Gia đình nhỏ hạnh phúc của Tâm Phan
Lấy chồng là chọn người tâm đầu ý hợp với mình chứ không phải cái Quốc tịch
Bằng kinh nghiệm sống của thực tế và những gì nhìn thấy chị có thể nhận ra điều khác biệt của việc lấy chồng Tây và lấy chồng Việt rõ nhất là gì?
Theo tôi sự khác biệt rõ nhất là sự chia sẻ trách nhiệm trong gia đình.
Chị có thể nói rõ hơn về sự chia sẻ trách nhiệm đó?
Khi cả hai cùng vun đắp một gia đình có con cái, trách nhiệm rất lớn. Vấn đề tài chính, nuôi dạy con, việc nhà... đều cần phải được chia sẻ công bằng. Nếu cả hai cùng đi làm thì việc nhà và nuôi dạy con cũng cần phải được chia sẻ, không thể đổ hết lên vai 1 người.
Trong gia đình tôi, trách nhiệm được phân chia rõ ràng và công bằng. Chồng tôi đi làm, chịu trách nhiệm về tài chính. Tôi ở nhà nội trợ, chịu trách nhiệm về "tổ ấm". Việc nuôi dạy con cái cả hai cùng tham gia. Cuối tuần chúng tôi hoán đổi vị trí cho nhau, chồng tôi cắt cỏ làm vườn, nấu ăn, làm bánh pancake - món sở trường của anh mà cả nhà đều yêu thích. Tôi lái xe đưa cả nhà đi pinic dã ngoại. Ai cũng vui vẻ và làm tốt công việc của mình thì sẽ tạo ra một gia đình hạnh phúc. Đơn giản vậy thôi.
Không ít sao Việt đã chọn lấy chồng Tây và cũng không ít cô gái Việt mơ mộng lấy chồng nước ngoài để mong muốn có được một người chồng không gia trưởng, không ngoại tình, biết nói lời yêu mỗi ngày và biết chia sẻ việc nhà… theo chị có điều gì lầm tưởng ở đây không?
Không thể quy chụp chồng Tây là không gia trưởng, không ngoại tình, biết nói lời yêu và biết chia sẻ việc nhà. Đây là tính cách của mỗi cá nhân tùy theo môi trường giáo dục trong quá trình trưởng thành. Cá nhân này có thể sinh ra ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, không phải cứ là người Việt hay Tây. Lấy chồng là chọn người tâm đầu ý hợp với mình chứ không phải cái Quốc tịch.
Đi vào chi tiết hơn một chút, chị có thể kể cụ thể những hành động được gọi là ưu điểm hay nhược điểm của các ông chồng Tây mà có lẽ nhiều người chưa từng biết?
Tôi chỉ có thể nói về ưu điểm hay nhược điểm của 1 cá nhân mà tôi tiếp xúc thường xuyên chứ tôi không thể đánh giá cả 1 tập thể hàng tỉ người đàn ông phương Tây. Ở đâu cũng có người tốt người xấu. Chồng Việt cũng nhiều người tốt hơn cả chồng Tây. Vấn đề là sự lựa chọn của mỗi người sao cho hợp với mình. Với tôi anh ta có thể là một sự lựa chọn hoàn hảo nhưng với người khác thì không. Đó là điều hoàn toàn tự nhiên.
Sự khác biệt về văn hóa có mang lại những câu chuyện buồn cười hoặc không vui nào không? Tôi biết có những anh chồng Tây cảm thấy kinh hãi với việc cả nhà chung nhau chấm bát nước mắm như ở Việt Nam...
Đó là tùy vào kinh nghiệm sống của mỗi người chứ không phải cứ Tây là phản ứng như thế. Chồng tôi là người có hàng chục năm lăn lộn ở châu Á, sang Ấn Độ ăn bốc, về Việt Nam cầm đũa như người bản xứ. Còn với những người phương Tây lần đầu tiên đến Việt Nam thì sẽ bị sốc Văn hóa, đó là việc thường tình.
