|
|
Cô dâu My Nga và chú rể Tilo trong ngày cưới. Ảnh chụp tháng 5/1993 |
Sân ga định mệnh
Chị Ngô My Nga sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, 17 tuổi chị sang Đức học nghề sửa chữa động cơ máy móc nông nghiệp theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải.
Chị My Nga được học tiếng Đức tại trường Betriebsschule Heinrich Rau Neubrandenburg. Kết thúc khóa học ngôn ngữ, đầu tháng 9/1988, chị cùng các bạn được đưa về làng Gr#bers, gần thành phố Halle (Saale) để học nghề. Tại đây, My Nga quen với Tilo Kiessling, một sinh viên Đức cao ráo, đẹp trai, học trên một khóa.
My Nga nhớ lại: “Đội chúng tôi gồm 14 nam và sáu nữ được đưa đi xem các phòng xưởng, nơi học các môn tiện, hàn, rèn… Tại đó các thầy giáo cùng một số học sinh cũ đã chờ sẵn để đón các học sinh mới. Tilo là một trong số học sinh cũ. Tôi đã lấy búa đập ầm ầm trong khi Tilo đang giới thiệu về các vật dụng trong xưởng”.
Ngày hôm sau, My Nga lại gây sự với anh chàng đẹp trai. Chị đá hai lần vào gót chân Tilo tại ga tàu rồi ngước lên xin lỗi bằng ánh mắt vô tội. Tilo cười hiền bảo không có gì và đi tiếp. Đến lần thứ ba va chạm, Tilo biết tỏng cô bạn ngoại quốc cố tình làm quen, anh bèn đi chậm lại để hỏi han, tán chuyện.
Nga nói tiếng Đức khá tốt, nên những ngày sau, trên sân ga chờ tàu, những câu chuyện giữa họ kéo dài hơn, xoay quanh nhiều chủ đề. Mỗi ngày Tilo đều tìm cách để gặp được người thương.
Có lần, trong một hôm cùng nhau học bài, Tilo mở quyển từ điển Đức - Việt chỉ cho My Nga xem từ "Heiraten - kết hôn" rồi cả hai trao nhau những nụ hôn đầu đời ngọt ngào.
“Đến dịp Giáng sinh năm 1988, chúng tôi trở thành đôi tình nhân. Tình yêu vượt biên giới ngày ấy không đơn giản như bây giờ. Các mối quan hệ nam nữ khác quốc tịch bị cấm. Tôi bị bạn bè Việt kỳ thị. Có lần một người bạn nói thẳng mặt tôi "me Tây", có người bảo cuộc tình chúng tôi rồi chẳng đi đến đâu, đừng tưởng bở, phí thời gian... Nhưng chúng tôi vì yêu mà bỏ ngoài tai, mặc kệ hết”, My Nga kể.
|
|
Sau 30 năm chung sống, họ vẫn yêu nhau như ngày đầu |
Sinh con trong nước mắt
Nước Đức thống nhất cuối năm 1989. Vì hợp đồng khóa học chỉ ký với Đông Đức nên học xong My Nga phải về nước. Nếu cưới nhau và ở lại, My Nga sẽ phải trả lại tiền đào tạo cho Nhà nuớc, khoảng 20.000 Mark. Đó là món tiền gia đình My Nga không kham nổi.
Chị kể: “Mẹ Tilo bảo, con xa nhà cũng lâu rồi, giờ con cứ về thăm nhà. Bên này sẽ làm giấy đón sang, chỉ vài tháng là xong. Về Việt Nam, xuống sân bay, ôm người thân trong tay nhưng tâm trí tôi vẫn lơ lửng ở nước Đức. Tối hôm đó bà ngoại nhìn tôi rồi hỏi: “Con có bầu hả”, tôi lắc đầu. Ngoại đưa tôi đi khám, bác sĩ thông báo có bầu, hỏi có bỏ thai hay không, ngoại tôi quay lại mắng, “con cháu người ta mà bỏ gì” rồi kéo tôi về. Vừa đi học về đã có bầu, tôi sợ miệng thiên hạ, nhưng tôi không muốn bỏ giọt máu của tôi và Tilo”.
My Nga biên thư sang Đức kể cho Tilo. Ngày ấy, để kết nối, phải gửi giấy tờ lên Văn phòng Bonn của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức để xin hướng dẫn. Thư và giấy tờ gửi đi, sau ba tháng, toàn bộ giấy tờ được gửi trả lại với thông báo: Tilo phải gửi mọi thứ lên chi nhánh Đại sứ ở Berlin mới liên lạc được với Việt Nam.
Khi bụng to vượt mặt, không hôm nào là chị không khóc. Đêm cuối tháng 5/1991, con ra đời, chị đặt tên là Daniel. Chị ôm con trong tay mà lòng quặn đau. Trong gần hai năm, My Nga chỉ nhận được bốn lá thư của Tilo.
Thế rồi, gần một tuần sau khi sinh Daniel, My Nga nhận được giấy tờ bảo lãnh và vé máy bay để sang Đức. “Mẹ tôi bảo, hay con sang trước đi, để cháu lại cho ba mẹ, sang rồi đón nó sau. Nhưng con còn quá nhỏ, tôi không muốn. Tôi nhờ mẹ đi đánh điện sang: “Daniel Kiessling, sinh 10 giờ ngày 30/5/1991- 3.800g - 51cm”, cô thổn thức.
