leftcenterrightdel
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khiến nhiều người trẻ xứ Trung không dám mạnh tay chi tiêu. Ảnh: Wall Street Journal. 

Cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi nền tảng tin tức công nghệ trực tuyến Youth36Kr cho thấy 40% trong số 2.200 người dưới 40 tuổi trên khắp Trung Quốc cố gắng tiết kiệm hàng tháng, chỉ 6,9% không có ý định này.

Cảm giác bất an, không chắc chắn tăng lên khi kinh tế bất ổn, ảnh hưởng sau dịch vẫn còn khiến nhóm người trẻ ở đất nước tỷ dân phải dành dụm hơn 50% tiền lương để đề phòng cho các trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả thất nghiệp và bệnh tật.

Cuộc suy thoái diện rộng do Covid-19 gây ra đã khiến hy vọng của họ về thu nhập và sự nghiệp trong tương lai ngày càng nhạt nhòa. Đại dịch cũng làm nghiêng cán cân từ tiêu dùng sang tiết kiệm, theo SCMP.

“Số tiền tích cóp sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận với mức thu nhập của tôi”, Li Mingyang, làm việc tại công ty chứng khoán ở Thâm Quyến, người để dành được 30% tiền lương hàng tháng của mình, chia sẻ.

Tiết kiệm càng nhiều càng tốt

Li, tốt nghiệp thạc sĩ tài chính năm nay, chia mức lương thành 3 khoản: một phần trong ngân hàng, một phần mua vàng, số tiền còn lại thì đầu tư bảo hiểm nhân thọ với hy vọng nhận được lợi nhuận cao hơn.

“Tôi phải dành dụm tiền để đề phòng trong những tình huống xấu nhất, chẳng hạn mất việc hoặc ốm đau. Ngoài ra, tôi còn có mục tiêu mua xe hơi và nhà”, anh nói thêm.

Trong nhóm những người tham gia khảo sát, 29,5% cho biết họ gửi tiết kiệm từ 30-50% thu nhập hàng tháng, 27,1% chỉ để dành khoảng 10-30%, trong khi 27,4% giữ lại hơn 50%.

Gần 87% số người được hỏi thuộc thế hệ Z và người trẻ sinh từ năm 1981 đến năm 2012, vốn được cho là chiếm phần lớn trong nhóm người tiêu dùng của Trung Quốc, chọn mua sắm ít hơn để “thắt lưng buộc bụng”.

leftcenterrightdel
 Thị trường việc làm của Trung Quốc gặp nhiều biến động, có chiều hướng tệ đi. Ảnh: Xinhua.

“Tôi bắt đầu cảm thấy bất an vào tháng 3 khi một số bạn bè và đồng nghiệp của tôi đột nhiên bị mất việc, thu nhập của họ cũng biến mất chỉ sau một đêm. Điều đó khiến tôi trở nên thận trọng trước nguy cơ bị sa thải và bắt đầu biết giữ tiền”, Jenny Luo (25 tuổi), nhân viên bán hàng ở Quảng Châu, nói.

Gần 1/5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc thiếu việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại là 19,3%.

Cuộc cạnh tranh tìm việc ngày càng gay gắt giữa những người 16-24 tuổi diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II năm 2022.

Đây phần lớn là hệ quả của chiến lược “zero Covid-19”, vốn dẫn đến lệnh phong tỏa quy mô lớn ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác - khác xa với điều kiện lý tưởng cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Trước đây, Lou và bạn bè thích gọi trà sữa mang đi mỗi ngày, nhưng hiện tần suất đó đã giảm xuống chỉ còn một lần một tuần.

Xu hướng này đã buộc các cửa hàng trong phân khúc đồ uống trị giá hàng tỷ USD phải giảm giá từ 30 nhân dân tệ (4,4 đô la USD) xuống còn 9-19 nhân dân tệ.

Áp lực tài chính

Thậm chí, việc gặp khó khăn tài chính còn khiến thanh niên nước này chỉ đủ tiền mua đồ ăn sắp hết hạn. Theo nhà quan sát thực phẩm ăn nhẹ Zhang Xuefeng, một lý do khác khiến trào lưu này bùng nổ ở giới trẻ là vì tình hình tài chính hạn hẹp.

"Những người trẻ ngày nay đang phải đối mặt với áp lực lớn khi lương thưởng hạn chế và chi phí sinh hoạt cao, đặc biệt là tiền thuê nhà", Zhang nói.

Vì vậy, phong cách tiêu dùng mới với mục tiêu “giá rẻ, không cần thương hiệu tên tuổi, chất lượng cao và đủ chức năng cơ bản” đã trở thành xu hướng ở xứ tỷ dân.

Theo cuộc khảo sát hàng quý mới nhất của ngân hàng trung ương Trung Quốc, 58,3% nói rằng họ sẽ cố gắng thắt chặt chi tiêu hơn nữa trong thời gian còn lại của năm 2022.

“Chứng kiến số tiền trong tài khoản tăng thêm một chút khiến tôi thấy mình an toàn hơn”, Zhang Luting, người vừa tốt nghiệp, hiện làm công việc phiên dịch cho một tổ chức phi chính phủ ở Hong Kong, bày tỏ.

leftcenterrightdel
 Nhiều người trẻ học cách tiết kiệm tiền lương ngay khi vừa tốt nghiệp. Ảnh: SCMP.

Zhang tiết kiệm được gần 40% tiền lương hàng tháng mặc dù chi phí sống một mình ở thành phố rất cao.

Báo cáo của Youth36Kr cho biết 17% người được hỏi đánh giá tình hình tài chính của họ rất tồi tệ, 47,5% chỉ đủ tiền để sống.

Hơn 10% nói rằng khoản tiết kiệm hiện tại sẽ giúp họ tồn tại trong một tháng nếu đột nhiên thất nghiệp, trong khi 22,4% có thể sống dưới 6 tháng và 18,1% là từ 6 đến 12 tháng.

Bên cạnh “thắt lưng buộc bụng”, 17,9% muốn tăng khoản đầu tư, giảm 3,7 điểm phần trăm so với quý trước.

“Cách tốt nhất để tăng tiền tiết kiệm là giảm tiêu dùng. Tôi không lường trước được khả năng nâng thu nhập của mình”, một trợ lý hành chính sống ở Quảng Châu chia sẻ.

Ji Xu (24 tuổi), nhân viên ngân hàng tại Thiên Tân, có thể dành dụm 50% tiền lương hàng tháng để mua các sản phẩm tài chính vì anh đang sống với bố mẹ.

“Ngoài các chi tiêu cá nhân, tôi tiết kiệm thu nhập và quản lý tiền của mình cho các khoản dự phòng trong tương lai. Rốt cuộc, ai lại không muốn có càng nhiều tiền càng tốt”, Ji nói.

Theo zingnews