Ảnh minh hoạ
Tôi và chồng đều là dân quê lên thành phố lập nghiệp. Chúng tôi yêu nhau từ thời đại học. Cùng nhau đi lên từ những gian khó nên chúng tôi rất nỗ lực để xây dựng sự nghiệp. Chồng tôi làm nhà nước, tôi làm ngoài, hai môi trường hoàn toàn khác nhau nhưng với mục đích cùng xây một tổ ấm cho con đã giúp chúng tôi mua được nhà ở tuổi ngoài ba mươi. Ngôi nhà nhỏ, có thể còn chật hẹp so với nhiều người, nhưng chúng tôi rất vui.
Có nhà, chồng tôi là người chăm chút cho từng góc, từng khoảng không gian nhỏ nhỏ xinh xinh. Phải công nhận chồng tôi là người khéo tay, có thẩm mĩ tốt nên góc nào trong nhà có bàn tay anh sửa sang đều rất đáng yêu. Các con tôi rất thích thú và thành những người phụ giúp đắc lực cho ba trong việc này.
Tôi thì khác. Từ nhỏ quen với việc học hành, chuyện nữ công gia chánh tôi biết làm, nhưng không giỏi. Và thú thực tôi cũng không hứng thú gì mấy chuyện này. Khi mua nhà, chúng tôi còn phải nợ ngân hàng. Hai bên nội ngoại đều khó cả nên vợ chồng tôi luôn xác định phải tự lập.
May mắn công việc của tôi càng ngày càng phát triển tốt, doanh thu cũng khá nên tôi được các sếp tin tưởng cất nhắc. Chồng tôi hiền, anh hiểu công việc của vợ, nên khi có nhà ở anh chủ động hơn trong việc chăm sóc nhà cửa và hai đứa nhỏ để vợ yên tâm.
Ban đầu tôi rất cảm động, thầm biết ơn vì khi mình đi sớm về muộn chồng không hạch sách, khó chịu như chồng nhiều người. Công việc của tôi phải đi lại, gặp gỡ nhiều, có khi đêm về tôi còn chân nam đá chân chiêu vì uống rượu tiếp đối tác. Những lúc như thế anh cằn nhằn tôi không biết lượng sức, rằng đàn bà con gái nhậu ở ngoài bao nhiêu nguy hiểm… Một vài lần tôi vùng vằng. Anh im lặng. Có lần tôi lỡ miệng nói giá anh kiếm được nhiều tiền thì tôi đâu phải gồng như vậy? Anh giận. Chúng tôi im lặng với nhau cả tháng trời.
Dần dần tôi thấy chồng mình là người quá an phận, mua được nhà rồi hình như anh đã bằng lòng với nó. Vẫn biết làm trong cơ quan nhà nước công việc đều đều như vậy, nhưng bạn bè tôi vẫn có thể “chân ngoài, chân trong” được. Dù vợ có thúc giục thế nào anh vẫn một quan điểm: “Nhà một người đã thường xuyên đi vắng, giờ thêm người nữa không về ăn cơm với tụi nhỏ thì còn gọi gì là nhà?”.
Tôi nản. Công việc tiếp xúc với nhiều người thành đạt nên đôi khi tôi cũng chạnh lòng khi nghĩ tới ông chồng an phận của mình. Chúng tôi không cãi nhau nhưng ít trò chuyện. Thường trong nhà ba cha con rủ rỉ nhiều hơn là gần gũi với mẹ.
Những ngày dịch, công việc của tôi ít đi. Thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 nên tôi làm việc online ở nhà là chủ yếu. Lúc này tôi mới để ý đến nhu yếu phẩm của nhà mình, đến những thứ thiết yếu cho hai con. Nhưng anh thì bình chân như vại, không có gì cuống lên khi nghe lệnh giãn cách. Tôi nổi quạu, thì anh điềm nhiên chỉ vào tủ lạnh, tủ sữa. Mọi thứ đã đầy ắp. Bé con nhà tôi còn khoe ba cha con còn gieo được cả vườn rau trên sân thượng nữa… Tôi lặng người. Hoá ra mình mới là người vô tâm. Lâu nay, công việc cuốn tôi đi, mấy việc lặt vặt trong nhà tôi đâu để ý.
Ảnh minh hoạ
Những ngày ở nhà tiếp theo tôi mới được chứng kiến công cuộc “lôi” con vào bếp của chồng. Ba cha con suỵt suỵt ra hiệu nhỏ tiếng cho tôi làm việc, nhưng kì thực tôi vừa làm vừa hóng xem chồng dạy con những gì.
Chúng phụ ba nhặt rau. Đứa lớn cắm nồi cơm. Cùng nhau bình luận nấu món này, món kia. Cùng nhìn đứa nhỏ đánh trứng gà bông lên rồi phá lên cười thích thú… Tiếng ba nạt hai đứa chưa dọn lại đồ bếp. Tiếng đứa lớn đứa nhỏ hỏi ríu ran. Chuyện vào bếp với ba cha con trong tâm thế không có gì đáng ngại như tôi vẫn nghĩ. Hôm sau rồi hôm sau nữa, mấy cha con vẫn vui vẻ như thế.
Mâm cơm những ngày dịch có đủ các thành viên trong gia đình. Bọn nhỏ xuýt xoa: “Nhà mình dạo này ăn cơm đủ người nè ba”. Tôi nghe cười gượng, cảm giác như với con chuyện tôi ăn cơm ở nhà với chúng đủ ba bữa là chuyện lạ.
Mâm cơm ngày dịch chồng con đãi tôi những món thân thuộc: Rau muống trồng trên sân thượng chấm tương, canh chua cà pháo giòn tan hay rau đay mùng tơi… Bọn trẻ ăn rất ngon miệng, chuyện trò rất vui vẻ vì đó là những món con được góp sức nấu nướng.
Tôi hiểu nếu là mình, mình không kéo được các con cùng vào bếp một cách kiên nhẫn và vui vẻ thế kia. Tôi sẽ quát nhặng xị, chúng có làm đổ vỡ tôi sẽ ca bài "mẹ đi làm vất vả mà các con không biết thương…" Tôi không thể tạo ra không khí vui vẻ, gần gũi trong nhà như thế.
Tôi làm ra tiền nhiều hơn, trong nhà tôi át chồng nhiều chuyện. Nhưng nhiều tiền hay thành công thì ai cũng cần một tổ ấm bao bọc, yêu thương. Nếu chồng tôi không xây một tổ ấm yên bình thế kia, giờ này tôi như thế nào? Nếu không có những ngày “bình thường trong bất thường” như thế này, có lẽ tôi không hiểu được giá trị đúng nghĩa của những từ mà người ta vẫn hay nói như cả nhà bên nhau, tổ ấm, hay bữa cơm gia đình…
Theo phunuonline