Khoảng tháng 9/1992, Bưu điện Việt Nam có đặt một trạm điện thoại ở nhà người chú, cách nhà My Nga khoảng 100m. Mẹ chị xin số trạm điện thoại, không nói cho My Nga biết, rồi đánh điện sang Đức cho Tilo. Trong bức điện, ngoài tên con gái và một số điện thoại thì không có gì thêm, vì bà không biết tiếng Đức. Sau khi đánh điện xong, bà không quên dặn người chú, nếu có ai gọi mà nói tiếng nước ngoài, dù không hiểu gì thì cũng cứ báo cho bà biết.
Tilo nhận được điện, tuy không nhiều thông tin, nhưng anh cũng liên lạc hồi đáp. Tilo nhắc vào đầu dây hai tiếng “My Nga”. “Vì đã được dặn trước nên người chú chạy sang nhà gọi ngay, mẹ giục tôi sang nghe máy, tôi ngơ ngác nhưng mẹ tôi liên tục hối “cứ sang đi rồi khắc biết”.
Khi tôi nghe tiếng Tilo trong máy, bao nhiêu nhớ mong, tủi hờn sau gần bốn năm trời vỡ oà, chúng tôi nghẹn ngào, nức nở không nói nên lời. Lúc đó, mẹ tôi cũng đã bế con trai tôi theo, tôi để con bi bô vào máy, cứ thế cả tiếng đồng hồ”.
Từ hôm đó, cứ Chủ nhật 9 giờ sáng bên Đức - 15 giờ Việt Nam, My Nga lại bế con sang “trực điện thoại”. Tilo không quên cô, giấy tờ cho hai mẹ con cũng đã đầy đủ và đang được giải quyết. Lịch bay đã có ngày vào cuối năm 1992.
Anh trong tất cả
Ngày 15/5/1993, My Nga và Tilo tổ chức đám cưới. Cái tên "Ngô My Nga" được đổi thành "My Nga Kiessling".
Những năm đầu sau hôn nhân, vợ chồng My Nga sống chung cùng với cha mẹ chồng và hai người em ruột của Tilo. Từ ẩm thực, đến cách cư xử hằng ngày giữa hai nền văn hóa Đức - Việt có nhiều khác biệt. Chị tâm sự: “Suốt thời gian ba năm, chồng tôi đi làm kiếm tiền còn tôi ở nhà nội trợ. Mọi việc từ nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp cho đại gia đình đều một tay tôi cáng đáng. Việc nhà vất vả khiến có lúc tôi stress, mệt mỏi. Đỉnh điểm, có lần tôi bị xuất huyết phải đưa đi bệnh viện cấp cứu”.
Năm 1997, đôi vợ chồng trẻ dọn ra sống riêng, họ sửa lại căn nhà nhỏ mà ông bà nội cho ở thị trấn Mühlberg (quận Elbe-Elster, phía tây nam của Brandenburg, Đức). Họ có thêm cậu con trai Michael. Đây cũng là thời điểm, bác sĩ kết luận cơ tim của Tilo quá dày. Đó là trường hợp hiếm gặp. Căn bệnh khiến My Nga rất lo lắng. Ngoài động viên, nhắc nhở, cô còn dùng mọi cách để chung sống nồng nàn, hòa hợp hơn.
Cô nấu cho chồng những món anh thích, mỗi ngày chờ chồng đi làm về với nụ cười trên môi, cùng anh xem phim, đi dạo. Từ một người thích sự rõ ràng, có phần ương bướng, cô điều chỉnh bản thân để biết nhường nhịn, lắng nghe, cô không tạo áp lực gì cho chồng. Đó cũng là lý do, suốt mấy chục năm bên nhau, ngoài gọi vợ là “em”, Tilo còn gọi cô bằng những danh xưng ngọt lịm khác. Khi thì “mặt trời nhỏ của anh ơi”, “kho báu của anh ơi”, khi thì “chào mèo con anh đi làm nhé”…
My Nga chia sẻ: “Mấy chục năm lấy nhau, anh luôn nhắc tôi “mặc áo vào kẻo lạnh”, “không được xách nặng thế”, “để đấy chồng làm cho”... Về phần mình, biết chồng luôn yêu chiều nhưng tôi không ỷ lại, cư xử vô lý quá mức. Tôi luôn dịu ngọt, hài hước, nũng nịu với chồng”.
|
|
Gia đình trong ngày cưới của con trai út Michael |
Một ngày tháng 8/2022 khi bầu trời Mühlberg xanh ngắt màu mây, vừa đón chồng đi tái khám về, My Nga ngồi vào bàn và những dòng ngôn tình tuôn ra:
“Em viết về ngày nắng
Em viết về cơn mưa,
Em viết về hoa cỏ
Đã viết về anh chưa?
Em nghĩ về sâu sắc
Em nghĩ về thân quen,
Em nghĩ về tất cả
Còn điều gì em quên?
Em chẳng quên anh đâu
Trong những gì tốt đẹp,
Ý nghĩ dù nông sâu
Đều có anh hết cả.
Em thấy anh trong gió
Trong nắng cùng trong mưa,
Và trong mỗi nhịp đập
Trái tim em... biết chưa?”.
Đoạn thơ trên được My Nga đặt tựa “Anh trong tất cả”, mỗi giây phút trong lòng cô đều gắn bó, tự hào về chồng. Suốt hành trình hơn ba thập kỷ với nhiều mong nhớ, thử thách, họ luôn có nhau đầy ngọt ngào.
Tháng 1/2023, My Nga và Tilo sẽ lên chức ông bà nội. Trên con đường ấy, Tilo và My Nga đã “huy động” cả lý trí và trái tim làm tài xế, với niềm tin phía trước là thênh thang, hạnh phúc.
Theo phunuonline.com.vn