Ảnh minh họa


Tôi gặp anh - người Hàn Quốc đang làm việc ở Việt Nam - thông qua công việc. Công ty của anh thường xuyên tiếp xúc với đối tác bản địa nên cần thông dịch, và anh cũng hay đưa khách hàng của mình đi tham quan nên cần người hướng dẫn biết tiếng Hàn (vì anh chẳng giỏi tiếng Việt).

Tôi tốt nghiệp đại học khoa Anh văn, cũng học tiếng Hàn với gia sư trong một năm nên có thể sử dụng rất khá. Và vì tôi cũng tốt nghiệp thêm trường Nghiệp vụ Du Lịch và Khoa Thương mại Du lịch - Đại học Kinh Tế TP HCM nên tôi có thể dễ dàng làm hướng dẫn viên hay thông dịch chính thức.

Sau thời gian làm việc với nhau, anh đề nghị kết hôn nhưng tôi nhiều lần từ chối vì không thích tư tưởng lấy chồng ngoại vì tiền và hơn hết tôi hiểu rất rõ tư tưởng gia trưởng của đàn ông Hàn Quốc. Tuy nhiên, vì anh thật lòng và kiên trì nên hơn một năm sau đó tôi nhận lời tìm hiểu. Mọi việc diễn ra tuần tự cũng như các cặp yêu nhau khác, anh đưa gia đình (mẹ, cô, dì, dượng...) sang Việt Nam gặp và nói chuyện với gia đình tôi, bàn việc hôn nhân, rồi làm thủ tục kết hôn (thật nhiêu khê nhưng may mà tôi và anh có thể thoải mái giao tiếp). Sau khi nhận được giấy đăng ký kết hôn, chúng tôi cưới ở Việt Nam rồi cưới ở Hàn Quốc. Tính đến ngày cưới, chúng tôi quen nhau gần 4 năm.

Tôi không dám chắc nhưng nghĩ rằng chắc mẹ anh lúc đầu cũng phản đối việc anh lấy vợ ngoại. Nhưng có lẽ anh kiên quyết và tự hào với quyết định của mình lắm vì đi thăm họ hàng anh đều khoe rằng vợ anh khó tính, tốt bụng, biết tiết kiệm, trung thực, rất thông minh, giỏi nhiều ngoại ngữ, hát hay, vẽ đẹp... Còn tôi, tôi tự nhủ rằng mình phải làm cho mẹ chồng yên tâm là con trai bà không chọn nhầm người, và phải cho người Hàn biết rằng không phải tất cả con gái Việt lấy chồng Hàn đều là vì tiền. Có thể tôi không biết nấu món Hàn, nhưng tôi không thể để họ nghĩ rằng tôi không biết gì về cách cư xử và đạo đức con người.

Chúng tôi mua nhà và sống ở Việt Nam vì anh vẫn đang điều hành công việc nhưng hàng năm chúng tôi đều về thăm nhà mẹ chồng ở thành phố lớn. Mỗi lần về, tôi thấy dòng họ tiếp đãi chúng tôi rất ân cần, thái độ niềm nở, trọng thị. Điều làm tôi ngạc nhiên là hầu hết những người mà tôi gặp đều không nghĩ rằng Việt Nam có hầu hết các thứ mà có thể Hàn Quốc không có (ví dụ: trái cây đa dạng, cá nước ngọt đa chủng loại, lúa gạo, rau củ, xe hơi siêu sang, nhà siêu đẹp, ruộng đồng màu mỡ, điểm tham quan thiên nhiên phong phú...).

Thậm chí, một lần tôi đi đến nghỉ ngơi ở chimjilbang (một loại dịch vụ sauna cực lớn có cả nhà hàng, mát xa, mỹ viện, hồ bơi... phục vụ suốt mùa đông), người phụ nữ quét dọn ở đó do không biết nên hỏi tôi chắc sống ở đây sướng hơn nên chẳng muốn về Việt Nam đâu hả?! Khi biết chúng tôi đang sống và kinh doanh ở Việt Nam, bà tròn mắt hỏi tôi người Việt Nam có xe hơi không, có nhà cao tầng không, có đi du lịch nước ngoài nhiều không, có nhập khẩu lúa gạo không, có trồng những loại trái cây mà Hàn Quốc nhập khẩu không... Bà rất ngạc nhiên khi tôi cho bà biết Việt Nam tôi có tất cả những thứ bà hỏi và là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ 3 thế giới. Bà thán phục vì tôi có thể phiên dịch nhiều ngoại ngữ và nói rằng con trai bà (25 tuổi) nếu gặp được cô gái có trình độ và kiếm tiền dễ như tôi bà mừng biết mấy.

