Chị ghé nhà tôi một sáng chủ nhật, gặp lúc tôi vừa quét xong mạng nhện, đang xoay qua chùi cửa kính. Trên bàn còn nguyên mâm cà phê chồng tôi vừa uống xong. Tôi ngồi phịch xuống ghế, “xả” luôn với chị: “Chị coi chồng em phát chán chưa. Chủ nhật nào em cũng bù đầu làm việc nhà. Trong khi ổng uống có ly cà phê cũng không thèm dọn, còn xách xe đi chơi”.
Chị phụ tôi mang mọi thứ vào bếp, châm bình trà mới và xếp một đĩa bánh. Chị nhẹ nhàng: “Giờ chị em mình uống trà. Em bực cũng không thay đổi được gì, còn làm mình khó coi. Nhà mình thì mình dọn, sạch đẹp rồi sẽ thấy dễ chịu. Đó đã là phần thưởng. Sao phải nặng nề hả em?”.
Bất giác tôi giật mình vì đạo lý sống tưởng chừng quá đơn giản nhưng bấy lâu tôi không ngộ ra.
Chị kể ngày rằm nhiều người đi chùa làm công quả: rửa chén, xắt rau củ, nấu ăn… Làm lu bù từ sáng tới chiều vẫn thấy vui vì nghĩ mình đang… làm phước. Về nhà rửa có mấy cái chén, nấu bữa cơm bốn người ăn đã bực bội, cằn nhằn chồng con từ sáng tới chiều.
Cực hay khỏe, bực hay vui là do cách nghĩ của mình. Xem ra, người tệ bạc với mình nhất chính là bản thân mình. Chừng nào chưa cởi được nếp nghĩ tiêu cực, đàn bà còn cực dài dài, để rồi mau già, sức khỏe mau xuống cấp.
Ở tuổi ngoài 50, trông chị thong dong nhẹ nhàng, có phong thái viên mãn của người phụ nữ thành đạt. Mới vài năm trước thôi, trông chị cũng nhàu nhĩ như mọi phụ nữ bận bịu, lại gặp phải chồng vô tâm. Chị “quơ” đại anh khi tuổi gần 40. Anh là giáo viên dạy thể dục, trong khi chị đang là phó khoa ở bệnh viện lớn.
Sự khập khiễng nhìn vào ai cũng thấy. Nhưng má chị tỉ tê rằng phụ nữ có tấm chồng vẫn hơn. Hơn 20 năm sống với chị, anh chưa từng cầm chổi quét nhà, nấu bữa cơm, cũng chưa từng đưa chị đồng nào.
Anh nói: “Bà thiếu gì tiền, dòm ngó lương giáo viên bèo bọt của tui chi?”. Chị là người ưa sạch sẽ, thế nhưng anh ra ngoài về cứ để nguyên giày xéo bừa lên sàn nhà chị mới lau. Quần áo chị vừa lấy ra từ máy giặt, anh đi mưa về hồn nhiên quăng đồ ướt lên…
Chị bức bối từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ, riết thành stress. Nhưng cãi nhau với anh như cãi với cái đầu gối. Vì anh cho rằng bổn phận của phụ nữ là chăm sóc chồng con. Mấy chuyện nhỏ xíu cũng quy thành vấn đề…
Má chị nhẹ nhàng rằng: “Đàn ông nào chả vậy. Ba con còn gia trưởng gấp mười”. Má nói cả đời bà chỉ ước mong đàn con yên ấm, đừng đứa nào xảy ra chuyện gì. Con gái chị thì nói: “Mẹ chấp ba chi cho gia đình xào xáo. Nhà mình có chuyện, con chẳng còn mặt mũi nào nhìn cha mẹ chồng”…
Bao lần, đơn ly hôn đã gửi tới tòa án, rồi chị lại rút về. Quậy banh ra, nhiều người khổ. Mâu thuẫn vợ chồng xem ra cũng chỉ những xung đột vụn vặt, anh không xấu đến mức chị phải nhất quyết rời xa thì mới sống ổn.
“Giờ chị vui thì nấu nướng hoành tráng. Không vui thì cơm nước đơn giản. Bữa nào khỏe thì vệ sinh nhà cửa, đốt trầm, cắm hoa cho nhà thơm đẹp. Không khỏe thì thuê người dọn dẹp. Không thay đổi được chồng thì phải thay đổi bản thân. Từ lâu rồi, chị dẹp nỗi buồn qua một bên. Buồn chi cho mau già” - chị giải đáp cái nhìn tò mò của tôi bằng giọng nhẹ tênh.
Chị về rồi tôi vẫn còn ngồi lặng một mình. Ngửi mùi trà thơm lãng đãng, nhìn cánh cửa đang lau dở… tôi bật cười vì nhận ra đúng là chuyện nhỏ như ruồi, sao phải làm cho ngày Chủ nhật của mình thành tồi tệ? Chồng tôi trước giờ vẫn vậy. Ngày xưa chịu được, sao giờ phải nặng nề? Anh có mỗi tật vô tâm, cẩu thả, còn thì lương vẫn nộp đầy đủ, không nhậu nhẹt sa đà.
Làm vợ, đòi hỏi quá chỉ khổ thân mình. Tôi sẽ lau nốt cánh cửa rồi thay đồ đẹp ra đầu ngõ mua bó hoa. Hôm nay cả nhà sẽ đi ăn tiệm. Tôi sẽ bắt chước chị, nhìn người nhìn việc một cách tích cực, sắp xếp mọi việc sao cho mình được nhẹ nhàng. Chẳng thèm buồn chi cho mau già.
Theo phunuonline