Tan sở, Chi xúng xính trong chiếc đầm mới, thong dong đi ra cổng cơ quan, nơi có Lâm, chồng Chi, đang kiên nhẫn đứng đợi. Chị em cùng cơ quan xuýt xoa: “Lấy chồng thế mới đáng tấm chồng”.
Chi được dịp tự hào với đồng nghiệp cũng có cái lý của nó. Đàn ông thời nay có mấy ai chu toàn tận tâm với vợ như Lâm.
Sáng sáng, anh đưa vợ tới công sở rồi mới ghé chỗ làm. Giờ nghỉ trưa, đồng hồ chỉ con số 12, đã thấy Lâm đứng đợi ngoài cổng cơ quan. Rồi chiều chiều tan sở, vợ chồng tình tứ ôm eo đi cà phê, ăn tiệm, tối muộn mới về nhà.
Đó là khi dịch COVID-19 chưa lan rộng, khi cả hai vẫn là vợ chồng son. Đùng một cái Lâm được “về hưu” ở tuổi 35, thật ra là công ty cho anh nghỉ việc.
Công ty không muốn giữ người không dành nhiều thời gian và tâm huyết cho công việc. Buổi trưa, chưa hết giờ, anh đã chuồn đi đón vợ. Buổi chiều, dù đôi khi công việc còn dang dở anh cũng bỏ mặc xách xe đi đón vợ.
Đứa con đầu lòng ra đời, chi phí bỉm sữa cộng với hàng loạt phát sinh khác, khiến vợ chồng lâm vào tình huống khóc dở mếu dở. Sau thời gian ở cữ, Chi quay lại công việc, chồng cô an tâm ở nhà làm người nội trợ.
Thay vì váy áo xúng xính, có nhiều thời gian son rỗi, làm đẹp như trước, giờ Chi làm thêm tối mắt tối mũi. Tuy vậy có điều may: Lâm đảm nhận vai trò trông con, nấu nướng việc nhà đâu ra đấy, khiến Chi an tâm phần nào.
Rồi dịch giã xuất hiện làm đảo lộn cuộc sống. Thu nhập của Chi giảm nhiều. Nhiều lần giữa giờ làm, Chi vội về nhà lấy tài liệu, thấy Lâm và má chồng vừa ngồi cắn hạt dưa, vừa xem phim bộ dài tập, cãi nhau ồn ào vì diễn biến và tình tiết bộ phim.
Đó là còn chưa kể, Chi nhìn thấy Lâm hình như ngày càng “đàn bà hóa”. Mua một món đồ nào giá trị ít hay nhiều, anh khảo giá đến hàng chục nơi, rồi mới chốt đơn. Lâm tám chuyện xuyên lục địa, toàn chuyện… tào lao. Bạn bè chiến hữu đáng mặt ngày xưa, giờ chẳng còn ai giữ liên lạc và kết nối nữa.
Chi chán chồng. Đàn ông chẳng đáng mặt đàn ông, chỉ toàn dưa cà mắm muối. Tiêu chí “đội vợ lên đầu” có còn nghĩa lý gì khi giờ đây, cô phải gồng gánh toàn bộ gia đình này. Đi làm mệt mỏi trở về, tìm một người chia sẻ đồng quan điểm thật khó. Cô nói gì anh cũng gật, không còn sự phản biện sắc sảo như xưa.
Suýt nữa Chi đã đưa chân và say nắng sếp tổng ở cơ quan, khi cả hai ngày càng có nhiều thời gian bàn bạc về công việc. Tiếp xúc với người đàn ông thành đạt và quyết đoán, Chi thấy lòng xao động. Nhìn cách sếp tự tin trong dự án, mềm mỏng khi giao tiếp với khách hàng, cô ước giá như Lâm được một phần của sếp.
Cô chat nhiều hơn với sếp tổng ngoài giờ làm. Lâm không mảy may nghi ngờ, vì tính chất công việc của cô lâu nay vẫn vậy. Một lần, khi sửa soạn trang điểm và chuẩn bị bước ra khỏi nhà, đi làm, Chi bỗng nhìn thấy Lâm một tay bế bồng ru con ngủ, một tay nhanh nhẹn xào nấu món ăn.
Cô khựng lại trong giây lát. Người đàn ông chân thành này, chẳng phải đã cùng cô đi qua mọi thăng trầm của cuộc sống hay sao?
Trước đây, cô đã từng lo sợ khi chẳng may cưới phải người chồng vô tâm, bao nhiêu điều tốt đẹp quảng giao dành hết cho thiên hạ, nhưng về với vợ con thì nằm ra ghế mà bấm điện thoại, cuối tháng chỉ biết quẳng cục tiền cho vợ.
Ảnh minh họa
Biết đâu, người sếp mà cô đang xao xuyến thần tượng, khi quay về cuộc sống nguyên mẫu gia đình, lại là mẫu người đàn ông mà cô từng lo sợ tránh xa?
Cô thấy mình đang trở nên vô lý và tham lam vô độ. Đàn bà lui về hậu phương chăm lo gia đình con cái để chồng chinh chiến làm ăn, thì được coi là hy sinh. Trong khi đàn ông, đảm nhận việc nhà để vợ kiếm tiền, thì dần bị vợ khinh thường, chán nản.
Cần có một cuộc nói chuyện nghiêm túc trước khi cuộc hôn nhân này lâm dần vào bế tắc. Trước khi đòi hỏi Lâm thay đổi, cô cũng cần thay đổi mình, trước hết là thay đổi về tư duy.
Nhìn nhận điểm mạnh của đối phương và nhân chúng lên chẳng phải là nguyên tắc tối thiểu của việc chung sống bình đẳng và tôn trọng bạn đời hay sao?
Rồi khi dịch COVID-19 qua, con cái cứng cáp, cô sẽ bàn với Lâm việc gửi con sớm để anh được quay trở về công việc chuyên môn. Chắc chắn Lâm sẽ vui vẻ đồng thuận, vì bản chất anh vốn rất yêu vợ và thương con.
Theo phunuonline