động mong muốn địa phương hỗ trợ thêm vốn vay ưu đãi để mở rộng chăn nuôi, sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.

leftcenterrightdel
 Đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp đã đưa 863 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm đến 804 lao động (Ảnh: CTV).

Như trường hợp anh Nguyễn Trọng Hữu (30 tuổi, xã Long Thắng, huyện Lai Vung), sau 2 năm lao động tại Nhật Bản, anh Hữu khởi nghiệp nuôi bò Pháp, mỗi vụ 8 con, thời gian nuôi 16 tháng giúp gia đình có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Anh Hữu chia sẻ: "Đã nắm vững kỹ thuật nuôi bò, có thể đầu tư chuồng trại đúng chuẩn, có nguồn giống bò, liên kết đảm bảo đầu ra... bản thân tôi rất mong có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng mô hình nuôi loại gia súc này. Khi quy mô chăn nuôi lớn đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở địa phương có thể lựa chọn thay vì lên TPHCM, Bình Dương... lao động".

leftcenterrightdel
Sau 2 năm lao động ở Nhật Bản, anh Nguyễn Trọng Hữu về địa phương khởi nghiệp với mô hình nuôi bò Pháp. Anh đang có ý định mở rộng mô hình nhưng đang gặp khó khăn về vốn (Ảnh: Nguyễn Hành). 

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi tình hình dịch tạm ổn, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo ngành lao động tập trung vào công tác tuyên truyền đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong năm nay, ngoài nhiệm vụ đưa lao động đến các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc theo hợp đồng 2-3 năm, Đồng Tháp còn tập trung vào hợp đồng lao động mùa vụ tại Hàn Quốc, đây là thị trường rộng lớn, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn Đồng Tháp.

Riêng về nguồn lao động về nước sau khi hết hạn hợp đồng, ông Bửu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng lập ngân hàng dữ liệu để quản lý được số lượng lao động trở về địa phương, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ cho những lao động chưa tìm được việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề để lao động có đủ những chứng chỉ nghề, tìm được những công việc phù hợp, ổn định.

Đối với những lao động khởi nghiệp với các mô hình nông nghiệp tại địa phương đang thiếu vốn, Đồng Tháp có quỹ hỗ trợ từ ngân hàng chính sách xã hội để giúp các lao động học nghề, tiếp cận nguồn vốn thực hiện một đề án, mô hình khởi nghiệp nào đó.

 Trong 5 tháng đầu năm 2022, Đồng Tháp đã đưa 863 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó thị trường lao động Nhật Bản chiếm đến 804 lao động, Hàn Quốc có 59 lao động; An Giang đưa 107 lao động, chủ yếu là thị trường Nhật Bản.

Theo dantri