Sống tại một đất nước xa lạ chưa bao giờ là điều dễ dàng, việc lấy chồng và làm dâu xa xứ lại càng khó hơn. Nhưng bằng sự kiên trì và cố gắng cùng sự yêu thương của ông xã và gia đình chồng, chị Đỗ Lệnh Hoài Anh (29 tuổi) đã vượt qua tất cả và hiện trở thành bà chủ giàu có tại Iran.

Cơ duyên sang Iran du học với nhiều điều bỡ ngỡ

7 năm trước, vừa tốt nghiệp đại học thì chị Đỗ Lệnh Hoài Anh (29 tuổi) được bố giới thiệu tới mảnh đất Iran. Khi đó Đại sứ quán Việt Nam ở Iran dành 5 suất học bổng cho 5 sinh viên Việt Nam muốn học và tìm hiểu thêm về văn hóa Ba Tư. Theo lời gợi ý của bố, Hoài Anh đa gửi hồ sơ và được chọn.

Tính tới thời điểm hiện tại chị Hoài Anh đã sống ở Iran 7 năm. 

Ban đầu, mẹ của chị không đồng ý cho con gái đi du học, phần vì chị là con gái, phần vì đó là một nước khá xa lạ nên đâm ra lo lắng. Tuy nhiên, bố lại động viên chị đi vì cho rằng đó là một cơ hội tốt để chị học thêm một thứ tiếng lạ, có cơ hội nghề nghiệp về sau. Vậy là Hoài Anh chuẩn bị hành trang để lên đường sang Iran du học.

Trước khi sang xứ sở Nghìn lẻ một đêm, cô nàng 9X đã tìm hiểu rất nhiều về đất nước này, chẳng hạn như Iran là nước như thế nào, vị trí địa lý nằm ở đâu, văn hóa có gì đặc biệt… Thế nhưng, lúc sang tới nơi Hoài Anh rất bất ngờ vì thấy Iran khác nhiều so với suy nghĩ và hiểu biết của mình.

“Trước đó tôi cứ nghĩ Iran là một nước nhiều bom đạn, nhưng khi tìm hiểu rồi tôi mới an tâm một xíu. Khi qua tới nơi tôi mới biết thì ra Iran cũng là một nước khá phát triển, không giống như mình nghĩ”, Hoài Anh chia sẻ trong chương trình Người kết nối.

Thời gian đầu mới qua, chị bị sốc văn hóa và phải cố gắng rất nhiều. 

Giống như nhiều người khác, lúc mới sang Hoài Anh vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và bị sốc văn hóa, ẩm thực vì mọi thứ hoàn toàn khác hẳn so với suy nghĩ của chị. Thời điểm đó, cô nàng chỉ biết tiếng Anh, không hề biết tiếng Iran và sau đó chị phải học một khóa trong 6 tháng.

Tuy nhiên, chẳng có gì là dễ dàng cả. Nguyên 1-2 tháng đầu, chỉ học bảng chữ cái thôi cũng đủ khiến Hoài Anh chật vật, mệt mỏi. Mỗi khi đi ra đường, chị chỉ dùng tay để chỉ thứ nọ thứ kia nếu muốn mua chứ không hề giao tiếp được. Mãi tới tháng thứ 3, chị mới học được mấy câu giao tiếp cơ bản.

Sau 6 tháng, có 3 người đi cùng nhóm Hoài Anh đã về nước vì họ không thích nghi được với cuộc sống ở đây. Nhìn mọi người về hết, cô nàng cảm thấy rất chán nản, cũng muốn được về thăm gia đình nhưng bố kiên quyết không cho vì sợ chị về sẽ đòi ở nhà luôn, không chịu sang Iran học tiếp nữa. Sau cùng, nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ cộng thêm sự động viên từ thầy cô mà Hoài Anh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Tình yêu níu chân cô nàng ở lại mảnh đất văn hóa bí ẩn

Sau khi sang Iran được 2 năm, Hoài Anh gặp được ông xã hiện tại trong một chuyến leo núi cùng bạn. Anh tên là Amir Hossein, giám đốc một công ty du lịch tại thành phố Qazvin (Iran).

Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, anh Amir đã phải lòng cô gái Việt Nam dễ thương này. Thông thường, nam giới ở Iran hiếm khi xin liên lạc của một người khác giới nhưng sau hôm leo núi đó anh đã xin số Hoài Anh và chủ động liên lạc với chị, giúp chị học ngôn ngữ của đất nước mình.

Quen nhau được nửa năm, anh Amir hay viện cớ tiện đường để đưa đón chị đi học, giới thiệu chị là bạn gái trước mặt bạn bè nhưng tuyệt nhiên anh chưa bao giờ ngỏ lời yêu khiến Hoài Anh hoang mang không biết anh yêu mình thật hay tất cả chỉ là do bản thân lầm tưởng. Tới một hôm, cô nàng 9X quyết định thử lòng chàng trai Iran bằng cách dẫn theo một người bạn đi leo núi cùng.