Đang hạnh phúc vì được là chính mình
Theo chị thì có những niềm hạnh phúc nào chị đang được hưởng mà có lẽ sẽ không có nếu lấy một anh chồng Việt?
Hiện tại tôi hạnh phúc được là chính mình. Chồng tôi luôn tôn trọng và chia sẻ trách nhiệm cùng tôi. Anh ấy đi làm và là trụ cột tài chính trong gia đình. Tôi ở nhà nội trợ, nuôi con, vun vén tổ ấm. Ngoài những kỳ nghỉ gia đình, mỗi năm tôi lại đi du lịch một mình để chồng ở nhà chăm con. Anh ấy nghỉ làm 1 tuần để cho vợ được tự do bay nhảy. Đây cũng là thời gian anh ấy mong đợi để có thời gian riêng chỉ 2 cha con với nhau.
Chồng Tâm Phan chỉ muốn về nhà sau giờ làm và rất thích khoảng thời gian chơi cùng con gái
Thỉnh thoảng tôi hẹn hò tiệc tùng với bạn gái như thời độc thân để anh ở nhà chơi với con. Anh là người khuyến khích tôi đi chơi vì phần lớn thời gian tôi ở nhà, còn anh phần lớn thời gian ở cơ quan, chỉ muốn về nhà. Chúng tôi hoán đổi vị trí để cả 2 cùng được vui vẻ hạnh phúc và được làm những gì mình thích.
Và liệu có điều gì không thể có với niềm vui của 2 người có chung dòng máu, văn hóa… thực tế chắc hẳn cuộc sống của chị không phải lúc nào cũng màu hồng?
Chung dòng máu và Văn hóa không hề đảm bảo 1 hôn nhân hạnh phúc. Thực tế là nhiều cặp đôi Việt-Việt hay Tây-Tây vẫn ly hôn như thường, thậm chí tỉ lệ ly hôn cao hơn những cặp đôi Việt-Tây. Cuộc sống của tôi không phải lúc nào cũng màu hồng bởi vì chúng tôi vẫn không ngừng học cách yêu nhau, sống cùng nhau và vun đắp một tổ ấm.
Có rất nhiều người thèm muốn cuộc sống như chị đang hưởng, làm những việc mình thích, sống ở một nơi văn minh và có một anh chồng Tây ga lăng. Thực tế chị có trân trọng tất cả những điều này?
Tôi trân trọng tất cả những gì tôi đang có và luôn cảm thấy mình may mắn. Tuy nhiên, tôi không kỳ vọng vào bất kỳ điều gì trong tương lai. Tôi sống và yêu hết mình. Nếu được đáp lại tôi vô cùng hạnh phúc, nếu không được đáp lại cũng không sao bởi vì những gì tôi cho đi là tự nguyện và bản thân tôi vui vì điều đó (mỉm cười).
Thực tế chẳng phải chị cũng đã từng cãi nhau, chia tay và quay lại nhiều lần trước khi cưới nhưng sau khi đã đi đến quyết định kết hôn dường như cuộc sống vợ chồng lại rất hòa hợp?
Chúng tôi đã có khoảng thời gian 7 năm yêu nhau trước khi quyết định làm đám cưới. Trong 7 năm đó chúng tôi đã chia tay 4 lần rồi quay lại. Mỗi lần chia tay chúng tôi lại thêm hiểu nhau hơn, học cách sống dung hòa với những nhược điểm của nhau. Sự hòa hợp trong hôn nhân chúng tôi có được hiện nay chính là nhờ 7 năm tìm hiểu trước khi cưới.
Hình ảnh vợ chồng Tâm Phan ngày ấy - bây giờ sau 14 năm yêu và cưới (năm 2001 và năm 2015)
Nếu không lựa chọn được ‘sướng’ thì vẫn được chọn ‘chấm dứt đau khổ’
Một ngày của chị thường diễn ra như thế nào và khoảng thời gian vui vẻ của chị chiếm bao nhiêu %?
