leftcenterrightdel
Ảnh minh họa nhân vật Phượng. (Nguồn: Sixthtone) 

"Tôi đi làm dâu xứ Trung"

Nguyễn Thị Phượng, người phụ nữ Việt Nam 30 tuổi, có 2 đứa con: một trai và một gái. Giống như những người lấy chồng ngoại quốc khác, cô được gọi với cái danh xưng chung là "cô dâu Việt ở Trung Quốc".

Phượng đến từ tỉnh Bình Thuận, một vùng quê ở Việt Nam. Thanh niên trong làng hoặc đi làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, hoặc xuất ngoại làm việc, tất cả đều có một mục tiêu duy nhất là “đổi đời”.

Phượng có tổng cộng 9 anh chị em, 5 trai và 4 gái, cô là con thứ 7. Phượng hay nói vui về gia đình mình rằng: “Nếu cộng với bố mẹ là có thể thành lập một đội bóng”.

Cha mẹ Phượng nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập và chữ nghĩa. Dù nhà đông con nhưng anh em Phượng vẫn được học hành đến nơi đến chốn, chỉ có ba anh chị cả trong nhà là kém may mắn hơn. Phượng học rất giỏi, thi đại học cao điểm nhất trong khối, có thể đăng ký học trường đại học danh tiếng. Nhưng Phượng vẫn quyết định không học đại học. Sau kỳ thi tuyển sinh đại học, Phượng báo danh trường Cao đẳng Sư phạm Bình Thuận để không cần phải đóng học phí, thậm chí còn được sắp xếp cho việc làm thêm.

Không cần đóng học phí đương nhiên có thể tiết kiệm được một khoản tiền, chỉ cần chuẩn bị chi phí sinh hoạt và sách vở. Điều kiện tài chính của gia đình không tốt nên Phượng rất xấu hổ khi phải xin bố mẹ các khoản phí linh tinh cho việc học. Cũng may trường không có nhiều tiết học, buổi sáng Phượng có lớp, buổi chiều đi làm thêm ở quán cà phê cạnh trường. Giờ làm việc thường từ 5:30 chiều đến 10:30 tối. Nếu làm toàn thời gian trong một tháng, Phượng có thể kiếm được 700.000 đồng, đủ chi tiêu phí sinh hoạt và mua sách.

Đến năm 3 đại học, Phượng đi thực tập. Việc cân đối giữa thực tập và làm thêm thật sự khiến cô vô cùng mệt mỏi. Đã thế, Phượng còn bị trộm mất ví tiền, trở thành nỗi ám ảnh đầu tiên trong cuộc đời sinh viên của cô. 

Phượng hoàn toàn chán công việc ở quán cà phê và chuyển sang làm thêm ở một nhà hàng bao bữa trưa miễn phí, dù mệt nhưng kiếm được nhiều tiền hơn. Làm việc được một tháng rưỡi và được trả lương, Phượng tự nhiên thấy vui nhưng không tiêu lấy một đồng. 

“Khi không có tiền, tôi nghĩ đến việc mua thứ này thứ kia. Nhưng đến khi có tiền, tôi lại không muốn tiêu xài. Tôi đã không nói với các bạn cùng lớp về công việc làm thêm, vì sợ bị họ coi thường”, Phượng nhớ lại.

Vì phải bận bịu với công việc làm thêm, đi sớm về trễ ở ký túc xá, thường xuyên đi học muộn, Phượng đã bị bạn bè gắn cái mác “lạnh lùng”. Một sự kiện chấn động hơn là Phượng bị vu oan vì đã ăn trộm chiếc vòng tay vàng của bạn cùng phòng. Oan ức là thế nhưng không ai tin Phượng.

Chán nản và bị cô lập, Phượng cảm thấy vô cùng mệt mỏi và bất lực, thế là cô xin nghỉ phép  về nhà. Kể từ đó Phượng không đi học lại nữa, các thủ tục xin thôi học đều do gia đình lo liệu. Bao nhiêu năm trôi qua, Phượng dường như đã hiểu câu người xưa thường nói: “Trẻ nhỏ quá hiểu chuyện thường không có kẹo”.