Hoài Anh và ông xã Amir. 

Quả nhiên, anh chàng ghen lồng ghen lộn lên, vừa đi vừa nhắn tin cho Hoài Anh bằng giọng trách cứ, hờn dỗi. Một ngày sau, anh Amir mới thẳng thắn thổ lộ lòng mình. Mãi về sau, cô nàng 9X mới biết sở dĩ Amir chậm trễ nói lời yêu vì anh luôn nghĩ “nói yêu dễ dàng thì hết cũng dễ dàng”, Hoài Anh từng chia sẻ với VnExpress.

Ở đất nước theo đạo Hồi, hẹn hò được coi là điều cấm kỵ, hễ cứ thấy cặp đôi nào đi ngoài đường có cử chỉ thân mật là ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ, thông báo về gia đình. Cho nên, mỗi khi ra đường Hoài Anh và Amir đều giữ khoảng cách cả mét và coi nhau như không quen biết, thậm chí 8 tháng sau khi nhận lời yêu họ cũng chưa từng ôm hôn lấy một lần.

Tới năm 2018, chàng giám đốc mới đưa bạn gái về ra mắt gia đình và nhận được sự ủng hộ. Nhưng ngược lại, bố mẹ Hoài Anh phản đối kịch liệt vì bố chị nghe nói đàn ông Iran thường lấy nhiều vợ, 5 thê 7 thiếp là chuyện bình thường nên ông khuyên con gái chia tay.

Cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2018. 

May thay, Amir là một người tâm lý, mời bố mẹ của chị qua chơi, từ đó mới thay đổi được cách nhìn của họ về anh. “Lúc đó qua gặp ông xã tôi bây giờ bố mẹ ưng rồi, nhưng không nói gì hết, chỉ giữ trong lòng thôi. Sau đó bố mẹ mới nói đó là một người tình cảm đó. Nếu quyết định tiến đến hôn nhân thì bố mẹ sẽ chúc phúc cho 2 đứa”, Hoài Anh chia sẻ.

Cuộc sống làm dâu xứ sở Ba Tư của cô nàng 9X

Tháng 9/2018, cặp đôi tổ chức đám cưới, Hoài Anh cải đạo và đổi sang một cái tên Iran. Được biết ở Iran, người vợ có quyền yêu cầu chồng bồi thường nếu ly hôn, số tiền bồi thường sẽ được viết luôn trong tờ cam kết lúc hai vợ chồng đăng ký kết hôn. Nếu sau ly hôn, người chồng không thực hiện nghĩa vụ này đầy đủ sẽ phải ngồi tù.

Nhưng lúc đó Hoài Anh từ chối vì chị cũng có chút vốn riêng. Nào ngờ, anh Amir lại một mực đề nghị vợ viết cam kết bồi thường tới 100 cây vàng. Sau khi cưới, hai vợ chồng dọn ra ở riêng.

Cặp đôi ký giấy cam kết khi kết hôn trước sự chứng kiến của giáo sĩ. 

Về việc làm dâu, 9X cho biết chị may mắn có một gia đình chồng tâm lý nên chị khá thoải mái dù làm dâu ở xứ người. Mẹ chồng tuy là một người phụ nữ nghiêm chỉnh chấp hành đạo giáo nhưng lại cực kỳ cởi mở, tâm lý và yêu thương chị. Bà coi chị như con gái mà đối đãi.

Sau lễ cưới, mẹ chồng nắm tay tôi nói cảm ơn con vì đã trở thành con gái của mẹ. Mẹ chăm sóc và yêu thương tôi như hai con gái của mẹ. Tôi sống xa nhà thiếu thốn nhất là tình cảm gia đình, mẹ hiểu điều đó nên không hề có sự xa cách, phân biệt trong cách đối xử với con dâu - con gái”, Hoài Anh trao đổi với Thanh niên.

Gia đình chồng của Hoài Anh ở Iran. 

Mẹ chồng cũng là người dạy chị về nề nếp văn hóa gia đình, cách nấu ăn và phong tục ngày Tết của người Iran. Giờ đây, sau 7 năm sinh sống và 4 năm lấy chồng, Hoài Anh đã thuần thục chuyện làm dâu xứ người.

Không chỉ vậy, chị còn gây dựng được sự nghiệp của riêng mình khi rẽ hướng sang làm kinh doanh. Cụ thể, chị đã trở thành một bà chủ giàu có, xây dựng được thương hiệu riêng trong việc phân phối các sản phẩm organic của Iran về Việt Nam.

CẨM TÚ