Thảo luận về ngân sách chung sẽ củng cố hôn nhân của bạn - Ảnh: Sheknows
Theo một nghiên cứu năm 2013 của trường đại học Kansai (Mỹ), tranh cãi về tiền bạc là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các cuộc ly hôn. Vì thế, bạn hãy làm tăng cơ hội hạnh phúc của mình bằng cách tránh những lỗi tài chính thông thường mà nhiều cặp vợ chồng mắc phải dưới đây:
1. Nghĩ rằng các khoản nợ do vợ/chồng vay không phải là vấn đề của bạn
Ngày nay, nam nữ kết hôn muộn hơn những thế hệ trước đây. Điều đó có nghĩa là hai người đã tích lũy được một số tiền nhất định, và cũng có thể họ đang mang những khoản nợ nhất định: nợ thẻ tín dụng, nợ mua xe...
Đương nhiên, theo luật pháp, bạn không có trách nhiệm phải trả những khoản nợ mà người bạn đời đã vay trước khi kết hôn. Tuy nhiên, bạn cũng không phải là quá thông minh nếu quyết định không bao giờ dùng tiền của mình để giúp đỡ bạn đời trả những khoản nợ đó.
Tốt nhất, hai người nên thảo luận về vấn đề nợ trước ngày cưới, và cố gắng trả hết các khoản nợ xấu. Nếu bạn kết hôn với một người nợ như chúa chổm, bạn nên giúp họ để có thể trả nợ càng nhanh càng tốt.
2. Không có tài khoản chung
Nếu muốn tiền ai người nấy giữ, các bạn vẫn nên có một khoản tiền chung để trang trải cho những chi phí chung. Hơn tất cả, hai người đã là một gia đình, cùng sống dưới một mái nhà.
Có một khoản tiền chung đảm bảo cả hai không có sự bất bình về việc một người có nhiều tiền hơn hay một người đang mắc kẹt với một hóa đơn nào đó. Hãy bỏ tiền vào tài khoản chung, lập ra một ngân sách với các khoản tiêu chung.
3. Không có các quy tắc nền tảng khi quản lý tiền
Cần phải đảm bảo cả hai người cùng thống nhất với các vấn đề sau:
- Ngân sách dành cho con cái (nếu có con) sẽ như thế nào?
- Thảo luận về tiền bạc nên diễn ra như thế nào: thường xuyên hay chỉ khi có một nhu cầu mới?
- Nếu có tiền thưởng hay một khoản may mắn bất ngờ thì xử lý thế nào?...
Có những quy tắc cơ bản sẽ giúp bạn tránh được những tình huống căng thẳng. Hãy bàn về chúng trước và viết ra giấy để sau này không có ai nhầm lẫn về những gì đã được thống nhất.
4. Lập quỹ đen
Theo một khảo sát do Self.com và Today.com tiến hành, 56% phụ nữ và 37% nam giới cho biết họ nói dối bạn đời trong vấn đề tiền bạc. Họ có thể mở một tài khoản mà bạn đời không biết, giấu các khoản mua sắm hoặc cất riêng tiền ra một bên.
Nếu bạn đang giấu diếm tiền bạc, đã đến lúc bạn nên công khai. Che giấu các chi tiết tài chính có thể báo hiệu cho những rắc rối trong hôn nhân.
Nếu muốn hôn nhân của mình bền vững, bạn cần phải chấm dừng những bí mật. Trong một khảo sát năm 2012 trên toàn nước Mỹ, phần lớn mọi người coi các vấn đề tài chính cũng gây hại như ngoại tình. 13% phần trăm người được hỏi cho biết họ đã ly hôn vì bạn đời có quỹ đen.
5. Để một người thanh toán mọi hóa đơn
Khi cả hai cùng chi trả hóa đơn, các bí mật tiền bạc sẽ bị lộ ra. Vì thế nếu muốn không có các bí mật này, vợ chồng bạn không nên để một người chi trả mọi thứ.
Nếu người bạn đời không hài lòng với ngân sách, hãy in thông tin tài khoản, ghi chép các chi tiêu hàng tháng và đưa cho anh ấy/cô ấy xem, thậm chí đôi khi cần phải để anh ấy/cô ấy quản lý tài khoản chung để họ biết thực tế mức chi tiêu ra sao.
Vợ chồng nên hàng tháng nói chuyện với nhau về số dư tài khoản và dự đoán các chi phí bất thường. Đây cũng là thời gian để điều chỉnh các mục tiêu tiết kiệm và đánh giá lại thói quen chi tiêu.
6. Bỏ qua các kế hoạch dài hạn
Thảo luận về các nhu cầu dài hạn như tiền lo việc học của con, tiền để dành cho lúc về hưu, vấn đề chăm sóc sức khỏe là rất quan trọng.
Quên không bàn đến vấn đề này không thể khiến hai người ra tòa nhưng có thể khiến cuộc sống của bạn sau này rất khó khăn. Nếu không có sự chuẩn bị thích hợp, bạn sẽ thấy sự thật những năm tháng hai người sống bên nhau khác xa với những gì hình dung lúc cưới.
7. Để cảm xúc lấn át trong các thảo luận và quyết định về tiền bạc
Tiền bạc là một chủ đề rất nhạy cảm. Sai lầm lớn nhất mà bạn có thể mắc là biến vấn đề tài chính thành vũ khí chống lại người bạn đời của mình.
Nếu chàng lãng phí tiền vì những game trực tuyến, bạn trả đũa bằng cách đi mua sắm vô tội vạ, điều đó không chỉ phá hỏng cuộc hôn nhân của hai người mà còn là một động thái tài chính vô cùng ngu ngốc. Một việc cũng không nên làm là khiến bạn đời xấu hổ vì kiếm được ít tiền hoặc tiêu nhiều hơn kiếm được. Cư xử này có thể khiến người đó bất mãn, oán giận - những cảm xúc có thể gây hại cho hôn nhân.
Dù sao, hãy đối xử nhận hậu và tôn trọng người bạn đời, kể cả khi họ có vẻ không xứng đáng với điều đó lắm. Bạn không thể điều khiển người bạn đời nhưng khi bạn tôn trọng họ, bạn có thể mở ra một cuộc nói chuyện mang tính xây dựng giữa hai người.
Theo Money Talks News/ VnExpress