“Tôi làm lụng vất vả vì lo cho bản thân mà lại bị mang danh ăn trộm, đời tôi còn khổ hơn cả kẻ lấy trộm ví tiền của tôi”, Phượng ngậm ngùi.

"Cuộc sống tuy kham khổ nhưng vẫn tràn đầy hy vọng. Tôi thường xuyên tưởng tượng về cuộc sống sau hôn nhân với anh, thế mà tôi không thấy khổ một chút nào".

Phượng

Ở nhà 2 tháng, Phượng theo chị gái vào TP. Hồ Chí Minh và tìm việc in tem ở một xưởng in ấn. Trong nhà máy, Phượng gặp Trung và để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trung phụ trách vận hành máy in, còn Phượng làm công việc kiểm tra chất lượng trong xưởng, lương của anh được 7 triệu đồng, trong khi cô chỉ có 4 triệu. Từ đi tiền thuê nhà và điện nước, hai người vẫn còn một số tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày, đã vậy còn phải gửi về quê lo lắng cho các em. Những ngày cuối tháng Phượng và Trung thường chỉ ăn bánh mì bán lề đường trước khi đi làm, tối về nhà ăn cơm chan nước mắm qua bữa.

Ở vùng nông thôn Việt Nam thời bấy giờ, các cô gái ở độ tuổi 20 phải chuẩn bị kết hôn. Năm Phượng chia tay Trung, lúc đấy cô đã 26 tuổi. 

Nhưng bố mẹ Trung kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân, họ thuyết phục Trung chia tay với Phượng với lý do cô đã quá tuổi sinh con và nhà xa, đồng thời giới thiệu cho anh vài cô gái trẻ trong làng.

Bố của Trung nói thẳng với Phượng: "Ai cũng được, nhưng cô thì không". Anh người yêu đã không đứng về phía Phượng.

Tháng 7/2015, mẹ Phượng qua đời, cô đã không được gặp mẹ lần cuối. Mẹ ra đi, cộng với áp lực công việc, khiến Phượng và Trung thường xuyên cãi vã trong nhà máy. Cuối năm đó, hai người đường ai nấy đi. Trung về quê cưới một cô gái cùng làng nhỏ tuổi hơn Phượng.

"Tình cảm 8 năm đã đến độ chín muồi, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ lấy chồng Trung Quốc, tôi mong tình yêu của mình sẽ đơm hoa bằng một đám cưới, mặc áo dài và tặng miếng trầu têm cánh phượng cho người ta".

Phượng

2-3 năm sau khi chia tay, Phượng cũng có vài người theo đuổi và ngỏ lời cưới. Lúc đó Phượng như con chim sợ hãi, 8 năm thất bại trong tình yêu phủ bóng đen ám ảnh lên ý nghĩ về hôn nhân và tình yêu của Phượng. Cô chỉ muốn trốn tránh hiện thực. 

Tết Nguyên Đán năm 2018, Phượng về quê ăn Tết, nghe tin một người họ hàng đi lấy chồng Trung Quốc. Phượng thấy “cô dâu Việt Nam ở Trung Quốc” ấy thường đăng những bài viết và video đi du lịch khắp nơi, kinh doanh bán quần áo cho người Việt. Phượng vừa ghen tị vừa thấy buồn, phụ nữ 30 tuổi mà vẫn chưa lấy chồng.

Nhen nhóm trong đầu suy nghĩ lấy chồng ngoại quốc, Phượng đã ra quyết định lớn nhất trong đời trong tâm thế “chỉ muốn bay đi đến xứ lạ”. 

Sau Tết Nguyên đán, Phượng trở lại nhà máy và xin nghỉ việc, dùng toàn bộ tiền lương làm hộ chiếu. Trước khi lên đường, Phượng đã gửi một tin nhắn cho bạn trai cũ nói rằng mình sang Trung Quốc lấy chồng, cũng xem như lời từ biệt cho cuộc tình 8 năm đằng đẵng.

