Tôi lấy chồng, rồi theo anh về Mỹ. Quê chồng tôi ở Kittery, Maine - một trong những tiểu bang lạnh lẽo nhưng được coi là đẹp nhất nước Mỹ. Nơi chúng tôi ở hầu hết là người bản xứ và cách xa nơi cộng đồng người Việt sinh sống, nên tất cả sự hỗ trợ và giúp đỡ đều từ gia đình chồng và những người bạn Mỹ của chúng tôi.
Ảnh minh hoạ
1. Joan là bà nội chồng của tôi. Bà đã 83 tuổi nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Thường nhật của bà bắt đầu từ 5h sáng. Dù thời tiết tốt hay xấu, bà vẫn thức dậy và lái xe đến hồ bơi. Sau khi bơi 15 phút, bà sẽ bắt đầu một ngày với nhiều lịch hẹn. Những ngày giữa tuần bà dành thời gian chăm sóc vườn tược hoặc vẽ tranh. Bà thường tự tay sơn lại những bàn ghế cũ rồi mang tới cửa hàng quyên góp để họ có thể bán lấy tiền gây quỹ từ thiện. Trước đây bà là y tá và là tình nguyện viên hội chữ thập đỏ của Mỹ, chuyên hoạt động tình nguyện về y tế cộng đồng ở những nước châu Phi.
Hiện bà vẫn hoạt động tình nguyện kêu gọi quyên góp sách cho trẻ em nghèo ở những nước nghèo thuộc Nam Mỹ. Thời gian đầu khi mới sang Mỹ, tôi chưa có điều kiện tự lái xe. Bà đã luôn bên cạnh giúp đỡ tôi. Bất cứ lúc nào gọi cho bà, câu đầu tiên bà hỏi cũng là “Hi Rose, what can I do for you?” (Chào Hồng, Bà có thể giúp gì cho con không?).
Bà thường đưa con bé con 7 tuổi của tôi đi chơi vào cuối tuần. Thi thoảng bà lại đưa con bé qua nhà ngủ lại. Đối với cả 2 mẹ con tôi, ấn tượng về bà là nụ cười. Bà luôn luôn cười, và không bao giờ biết phàn nàn. Câu cửa miệng của bà mỗi khi gặp khó khăn là “It could be worse” (Mọi chuyện có thể đã tệ hơn).
Mẹ chồng tôi, nói một cách khách quan thì bà không mấy tinh tế. Nhưng ở bên bà càng lâu, tôi càng yêu quý bà nhiều hơn. Cách yêu con cháu của bà rất giản dị và gần gũi. Bà hỗ trợ hết mình nếu chúng tôi cần giúp đỡ điều gì đó. Bà yêu con gái riêng của tôi - Xuka, như chính cháu gái bà. Bà hay khoe với mọi người rằng bà có cô cháu gái vô cùng thông minh và xinh đẹp. Bà hay dạy con bé hát những bài hát dân gian, rồi đem những quyển sách bà giữ gìn cẩn thận từ thời mẹ của bà ra đọc cho nó. Cách bà nói chuyện với tôi như thể một người bạn. Bà không áp đặt quan điểm của mình và luôn tôn trọng ý kiến của tôi.
2. Katharine, 72 tuổi, mọi người vẫn hay gọi là Katie. Tôi quen bà khi vừa sang được vài tháng trong một lần đi chợ châu Á. Khi đang loay hoay chọn rau thì tôi nhìn thấy bà đang tìm gì đó trên quầy kệ thực phẩm, với một mẩu giấy trong tay. Tôi nhìn thấy trong mẩu giấy có dòng chữ “nước mắm” nên tiến lại gần, hỏi bà có cần tôi giúp điều gì không. Katie hỏi tôi là người ở đâu. Khi biết tôi là người Việt Nam, bà liền ôm tôi và nói rằng bà nhớ Việt Nam. Bà nhớ con người Việt Nam vô cùng. Chúng tôi trở thành bạn từ lúc đó.
Bà từng giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Katie ở Việt Nam không nhiều nhưng cũng đủ để bà yêu và tâm huyết với Việt Nam. Tết âm lịch gần kề, bà muốn tôi tổ chức Tết theo phong tục Việt Nam ở nhà bà. Chúng tôi cùng nhau mang áo dài, cùng quây quần bên mâm cỗ Tết. Bà muốn cảm nhận hương vị Tết cổ truyền của người Việt mà bà chưa từng được biết đến. Nhưng trên hết, tôi biết Katie muốn tạo không khí Tết cho tôi đỡ nhớ nhà.
Sau khi tôi sinh bé thứ 2, Katie hiểu phần nào văn hóa người Việt nên thỉnh thoảng bà hay nấu cơm tối rồi mang sang cho tôi, mặc dù tôi biết bà rất bận. Bà nhận trông bé đầu cho tôi những lúc bà nghỉ làm. Bà vừa là giáo viên, vừa là nhà văn, nhà thơ, cũng vừa là một người phụ nữ đảm đang. Cơm nước, vườn tược luôn là việc yêu thích của bà.
3. Susan, bà năm nay 63 tuổi. Bà vừa lấy chồng lần thứ 2 cách đây 3 năm. Bà làm quản lý sách cho một thư viện lớn của thành phố Portsmouth, New Hampshire. Bà và chồng bà có một nông trại, nuôi gà lấy trứng, nuôi ong lấy mật, nuôi ngựa, cừu và trồng các loại rau củ. Hầu hết chủ nhật nào vợ chồng bà cũng sang nhà tôi đón bé Xuka qua nông trại của bà để nó được chơi và làm quen với những công việc nhà nông. Dĩ nhiên con gái tôi rất thích.
Chồng Susan cũng là một người đam mê hội họa. Ông từng là hiệu trưởng của một trường cấp 2. Ông dạy cho Xuka cách vẽ và truyền cho con gái tôi niềm vui mới. Xuka luôn trở về nhà với vỉ trứng gà tươi và một ít rau củ. Quan trọng là con gái tôi đã được hòa mình với thiên nhiên và mọi người. Mùa hè, Susan còn thường xuyên mang cho chúng tôi cả thùng rau củ từ vườn của họ. Mùa ong, chúng tôi vẫn có phần mật ong ngon lành. Chúng tôi cũng thường mời vợ chồng Susan sang nhà để tôi có thể trổ tài nấu những món ăn Việt mà ông bà yêu thích.
Phụ nữ Mỹ đâu chỉ có họ, còn cả những bà dì, bà cô, và nhiều người nữa mà chúng tôi đã gặp mặt trong những khoảng thời gian vui vẻ và có hẳn những khó khăn.
Tôi thường nghe nói phụ nữ Mỹ hời hợt, hay đại loại không biết chăm sóc gia đình. Nhưng những phụ nữ Mỹ quanh tôi hầu hết là người giỏi làm kinh tế, họ còn nữ công gia chánh trên cả tuyệt vời. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là họ giỏi, mà trên hết họ bao bọc tôi bằng tình cảm thân thương như gia đình, ở xa nơi tôi chôn nhau cắt rốn…
Văn Thị Thu Hồng/ VnExpress