Chia sẻ của vợ chồng Deacon và Kim Hayes về bài học sai lầm trong chi tiêu và cách vượt qua, đăng trên Businessinsider.

Trước khi kết hôn, chúng tôi chưa bao giờ bàn bạc về vấn đề tiền bạc. Đây không phải là chủ ý giữ bí mật riêng mà đơn giản là chúng tôi không cho rằng chia sẻ về thu nhập, thói quen chi tiêu hay nợ nần là điều cần thiết khi hẹn hò.

Tuy nhiên, tôi có một món nợ từ thời còn đi học và vẫn chưa thanh toán hết. Nhưng tôi không hề lo lắng về việc sẽ làm cô ấy phiền lòng. Tôi cho rằng tôi có thể trả hết nợ vào một thời điểm nào đó. Mặc dù vậy, một vấn đề xảy ra ngay sau khi chúng tôi kết hôn không được bao lâu đã khiến tôi thức tỉnh.

Trong vòng một tháng, vợ tôi đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ 600 đôla vào mua sắm quần áo và túi xách hàng hiệu. Tôi thực sự bị shock và nghĩ “Liệu chúng tôi có gặp rắc rối với việc chi tiêu?”.


Deacon và Kim Hayes đã mắc món nợ lớn ngay sau khi cưới ít lâu,
và họ phải lập lại bài toán chi tiêu gia đình để có thể trả hết nợ và thực hiện được kế hoạch mua nhà.

Điều mà tôi nhận ra sau khi xem xét lại tình hình tài chính là chúng tôi có thể đứng trước nguy cơ lớn. Chỉ trong vài tháng đầu, chúng tôi đã nợ thẻ tín dụng một khoản lớn sau khi mua sắm, đi tuần trăng mật… lên tới 52.000 đôla cộng với 350.000 đôla tiền trả góp nhà. Không chỉ thế, vợ tôi đang là giáo viên trung học lại bị mất việc. Công việc của tôi là bán nguyên vật liệu làm sàn nhà với thu nhập không thuộc loại rất cao. Tổng thu nhập mỗi năm của tôi khoảng 70.000 và chúng tôi không còn chút tiền tiết kiệm nào.

Cắt giảm, bán bớt mọi thứ có thể và tăng cường sự giao tiếp lẫn nhau

Chúng tôi đã hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm về quản lí tiền bạc, đọc sách tham khảo, thậm chí là tham gia một lớp về quản lí tài chính cá nhân để có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tài chính.

Những thông tin chúng tôi có được đã mang lại thay đổi tích cực. Đầu tiên, chúng tôi liệt kê ra tất cả tài sản, món nợ, thu nhập, chi tiêu của mình để nhìn rõ bức tranh toàn cảnh và lập tức nhận ra mình phải cắt giảm chi tiêu.

Tiếp đó, cân nhắc lại những khoản trong ngân sách, tôi nhận thấy mình có thể tiết kiệm được rất nhiều. Chẳng hạn như, tôi có thể chuyển sang dùng gói internet khác rẻ hơn, không dùng dịch vụ cáp truyền hình nữa, thu thập các phiếu giảm giá…

Bằng cách đó, mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được 400 - 500 đôla và tiến tới đích trả nợ nhanh hơn. Không chỉ vậy, chúng tôi còn tìm cách gia tăng thu nhập. Chúng tôi bán chiếc xe của mình với giá 16.000 đôla và đổi lại chiếc xe cũ, rẻ hơn nhưng vẫn còn tốt với giá 2.500 đôla. Chúng tôi bán món đồ nào không dùng đến nữa để thu lại tiền, chẳng hạn như bộ game điện tử và một số quần áo hàng hiệu của vợ tôi. Vợ tôi tham gia dạy một số khóa học và kiếm được 1.500 đôla.

Đôi khi chúng tôi nhận được những món tiền ngoài thu nhập chính như tiền hoàn thuế, bán đồ dùng cũ… khoảng từ 1.000 đến 5.000 đôla, chúng tôi đều cho vào tài khoản để trả nợ. Để đảm bảo mọi việc đi đúng hướng, vợ chồng tôi thường xuyên trò chuyện về tiền bạc. Dần dần, khoản nợ đã giảm đi đáng kể. Việc trao đổi thường xuyên cũng giúp giải quyết những vấn đề tồn đọng khác như bất đồng về chi tiêu cho việc giải trí và củng cố tinh thần cho nhau cùng vượt qua thời điểm khó khăn khiến cho mối quan hệ trở nên mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng, sau 18 tháng, chúng tôi đã trả hết được khoản nợ.

Kế hoạch tài chính 5 năm sau khi trả hết nợ

Chúng tôi quyết định để dành 15.000 đôla cho quỹ khẩn cấp và bắt đầu tiết kiệm tiền cho những chuyến du lịch trong tương lai. Kể từ khi dành một khoản nhất định là 300 đôla mỗi tháng, sau hai năm, chúng tôi đã thực hiện được những chuyến du lịch mơ ước và toàn bộ chi phí được trả bằng tiền mặt.

Tuy nghe có vẻ đơn giản nhưng đó thực sự là một bài học lớn cho chúng tôi: bạn không thể tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được. Tôi cảm thấy tự tin với kiến thức và kĩ năng mình có được để đảm bảo một cuộc sống ổn định hơn. Giờ đây chúng tôi có một số tiền tiết kiệm kha khá để cho những trường hợp khẩn cấp và cho việc giải trí, mua sắm…

Thêm vào đó, sau khi hoàn thành trả góp xong cho căn hộ chúng tôi đang sống, chúng tôi bán nó và có thêm một khoản tiền không nhỏ. Số tiền này giúp chúng tôi mua được một căn nhà lớn hơn trước khi em bé đầu tiên chào đời. Khi có con, bạn thực sự phải đặt việc chi tiêu tiết kiệm và thông minh lên hàng đầu. Việc kiểm soát tốt tài chính, trả hết nợ và bắt đầu một chương mới trong cuộc sống đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi.

Theo VnExpress