Người yêu cũ đã không trả lời. Phượng nhìn điện thoại mất sóng vì khác vùng, không một hồi âm, tim cũng nguội lạnh.

"Cố gắng tỏ ra mình là Việt kiều về nước, nhưng họ không hề hỏi liệu tôi có hạnh phúc hay không"

Ai cũng muốn kết hôn một cách hợp pháp, được làm dâu trong gia đình đàng hoàng, nhưng kiểu hôn nhân xuyên quốc gia này giống như mở một chiếc hộp bí ẩn, đầy bất ngờ, vui thì ít nhưng chưng hửng thì nhiều.

Hành trình Phượng đến Trung Quốc vô cùng cực khổ. Nó gần như trở thành nỗi ám ảnh của cô mỗi khi nhớ lại. Thậm chí có những lúc cô đã hối hận rằng lẽ ra mình không nên đến Trung Quốc. 

Điểm đến cuối cùng là một huyện thuộc thành phố Kiến Âu (Phúc Kiến, Trung Quốc).

Kế tiếp, Phượng được dẫn đến nhiều gia đình khác nhau, chủ yếu là xem nhà nào đưa sính lễ cao nhất. Trong đó, Phượng phải trích ra 30% số tiền gửi cho “người giúp đỡ cô đến với đất nước xa xôi”.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa cho phần sính lễ mà Phượng nhận được khi đồng ý kết hôn. (Nguồn: Sixthtone) 

"Tôi đã chuẩn bị tâm lý trước khi quyết định đến Trung Quốc, đối tượng có lẽ không được lành lặn, hoặc không đủ kinh tế để lấy vợ trong nước. Mặc dù vậy, tôi vẫn hy vọng hộp bí ẩn của mình sẽ chứa đựng điều tốt đẹp. Tôi là một người nói nhiều, mặc dù không thể nói tiếng Trung Quốc, nhưng nếu phải dành cả cuộc đời với một người câm giống như sống không bằng chết vậy".

Phượng

Gia đình đầu tiên sẵn sàng đưa sính lễ cho Phượng hơn 450 triệu đồng, nhà xây mới 3 gian nhưng người mà cô được giới thiệu bị câm. 

Sang nhà bên cạnh, sính lễ hơn 340 triệu đồng, nhà gạch 2 tầng, đối tượng khỏe mạnh, có bằng cấp 2, hơn Phượng 5 tuổi, râu vừa mới cạo. Lần này gần như không có vấn đề gì ngoài sính lễ hơi thấp. Cuối cùng, cân đo đong đếm, Phượng quyết định chọn người đàn ông này. 

Trước khi đến Trung Quốc, Phượng đã học vài câu tiếng phổ thông đơn giản để giao tiếp hàng ngày, nhưng nhà chồng đều nói tiếng Phúc Kiến lạ lẫm và khó hiểu. Lúc mới về nhà chồng, Phượng tương đối im lặng, nếu cần giao tiếp thì dùng Google dịch hoặc nhắn tin WeChat, tuy dịch không chính xác nhưng đại khái vẫn có thể hiểu được. 

Vợ chồng Phượng không tổ chức đám cưới vì cô chưa có thân phận hợp pháp. Tháng 6/2019, Phượng có thai được 2 tháng, sau đó hai vợ chồng về Việt Nam. Sau khi về nước, Phượng làm giấy đăng ký kết hôn, sau đó tổ chức đám cưới tại quê nhà. 

Bữa tiệc hoành tráng này là điều mà Phượng muốn cho họ hàng và xóm làng biết rằng “cô con dâu Việt Nam” này đang sống rất tốt, nếu không sẽ rất ê chề, mất mặt.

