|
|
Tôi tiết kiệm để phòng bất trắc, và đồng thời giúp bảo vệ môi trường (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Cụ thể, khi mua quần áo, tôi hay chọn hàng si (second-hand), chất liệu cotton hoặc linen rồi chịu khó sửa thêm chút cho đúng dáng người. Quan trọng là chúng có chi phí mềm hơn, lại góp phần giảm thiểu nguồn rác thải từ thời trang.
Với vật dụng gia đình, tôi chọn mua những món có tính bền hơn là mẫu mã đẹp. Để làm được điều đó, tôi dành nhiều thời gian để đọc thông tin, nhận xét của người dùng về một món hàng nào đó dự định mua. Mua xong, tôi trở lại trang bán hàng, chịu khó viết nhận xét sau thời gian sử dụng như một lời hồi đáp và nối tiếp hành động chia sẻ, đóng góp hữu ích của cộng đồng.
Với sự phát triển của thương mại điện tử, kể cả quần áo hay vật dụng sinh hoạt, bạn cũng có thể mua những loại đã qua sử dụng nhưng còn tốt. Thời điểm kinh tế đang khó khăn, ai cũng muốn tiết kiệm được càng nhiều càng tốt, những nhóm chia sẻ vật dụng từ miễn phí đến nhượng lại rẻ hoạt động sôi nổi. Song hạn chế của hàng cũ là không có chế độ bảo hành, cũng có thể mua nhầm hàng hỏng hóc nặng. Vậy nên, tùy mặt hàng mà tôi chọn mua hàng đập hộp, bóc tem hay hàng trao tay.
Năm nay, dù dịch đã lắng xuống, nhưng giá cả vẫn tăng, tôi cần tiết kiệm để dành khoản tiền phòng thân, nhỡ đâu lại cần dùng cho những ngày dài đầy thử thách. Nhiều thứ phải chi trong khi các khoản thu vào ít dần đi hoặc khó tăng trưởng, các nội tướng chỉ còn cách gói ghém sao cho khéo.
Thời cuộc đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của không ít người, trong đó có tôi. Những thứ như thực phẩm, nhu yếu phẩm nếu có thể dự trữ, tôi sẽ ưu tiên mua trước, rồi mới cân nhắc đến những thứ ít cần thiết hơn. Nhà có trẻ em thì sữa, bỉm là thứ các bà mẹ trong đó có em gái tôi thường phải canh khuyến mãi để mua sao cho hời nhất. Nhà có cha mẹ già thì thuốc bổ, thực phẩm cần thiết được bổ sung ngay khi có thể. Và nếu ai đó dù ở khoảng an toàn nhất của tuổi đời và sức khỏe, cũng cần tính toán chi tiêu mua sắm hợp lý.
Do đó, những đợt giảm giá sâu vào những ngày lễ, quần áo, trang sức hay mỹ phẩm vẫn không có trong dự định của tôi. Nếu bắt gặp món đồ nào đó đẹp mắt quá, ưng bụng quá, tôi cứ nhìn ngắm thỏa thuê, sau khi mua đủ các món quan trọng, tôi mới một lần nữa cân nhắc đến nó. Mà kỳ thực, một cơ thể khỏe mạnh, sự bình an trong tâm trí và kết nối bền chặt với những người quan trọng xung quanh mới là điều tôi để ý hơn áo quần, trang sức. Tôi trân trọng và biết ơn những gì mình đang có, kể cả mấy món đồ đã cũ, bữa cơm gia đình giản dị, vài cuốn sách đã sờn gáy của bạn bè, người thân tặng. Chừng đó thôi đã thấy mình giàu có, đủ đầy.
Liệu cơm gắp mắm để không vung tay quá trán là lời khuyên hữu ích của ông bà ta mà người Việt luôn ghi nhớ và áp dụng. Tôi siêng năng với những thứ có thể làm ở nhà mà cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người thân như làm bánh, muối dưa, trà sữa…
Nhà tôi, bên mâm cơm gia đình, đám trẻ con luôn được ông bà, cha mẹ nhắc nhớ về những đồ vật đơn sơ mà đầy kỷ niệm. Những người bạn của tôi bây giờ có thể hàn huyên với nhau bên tách trà, đĩa bánh “nhà làm” để được tận hưởng niềm hạnh phúc còn gặp nhau.
Chúng tôi nói đùa với nhau rằng, tụi mình tiết kiệm tiền mua sắm để dành cho những ngày được đoàn tụ với gia đình, được tụ tập với nhau hòng thỏa nỗi nhớ nhung.
Theo phunuonline