Chị Phạm Thị Phương trong ngày nhận bằng tốt nghiệp của Đại học Konkuk

“Tôi không phải là người chuyên nghiệp”

“…Vì tôi không biết phải nói gì, làm gì một cách chính xác khi một phụ nữ nhập cư muốn được giúp đỡ. Tuy nhiên, tôi đã học được cách tiếp cận những phụ nữ này cũng như vấn đề thường xảy ra ở các gia đình đa sắc tộc” Chị Phạm Thị Phương nói đơn giản như thế về nghề “tay trái” của mình. Nhưng đó lại là công việc mà chị giúp ích cho rất nhiều phụ nữ nước ngoài đến làm dâu ở Hàn Quốc.

Bản thân chị Phương cũng là một phụ nữ như vậy. Chị gặp chồng mình hồi năm 2002, ba năm sau họ cưới nhau và đến năm 2007 chị sang Hàn Quốc sống tại quận Eumseong thuộc tỉnh Chungcheong.

Theo học tiếng Hàn Quốc cùng những điều cần thiết cho người nhập cư tại một trung tâm bảo trợ xã hội, chi Phương dần thích ứng với cuộc sống mới ở quê hương của chồng. Không chỉ hài lòng với cuộc sống riêng tư, chị còn tập hợp những phụ nữ Việt có chồng Hàn Quốc để tìm cách hỗ trợ nhau trong cuộc sống về cả tinh thần lẫn vật chất.

Chị Phương đã tận dụng những trải nghiệm mình có được trong thời gian sinh sống tại Hàn Quốc để làm những điều có ích cho các cô dâu nước ngoài. Những cảnh đời trái ngang của cô dâu Việt khiến chị nghĩ “mình phải làm gì đó để giúp họ”.

Giúp những cô dâu nước ngoài sớm tìm được cách thích ứng với cuộc sống tại Hàn Quốc

Muốn thế thì không chỉ rành rẽ tiếng Hàn mà còn hiểu rõ tâm tính và nếp nghĩ, nếp làm của người Hàn Quốc. Sau khi được nhận quốc tịch Hàn Quốc vào năm 2012, chị Phương theo học trường Đại học Konkuk chuyên ngành công tác xã hội. Chị tốt nghiệp với tấm bằng hạng xuất sắc, không chỉ vì năng lực học tập mà còn nhờ đóng góp cho cộng đồng người nhập cư tại Hàn Quốc.

Chị Phương nói về những điều mình đã làm như sau: “Tôi làm việc cho chính phủ Hàn Quốc nhằm mục đích giúp đỡ người nhập cư và công người nước ngoài đang làm việc tại Hàn Quốc”. Đó là điều rất cần thiết vì cho đến nay người Hàn Quốc vẫn còn cái nhìn phiến diện về gia đình đa sắc tộc. Điển hình là trẻ em có mẹ hoặc bố là người nhập cư vẫn thường bị trêu chọc và phân biệt đối xử tại trường học.

“Tôi muốn góp phần giải quyết những vấn nạn này và thay đổi cái nhìn của người bản xứ đối với người nhập cư”, chị Phương nói sau khi nhận bằng tốt nghiệp tại Đại học Konkuk. Không lâu sau đó, chị Phương được nhận vào làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ các gia đình đa sắc tộc tại quận Eumseong. Đó là một tổ chức mang tính thiện nguyện do Tập đoàn Samsung sáng lập.

Tại trung tâm này, chị Phương tổ chức các lớp huấn luyên kỹ năng làm việc cho phụ nữ nhập cư, chẳng hạn phục vụ tại một quán cà phê. Chị cũng điều hành các công tác hỗ trợ xã hội.

Thế nhưng, công việc mà chị thường làm nhất tại trung tâm này chính là phiên dịch và tư vấn cho phụ nữ nước ngoài lấy chồng tại Hàn Quốc, nhiều nhất là phụ nữ Việt Nam. Mỗi khi gặp vướng mắc gì trong cuộc sống, họ lập tức tìm đến chị Phương.

Các cuộc hôn nhân đa sắc tộc phát triển nhanh tại Hàn Quốc từ những năm 90 của thế kỷ trước, đặc biệt là ở vùng quê xa xôi. Không phải các cô dâu người Việt nào cũng sớm tìm được cách thích ứng với cuộc sống mới với quá nhiều điều khác biệt so với khi còn ở Việt Nam.

Va chạm trong gia đình đa sắc tộc là điều rất dễ xảy ra, phần vì hàng rào ngôn ngữ phần vì phong tục tập quán, đôi khi dẫn đến những hậu quả đau lòng. Do vậy, những người tình nguyện có kiến thức và kỹ năng như chị Phạm Thị Phương là rất cần thiết đối với các cô dâu người Việt.

Theo koreabizwire.com