leftcenterrightdel
 Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều người trẻ tạm ngưng kế hoạch tiết kiệm, nghỉ hưu sớm. Ảnh:Martin Lopez/Pexels.
 

Ở tuổi 18, Anousha Ahmed (sống tại bang Virginia, Mỹ) không có ý định tìm kiếm việc làm ổn định hay lập kế hoạch tài chính lâu dài.

Thay vào đó, cô tập trung vào những nguồn thu nhập ngắn hạn, ít ràng buộc, chẳng hạn như dạy bơi cho trẻ em. Với Ahmed, đây là cách để cô được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, Yahoo Finance đưa tin.

“Tôi chỉ cần đủ tiền để tham dự concert, đi du lịch hoặc ăn uống tại nhà hàng yêu thích. Tiết kiệm không còn là ưu tiên hàng đầu của tôi”, cô nói.

Theo thống kê hưu trí từ Fidelity Investments trong năm 2022, có ít nhất 50% Gen Z có cùng quan điểm với Ahmed. Sau thời gian dài “mắc kẹt” vì giãn cách xã hội, họ bị ám ảnh với việc tận hưởng các thú vui.

Lý do này khiến nhiều bạn trẻ quyết định hoãn mọi kế hoạch tăng trưởng kinh tế, và chỉ tiếp tục thực hiện khi mọi thứ thực sự trở lại bình thường hậu dịch Covid-19.

Thực tế, lối sống tích cóp để nghỉ hưu sớm khiến không ít Gen Z lo lắng. Thậm chí, có người còn bắt đầu nghĩ tới quỹ lương hưu từ tuổi 19. Họ cần tìm kiếm sự kiểm soát nhằm thoát khỏi tình cảnh bấp bênh.

Trong khi đó, Lauryn Williams, founder công ty tư vấn tài chính Worth Win (Mỹ), lại không khuyến khích suy nghĩ có phần cực đoan này. Nếu quay lại dành dụm sớm, người trẻ sẽ gia tăng nguồn tiền nhờ vào lãi suất thời gian. Song, nữ chuyên gia cũng khẳng định đây không phải cách duy nhất để đảm bảo chất lượng cuộc sống.

leftcenterrightdel
Thay vì âu lo về tài chính, giới trẻ nên cân nhắc nâng cao trình độ học vấn hoặc tự kinh doanh. Ảnh:George Pak/Pexels. 
 

Theo bà, nhóm trẻ tuổi cần học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những vấn đề trong đời, trước khi đưa ra quyết định lớn lao.

“Tôi thường xuyên tiếp nhận khách hàng trẻ tuổi khổ sở. Họ đều lo âu, tuyệt vọng khi tự vẽ ra viễn cảnh túng quẫn. Lời khuyên chung cho những trường hợp này là tiến hành đầu tư cho bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn. Bắt đầu kinh doanh hoặc học thêm kiến thức là ý tưởng hay.

Bên cạnh đó, nhóm trẻ tuổi cần học cách cân nhắc, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những vấn đề trong đời. Thay vì cố giải quyết mọi thứ, hãy tự hỏi lại bản thân về mục tiêu, nhu cầu ở thời điểm hiện tại. Nhờ vậy, bạn sẽ cân đối được các khoản chi tiêu”, Williams cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, Ahmed, sinh viên chuyên ngành thương mại, cũng quyết định dừng vui chơi, chuyển hướng sang kinh doanh.

Song song đó, cô vẫn duy trì học tập ở trường đại học nhằm đảm bảo có đủ kiến thức phục vụ doanh nghiệp cá nhân. Theo nữ sinh, việc kết hợp này sẽ giúp cô kiếm được nhiều tiền hơn nhiều năm tới.

Ngoài ra, mục tiêu ngắn hạn của Ahmed là nhận thức rõ hơn về giá trị và cách dùng tiền thông minh.

“Tôi đã tiêu phần lớn thu nhập nhằm tận hưởng niềm vui. Theo kế hoạch, tôi sẽ quay lại quản lý ngân sách chặt chẽ từ bây giờ. Đó là cách cho phép tôi tiếp tục thực hiện các dự định quan trọng và theo đuổi ước mơ”, Ahmed nói thêm.

Theo zingnews