Tôi thường dậy muộn nhất nhà vào lúc 7h sáng. Chồng con tôi dậy từ 6h tự ăn sáng và hướng dẫn nhau đọc sách, làm bài tập về nhà. Tôi dậy chỉ việc chải tóc cho con, chuẩn bị hộp đồ ăn nước uống tới trường rồi lái xe đưa chồng đi làm, đưa con đi học. Thời gian còn lại tôi ở nhà một mình, đi chợ, làm vườn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp các cuộc hẹn với bác sỹ, liên hệ hành chính với bưu điện, bảo hiểm, dịch vụ điện nước sưởi ấm, lên chương trình nghỉ hè/nghỉ đông/ Giáng sinh cho cả nhà, book vé máy bay, khách sạn. Thời gian rảnh tôi viết sách báo, giao lưu với bạn đọc qua Facebook, làm các dự án nội thất trong nhà như cắt may mành rèm, làm mộc, bọc đệm lông thú cho bộ salon. Những việc này là sở thích riêng của tôi.
May vá cũng là một sở thích riêng của Tâm Phan
3h chiều tôi đón con đi học về, hoặc đưa con đi sinh hoạt ngoại khóa như diễn kịch, múa hát, vẽ tranh, nặn tượng. 6h nấu bữa tối cho gia đình. Chồng gọi điện lúc nào thì lái xe (cùng con) đi đón chồng lúc đó. Ăn tối xong tôi dọn dẹp rửa chén bát trong khi chồng hướng dẫn con vệ sinh cá nhân. Con tôi khá tự lập nên chỉ cần bố giúp điều chỉnh vòi hoa sen nước ấm là tự tắm, đánh răng, rửa mặt, thay đồ đi ngủ. Tôi chỉ việc vào phòng hôn con và chúc con ngủ ngon lúc 8h tối. Thời gian còn lại chỉ có 2 vợ chồng với nhau, cùng chuyện trò, xem TV, ăn bánh uống trà, khá thảnh thơi. Thời gian vui vẻ chiếm 99%. 1% kia có thể là khi ra khỏi nhà bị tắc nghẽn giao thông, trễ giờ đón chồng con (cười).
Thực tế có không ít phụ nữ Việt chỉ đang dừng cuộc sống ở mức độ gọi là tồn tại. Họ đi làm kiếm tiền, phục vụ chồng con khi trở về và chẳng có thời gian nào ngẩng lên ngắm nhìn cuộc sống. Họ cau có vì những anh chồng lười và cay đắng vì sau bao hy sinh vất vả cuối cùng chồng vẫn ngoại tình và hôn nhân tan tành. Chị có lời khuyên nào cho chị em để tận hưởng cuộc sống bằng niềm vui không?
Cuộc sống của mỗi người được tạo nên từ những lựa chọn. Lấy chồng cũng là do người phụ nữ lựa chọn, không ai bắt ép cả. Dù cuộc hôn nhân ấy không hạnh phúc thì người phụ nữ luôn có quyền lựa chọn bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy, không ai bắt cô ấy phải chịu đựng cả. Sướng hay khổ cũng là ở sự lựa chọn. Khi sung sướng bạn có thể chọn “ở lại”. Khi đau khổ, dù không có lựa chọn “sướng”, chí ít bạn vẫn có thể chọn “chấm dứt đau khổ”. Số phận của mỗi người được quyết định bởi sự lựa chọn của chính người đó.
Một số hình ảnh khác của gia đình Tâm Phan:
Gia đình nhỏ hạnh phúc lúc nào cũng rộn rã tiếng cười
Cô con gái đáng yêu, rất tự tin và độc lập
Gia đình cùng nhau đi du lịch ở Cu Ba
Tâm Phan đi du lịch một mình ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Trí Thức Trẻ/ Afamily.vn