Một cặp cô dâu chú rể chụp hình cưới mùa COVID-19. Ảnh: Xuân Trình, Thảo Linh.
Đám cưới của anh chị là một đám cưới hiếm hoi trong mùa dịch. Càng hiếm hoi hơn nữa khi hầu hết khách mời sau khi cân nhắc đủ rủi ro và an toàn, nên và không nên, đã quyết định vẫn đến dự đám cưới. Mọi người trêu chọc cô dâu chú rể tranh thủ “hạnh phúc giữa quãng mù mờ”, không biết tai ương đang ẩn giấu nơi đâu.
14 ngày trôi qua kể từ ngày cưới, họ đăng một tấm hình cảm ơn khi các khách mời dự đám cưới đều bình an kèm dòng trạng thái: “Nhà em đã lấy hết can đảm để cưới nhau, đám cưới cân não của chúng em đến hôm nay coi như thành công trót lọt!”.
COVID-19 đã ra một tuyên bố trì hoãn vô thời hạn, vô điều kiện đối với các cặp đôi chuẩn bị cưới. Nhưng chẳng gì ngăn cản nổi tình yêu. Tranh thủ lúc con vi-rút đang bận rộn chỗ này chỗ khác, “ngó lơ” đi tích tắc, các cặp đôi tăng tốc chạy nước rút, liều mình vượt đỉnh dốc COVID-19 để đến với nhau.
Tổ ấm được xây lên với tình yêu và lòng quyết tâm, hay với tình yêu và nỗi sợ hãi? Có lẽ khó phân tách rạch ròi. Trong tình yêu, có nỗi sợ hãi cô đơn muôn thuở của con người. Trong tình yêu, có quyết tâm giành lấy giữ lấy bằng được một nửa của mình. Trong tình yêu, cũng có cả sự liều lĩnh đạp bằng mọi trở ngại, đương đầu với sợ hãi, để được cùng nhau đắm mình trong hạnh phúc.
Tổ ấm thời COVID-19 đắt đỏ và hiếm hoi như thế, mong sao những cặp đôi ấy đừng vội biến nó thành tổ lạnh. Khi cưới xin và ly hôn đang gần như một kiểu song hành, dịch bệnh làm cho con người nhận thức về đám cưới một cách nghiêm túc hơn, giá trị hơn. Khi phải vượt qua rất nhiều khoảng cách, trong đó có những khoảng cách mà nhân loại phải duy trì để sống còn, mới có thể chạm vào nhau được, người ta quý hơn sự gần gũi, khả năng có thể chia sẻ cùng nhau một mái nhà.
Tổ của đôi uyên ương, hang ổ trú ẩn an toàn của con người, nơi nương tựa vào nhau để tìm kiếm tình yêu và chống lại nỗi sợ hãi… tất cả đang hội tụ dần trong định nghĩa về gia đình. Cùng nhau tìm được một nơi chốn như thế, những cặp đôi trẻ có lẽ sẽ quý trọng, nâng niu gìn giữ hơn. Ít ra, cho tới khi nào những nỗi đe dọa bên ngoài gia đình giảm bớt.
Khi cặp đôi này lao đao vật vã để cưới nhau cho bằng được giữa mùa đại dịch, những cặp đôi khác có thể đang đương đầu với mâu thuẫn. Ảnh minh họa
Nghịch lý chẳng bao giờ thiếu trong đời. Khi cặp đôi này lao đao vật vã để cưới nhau cho bằng được giữa mùa đại dịch, những cặp đôi khác có thể đang đương đầu với mâu thuẫn, bất bình đẳng gia đình, căng thẳng hôn nhân và cả bạo lực. Người ta không ngạc nhiên khi thấy thống kê số vụ ly hôn tăng vọt sau những đợt cách ly xã hội vì dịch bệnh, khi vợ chồng bị nhốt cùng nhau quá lâu trong nhà, và các áp lực tài chính, việc làm, con cái… trở nên nặng nề đe dọa. Đây có thể là một kinh nghiệm đối lập treo trước mắt những cặp đôi đang bước vào con đường hôn nhân.
Ngôi nhà của tình yêu không chỉ sơn màu hồng, họ biết điều ấy từ những xáo trộn của ngày hôm nay. Mong sao đó là một dạng “vắc-xin” chủng ngừa cho những đụng độ, bất đồng nào đó trong tương lai - những căn bệnh vốn là tất yếu của hôn nhân. Mong sao những người trẻ và không trẻ, chọn cưới nhau giữa thời nhân loại buộc phải giữ giãn cách giữa người và người, sẽ gắn bó cùng nhau trong một kết nối bền vững, hạnh phúc. Có lý do để những đám cưới mùa Covid-19 trở thành những đám cưới thực sự đặc biệt, nơi quyền năng của tình yêu bảo vệ được con người, trở thành động lực cho họ chiến đấu, chiến thắng bệnh tật và nỗi cô đơn.
Theo phunuonline