Được về quê thăm họ hàng là điều hạnh phúc, nhưng Phượng không hề thấy vui. Gia đình Phượng chỉ quan tâm đến việc người chồng có giàu không, “Việt kiều” Phượng tặng họ món quà gì, họ không quan tâm đến việc liệu Phượng có hạnh phúc hay không. Vì chồng không hiểu tiếng Việt nên anh khá im lặng, nhiệm vụ duy nhất là chi tiền. Trước khi trở về Trung Quốc, anh đã đưa tất cả số tiền còn lại cho bố và anh vợ. Hai vợ chồng giữ lại 2 triệu đồng làm lộ phí trở lại Trung Quốc. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa cho tấm thẻ chứng minh nhân dân - ước mơ của Phượng. (Nguồn: Sixthtone) 

Phượng từng không hiểu tại sao mọi người làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và tiết kiệm tiền. Sau khi kết hôn và sinh con ở Trung Quốc, mọi thứ dần thay đổi. Phượng muốn phấn đấu để con cái có cuộc sống tốt hơn. Sau đó, Phượng phấn đấu để trở thành công dân hợp pháp Trung Quốc. Song với quy định của Trung Quốc và trình độ văn hóa cùng khả năng giao tiếp tiếng Trung của Phượng, việc cô có được "tấm thẻ xanh" thật sự quá khó khăn.

Cuối năm 2020, Phượng sinh đứa con thứ hai, là một bé trai. Con trai ra đời khiến cuộc sống của Phượng tốt hơn rất nhiều vì được gia đình quan tâm, thái độ của mẹ chồng cũng khác hẳn. 

"Ba giờ sáng, đã đến lúc dậy làm bánh mì"

Mở một tiệm bánh mì luôn là ước mơ của Phượng. Là người con xa xứ, Phượng lại càng có chấp niệm với món ăn dân dã này hơn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa lò nướng bánh mì của Phượng. (Nguồn: Sixthtone)

Chờ con lớn, Phượng sẽ mở một tiệm buôn bán nhỏ nhưng vì dịch bệnh hoành hành, kinh tế gia đình càng thêm căng thẳng. Chồng không có công việc ổn định, vài ngày thường ra ngoài làm việc lặt vặt, giúp việc cho một xưởng sản xuất đồ gỗ, làm thợ mộc, mỗi tháng kiếm được 2.000 NDT (gần 7 triệu đồng), không đủ mua sữa cho con. 

Vì vậy, Phượng đã lấy số tiền hồi môn còn lại và mua một lò nướng bánh trị giá 13.000 NDT (hơn 45 triệu đồng). Chồng Phượng đứng ra xin giấy phép kinh doanh sau 1 tháng làm giấy tờ gian nan. Tiệm bánh mì chính thức khai trương. Tình hình dịch bệnh cũng đỡ hơn nhiều, chồng lên thành phố tìm việc, Phượng ở nhà bận rộn với tiệm bánh mì mơ ước.

Nói là lò bánh mì nhưng thực chất là căn phòng trống ở tầng trệt, trang thiết bị rất đơn sơ, có một cái lò nướng, một cái quầy dựng tạm bằng những tấm tôn không gỉ, vài bao bột mì và một đống túi nhựa, có vài cái thúng để đựng bánh mì.

Phượng chưa làm bánh mì bao giờ, cô học qua các video trên mạng, nếu không hiểu có thể hỏi người thân, bạn bè trên Zalo. Hành trình khởi nghiệp kinh doanh khó khăn đến không tưởng. 

Bánh mì, ăn thì nhanh, nhưng làm thì không dễ dàng một chút nào. Phượng thất bại từ mẻ này đến mẻ khác. Bố chồng Phượng còn nói rằng nếu không làm được thì dẹp tiệm và bán đi cái lò. 

Phượng thậm chí còn cãi nhau với họ vì điều này. Tức giận, khó chịu và cũng đau đớn vì không làm ra được những ổ bánh mì ngon, song lại không được gia đình thông cảm. Phượng buồn bã đi lang thang trong làng, tránh con đường đông đúc, rẽ vào ngõ quê nhỏ vắng bóng người, vừa lau nước mắt vừa mắng, nguyền rủa vô vàn uất ức bao năm qua.