Bà nói chưa đến Việt Nam lần nào nhưng chỉ nghe kể là sống nghèo khổ, thiếu thốn nên các cô gái Việt sẵn sàng lấy đại bất cứ người đàn ông nào dù già, bệnh, miễn là ngoại kiều. Tôi nghe đau nhói và nhục trong lòng nhưng cũng an ủi phần nào vì chính tôi có thể là phản biện cho tư tưởng sai lệch của bà và đa số người Hàn. Thậm chí các chị dâu tôi - là hoạ sĩ và giáo viên piano - mà cũng ngạc nhiên khi tôi nói nước Việt tôi có nhiều thứ trái cây rất ngon (măng cụt, xoài, sầu riêng, thanh long, thơm, chuối, đu đủ, mận, đào, cam, quýt, bưởi...) với nhiều chủng khác nhau (vì họ tưởng là không có gì).

Từ sau khi tốt nghiệp đại học đến nay, sau 12 năm làm việc tiếp xúc với hàng ngàn người Hàn Quốc, tôi thấy rằng họ luôn nghĩ về Việt Nam với tư tưởng là nước thấp kém, lạc hậu, nghèo khổ, thiếu văn minh... Vì vậy, tôi luôn cố gắng cho họ thấy đất nước tôi, người Việt tôi hoàn toàn kông phải như họ nghĩ. Ngày cưới của tôi tại Hàn Quốc, tôi ngồi trong phòng cô dâu, thấy nhiều người vén rèm nhìn vào một lúc rồi đi nên cứ nghĩ họ tò mò. Thế nhưng khi đãi tiệc, nhiều bạn bè và bà con bên chồng cầm tay tôi nói lúc nãy đi tìm cô dâu Việt Nam, vén rèm lên nhìn thấy tưởng cô dâu Hàn nên bỏ sang phòng khác tìm (vì lúc ấy có hai lễ cưới). Chắc họ tưởng tượng bộ mặt người Việt khác hẳn hay sao?!

Ngày đại lễ thượng thọ của mẹ chồng tôi, các anh trai chị dâu tranh thủ sà vào bàn ăn ngay khi vừa làm lễ, riêng vợ chồng tôi, vừa lo con cái, vừa đi từng bàn tiếp khách (vì ở nhà mẹ tôi, tôi cũng có thói quen khách ăn xong hết tôi mới ăn) và chào thưa. Đến nỗi chú út của chồng tôi cứ liên tục kéo tôi ra bảo con ăn đi kẻo đói quá rồi. Rất nhiều vị khách mà tôi không thể nhớ mặt và mối quan hệ đến nắm tay tôi, chào và hỏi thăm nồng nhiệt. Đi ngang qua các bàn khách, vừa chào hỏi tôi vừa nghe khách xung quanh nói về việc tôi thông minh, lễ phép, phiên dịch được nhiều thứ tiếng, hát hay. Tôi nghĩ bụng, nếu mình có thể chứng minh điều đó thì mẹ chồng mình cũng nở mặt mày đôi chút.

Tôi may mắn gặp được mẹ chồng hiền dịu, quan tâm hết mực từ tấm áo mặc trong mùa đông, cái máy sấy, chai dầu gội, ly nước lá thuốc chống cảm... nên tôi thấy thương mẹ chồng rất nhiều. Có gì đẹp, quý, tôi đều mua hoặc làm để dành tặng mẹ chồng tôi. Tôi nhiều lần đề nghị mẹ chồng sang sống với chúng tôi nhưng bà không chịu rời khỏi quê hương bà. Mỗi lần chúng tôi sang là bà cho tiền tôi nhiều lần, khi thì mua áo cho mấy nhỏ, khi mua mỹ phẩm xài đi, khi thì về bển (Việt Nam) mà xài... Tôi không biết liệu mẹ chồng có còn chút ác cảm nào với con dâu ngoại quốc không, nhưng tôi rất biết ơn bà vì sự quan tâm lo lắng. Tôi tự hứa trong lòng sẽ cố gắng làm an lòng mẹ chồng, làm cho bà tự hào với dòng họ, bạn bè. Và hơn hết, tôi sẽ cố gắng chứng tỏ cho những người Hàn Quốc mà tôi tiếp xúc rằng suy nghĩ của họ về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam chúng tôi bấy lâu nay là phiến diện và sơ sài.

Tuy nhiên tôi biết rằng một cây làm chẳng nên non, một mình tôi cố gắng thì chỉ như muối bỏ biển. Cho nên điều cần thiết là các nàng dâu Việt trên đất Hàn phải cùng cố gắng chứng tỏ cái tốt, cái hay của mình, nêu cao lòng tự hào dân tộc, dẹp bỏ những quan niệm sai lầm và miệt thị đối với đất nước và con người Việt Nam.

Theo Thu Giang/ VnExpress