Chị Nguyễn Kim Yến (Yến Burion, 38 tuổi), công tác tại ngân hàng ở Hà Nội, gặp chồng hiện tại trên ứng dụng hẹn hò. Anh là người Đức, đam mê xê dịch và có tình yêu đặc biệt dành cho đất nước, con người Việt Nam.
Vì dịch Covid-19, chị Yến và nửa kia bị chia cắt trong gần 2 năm. Hôn lễ của họ cũng không thể diễn ra như kế hoạch.
“Đầu năm ngoái, các quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại, còn Việt Nam vẫn đóng cửa hoàn toàn. Ông xã mình khi đó không thể nhập cảnh Việt Nam nên chỉ còn cách là mình ra nước ngoài. Vì vậy, tháng 7/2021, chúng mình bắt đầu thực hiện các thủ tục làm visa đoàn tụ”, chị kể với Zing.
Quyết định được đưa ra nhanh chóng, thủ tục, hồ sơ đều được thực hiện thuận lợi. Cơ quan cũng hỗ trợ cho chị Yến nghỉ việc không lương một năm.
Đầu năm nay, hành trình gap year (kỳ nghỉ một năm) của chị chính thức bắt đầu.
|
|
Vợ chồng chị Yến kết hôn ở Đức sau 2 năm chia cách vì dịch |
“Sống thử” ở trời Âu
Tại thời điểm quyết định gap year, chị Yến chưa chắc chắn khi nào Việt Nam mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, vợ chồng chị đều có kế hoạch quay về đây sinh sống. Bởi vậy, khi biết tin, người thân, bạn bè và đồng nghiệp đều vui mừng cho chị.
Mọi người chỉ lo lắng rằng nghỉ việc một năm liệu có gây rủi ro và khó khăn khi trở lại hay không. Ngược lại, chị Yến khá tự tin khi công việc được bàn giao rõ ràng, bản thân chị cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Trước dịch, chị Yến từng sang Đức thăm gia đình chồng và mẹ anh cũng đã đến Việt Nam. Lần này, chị coi đây là thời gian “sống thử” để khám phá châu Âu nhiều hơn.
Sau đám cưới, vợ chồng chị Yến đi qua 11 nước. Hai người có chung quan điểm là không đi để lấy số lượng hay phải check-in nhiều địa điểm. Với những nơi thú vị như Italy, Bỉ, Hà Lan và Pháp, họ sẽ ở lại lâu hơn hoặc quay lại nhiều lần.
“Ông xã mình sau khi ‘phát hiện’ ra Việt Nam thì năm nào cũng đến ít nhất một lần từ 2008. Đất nước yêu thích thứ 2 của anh là Morocco. Dù đã đến nhiều lần, chồng muốn chia sẻ với mình nên sẽ quay lại đó vào tháng 12”, chị kể
|
|
Từ đầu năm nay, vợ chồng chị Yến lái xe đi qua 11 nước châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Áo, Hungary, Italy, Thụy Sỹ, Monaco, Hy Lạp, Séc. |
Với chị Yến, châu Âu không hoàn hảo và không phải chỉ toàn điều đẹp đẽ. Chị lấy ví dụ ở các thành phố lớn, rất đông người vô gia cư hay nhiều nơi không được sạch sẽ.
Nhưng bù lại, chị Yến yêu phong cảnh đẹp, nhiều cây xanh, ngập hoa cỏ ở đây, đặc biệt vào tháng 4-5 khi thời tiết vào xuân.
“Mặc dù các thành phố lớn và nổi tiếng rất đẹp, mình yêu nhất là khi đi về các làng mạc, đồng quê. Chỉ cần ra khỏi thành phố là những cánh đồng trải dài tầm mắt, bò và cừu nhẩn nha gặm cỏ. Các ngôi nhà theo phong cách đồng quê đẹp thanh bình như trong câu truyện cổ tích mà mình thường đọc hồi nhỏ”, chị cho biết.
Chị Yến nói mỗi vùng đất đi qua đều là một lần được mở mang tầm mắt. Vợ chồng chị tự lái xe rong ruổi để có trải nghiệm thú vị nhất
|
|
Chị Yến yêu thiên nhiên ở châu Âu với nhiều cây xanh và hoa cỏ xuất hiện khắp nơi |
Chuẩn bị tài chính
Ngay từ khi có kế hoạch gap year, chị Yến bắt đầu thanh lý tài sản nhiều rủi ro để làm ngân sách cho chuyến đi.
Trước đó, suốt nhiều năm đi làm, chị luôn thực hiện chi tiêu khoa học vì hiểu rõ tính rủi ro của việc mang tiền đi đầu tư.
Chị Yến không bao giờ phung phí cho những thứ bản thân cho là phù phiếm như hàng hiệu, đồ mua về chỉ để trưng. Chị duy trì thói quen ghi chép lại tất khoản thu, chi để nắm rõ số tiền có thể tiết kiệm được hàng tháng. Từ đó, nếu chi tiêu quá tay, chị sẽ rút kinh nghiệm.
Trong chuyến du lịch, chị Yến vẫn giữ thói quen này. Chị không mua đồ không cần thiết, kể cả vào dịp giảm giá mạnh. Với những món đã mua nhưng không dùng tới, chị bán lại dù phải chịu lỗ. Trong đó, chị thanh lý cả 4 chiếc váy cưới mang từ Việt Nam sang.
Bên cạnh đó, chị Yến tận dụng các ứng dụng săn combo du lịch, giảm giá khi đặt bàn ở nhà hàng. Việc gì có thể tự lo liệu, chị đều cố gắng làm
|
|
Chị Yến giữ thói quen chi tiêu khoa học để cân bằng tài chính cho chuyến đi kéo dài cả năm |
Hiện, vợ chồng mình chị Yến đều không làm việc mà sống hoàn toàn nhờ khoản quỹ dành riêng cho gap year. Tuy nhiên, chị không coi đây là thời gian nghỉ ngơi.
“Mình nghĩ khi còn trẻ, bản thân cần tranh thủ thời gian tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng mới. Ông xã mình rất tích cực học thêm các chứng chỉ cho ngành nghề của anh ấy. Còn mình học tiếng Đức và thời gian rảnh có kênh video để chia sẻ thông tin, trải nghiệm với mọi người”, chị nói.
Chị Yến cho biết chị không khuyến khích các bạn trẻ nghỉ việc chỉ vì chán nản hay lý do khác mà không có kế hoạch cụ thể để phát triển bản thân và tài chính hỗ trợ.
“Mình nghĩ việc đưa ra lựa chọn sai, hoặc thậm chí không thèm suy nghĩ để chọn lựa, khi còn trẻ sẽ dẫn tới nhiều khó khăn về sau này. Vì vậy, mình nghĩ các bạn trẻ nên tranh thủ thời gian học, đọc và đi càng nhiều càng tốt. Không nên có suy nghĩ mệt mỏi với công việc, cuộc sống rồi buông xuôi, gap year chỉ để nghỉ dưỡng hay hưởng thụ”, chị giải thích.
Hiện tại, ngoài kế hoạch du lịch, vợ chồng chị Yến mong muốn có con. Khi về Việt Nam, hai người sẽ không tổ chức hôn lễ lần nữa mà mở những bữa tiệc nho nhỏ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Chị Yến và ông xã đều háo hức để bắt đầu cuộc sống với nhiều dự định mới khi quay lại Việt Nam
|
|
Sau khi gap year, vợ chồng chị Yến sẽ quay về Việt Nam sinh sống trước khi lên kế hoạch tiếp theo cho tương lai |
Theo Zingnews