Phượng muốn chạy trốn, về quê ở Việt Nam, hay đi đâu đó cho thoải mái, nhưng không có tiền, và Phượng không thể về nước nếu không có visa. Nghĩ đến mình còn có con, con trai nhỏ còn chưa cai sữa hoàn toàn, làm sao có thể bỏ lại hai đứa nhỏ tội nghiệp. Phượng nuốt nước mắt quay đầu trở về nhà chồng.

Rút kinh nghiệm, Phượng trả 200 NDT (gần 700 nghìn đồng) đăng ký lớp học trực tuyến. Lớp học này và sự hướng dẫn của giáo viên đã cho Phượng hiểu rằng làm bánh mì không chỉ là công việc mà còn là một phần của trái tim. Cuối cùng, Phượng đã làm được mẻ bánh mì đúng vị Việt Nam đầy thương nhớ nhất.

leftcenterrightdel
Những ổ bánh mì chuẩn vị Việt của Phượng. 

Toàn bộ quá trình làm bánh từ khâu lấy bột đến cho bánh vào lò đều do một mình Phượng làm, lúc này cả nhà vẫn còn đang ngủ. Khi buồn chán, Phượng phát trực tiếp trên điện thoại, thỉnh thoảng có một vài người vào xem cô làm bánh mì.

Bánh mì được làm ra và câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để bán. May mắn thay, Phượng được Hoa giúp đỡ. Hoa cũng người Việt lấy chồng xứ Trung, nhà làm lạp xưởng, biết bán hàng qua mạng. Hoa có hàng nghìn người theo dõi trên Douyin và có rất nhiều nhóm trò chuyện trên WeChat, còn mở một cửa hàng Pinduoduo. 

Ban đầu, Phượng làm theo cách của Hoa và bán bánh mì trên Douyin (TikTok Trung Quốc) và WeChat, nhưng không ai mua.

Phượng làm 200 ổ bánh mỗi ngày, nhưng chỉ có thể bán nhiều nhất 60 ổ. Gửi hàng bằng bưu điện không khả quan vì phí vận chuyển rất đắt. Bánh làm ra thì nhiều nhưng tiêu thụ chẳng được bao nhiêu. Bánh ế, nhà ăn không hết, cho đi thì lại tiếc, nên cứ để một góc lên nấm mốc.

Phượng hợp tác với Hoa bán bánh mì, sau đó chia lại tiền lời cho nhau. Nhờ đó, Phượng kiếm được 600-800 NDT/tuần (hơn 2-2,7 triệu đồng). Phượng dùng số tiền kiếm được mua nguyên liệu làm bánh mì và quần áo mới cho hai đứa con. Phượng cũng không ngừng làm mới bao bì, điều chỉnh tỷ lệ nguyên liệu để đảm bảo bánh không bị mốc trong quá trình vận chuyển.

Buôn bán một mình, vừa chăm con vừa kinh doanh, bận bịu tối tăm mặt mày, lò nướng hư cũng tự sửa chữa nhưng Phượng vẫn tràn đầy kỳ vọng vào cuộc sống, mong chồng về quê phụ giúp, hy vọng tiệm bánh làm ăn phát đạt, hai con mau lớn.

Mỗi lần đưa con vào thị trấn, Phượng lại đến trước tiệm bánh mì đẹp đẽ, hy vọng một ngày nào đó sẽ có một cửa hàng của riêng mình. Phượng muốn đặt tên cho tiệm bánh mì tương lai là “Bánh mì Tiểu Phượng”.

Phượng không nói tốt tiếng Trung Quốc, nên cô gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm việc với dịch vụ thiết kế logo cho tiệm bánh mì. Làm đi làm lại mấy ngày liền vẫn không ưng ý.

Song Phượng - cô dâu Việt ở xứ Trung, giờ đây đã không còn dễ dàng nản lòng như trước. Cô luôn tin mọi chuyện đều có thể giải quyết, không xứng đáng để nó trở thành khó khăn trong tương lai.

Đắng cay ngọt bùi, đủ thứ trên đời, tất cả đều là hương vị cuộc sống!

Theo thethaovanhoa