Nghi lễ cô dâu khóc trước khi về nhà chồng tồn tại từ rất lâu về trước ở nhiều vùng Tây Nam Trung Quốc và thịnh hành cho đến khi triều đại nhà Thanh sụp đổ (1644-1911). Hiện nay, nghi lễ này không còn phổ biến như trước, nhưng nó vẫn được người Tuijia thực hiện như một thủ tục cần thiết trong hôn nhân.
Theo lời những người cao tuổi trong một làng quê tỉnh Tứ Xuyên, cô dâu luôn phải khóc trong đám cưới của mình cho tận đến khi Trung Quốc được giải phóng vào năm 1949. Nếu không khóc, cô dâu sẽ bị hàng xóm khinh thường và trở thành trò cười cho cả làng. Sự thật, trong rất nhiều trường hợp, cô dâu sẽ bị chính mẹ đẻ của mình đánh vì không khóc trong lễ cưới.
Cô dâu và tất cả phụ nữ trong nhà khóc trong ngày cưới. Ảnh: Hello Magazine
Nguồn gốc của phong tục này được cho là từ thời Chiến Quốc (475-221 trước CN). Căn cứ vào những ghi chép trong lịch sử, công chúa nước Triệu bị ép gả cho nước Yên để trở thành Hoàng hậu. Mẹ cô, khi tiễn con gái, đã quỳ xuống khóc dưới chân cô và dặn con gái trở về nhà càng sớm càng tốt. Từ đó, câu chuyện được xem như là nguồn gốc của phong tục “khóc khi kết hôn".
Dần dần, nghi lễ khóc khi về nhà chồng trở nên phổ biến và được rất nhiều vùng áp dụng. Theo đó, cô dâu sẽ phải ngồi trong một căn phòng lớn và khóc liên tục 60 phút mỗi ngày. Trong 10 ngày tiếp theo, mẹ cô dâu sẽ khóc cùng con mình, rồi đến 10 ngày cuối cùng, bà của cô dâu và tất cả nữ giới trong gia đình sẽ cùng khóc. Họ quan niệm rằng tiếng khóc biểu lộ cho niềm vui, sự gắn kết và tình yêu sâu sắc, thể hiện qua nhiều tông giọng khóc khác nhau.
Không những thế, người Tuijia còn cho rằng khóc tập thể sẽ làm tăng bầu không khí đám cưới, kéo niềm vui và hạnh phúc tới qua những lời than buồn bã. Tương truyền trong những đám cưới thời xưa, có rất nhiều cô dâu do khóc không đạt nên đã phải trải qua một cuộc hôn nhân vất vả và bất hạnh.
Cô dâu phải khóc thật nức nở trong ngày cưới mới được may mắn và hạnh phúc. Ảnh: Traditions Cutural China
Tuy nhiên, đã có rất nhiều người hiểu tập tục này theo một ý nghĩa hoàn toàn khác. Xưa kia, các cô gái bị gả về nhà chồng do sự sắp đặt của bà mối và cha mẹ hai bên. Họ không có quyền lên tiếng hay tự quyết định về cuộc đời mình nên tiếng khóc giống như nỗi lòng ai oán thoát ra từ sự dồn nén và hận thù đối với thế hệ cũ. Sau này, trong một số vở kịch ở Trung Quốc, các diễn viên thường diễn lại cảnh khóc để thể hiện sự bất mãn đối với xã hội phong kiến, ép buộc các cô gái phải rơi vào cuộc sống gia đình không mong muốn.
Theo VnExpress