leftcenterrightdel
 Mới đầu năm, vợ chồng tôi đã xung đột (Ảnh minh họa)

Đọc những dòng tin nhắn của chị gái gửi lúc tối muộn, lòng tôi buồn vô hạn. Chị viết: “Anh chị đã bàn bạc cho cháu ở ký túc xá hoặc đi về trong ngày rồi. Em không cần phải bận tâm nữa nhé”.

Nghĩ đến việc di chuyển quãng đường đi về mấy chục km mỗi ngày đã thấy quá sức người lớn, nói gì đứa cháu mới vào thành phố lần đầu. Trong khi đó, nhà tôi ba tầng rộng rãi chỉ ba người ở. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng tôi chiến tranh lạnh sau trận cãi vã ồn ào từ tuần trước.

Tôi trách vợ sống ích kỷ còn vợ bực bội cho rằng tôi quá cả nể. Tưởng rằng, sau tết, nhà sẽ ấm êm khi hai vợ chồng đều ổn định công việc sau hai năm lao đao vì dịch bệnh. Nhưng không ngờ mới đầu năm, vợ chồng đã lục đục.

Chuyện bắt đầu từ hôm mùng 9 tết, vợ chồng tôi về quê để cúng đầu năm. Trong bữa cơm, chị gái tôi ngỏ ý xin cho con trai lên ở nhà tôi để học nghề ba năm. Tôi nghĩ việc này cũng bình thường, nhà tôi rộng rãi, có điều kiện giúp đỡ cháu.

Vừa mới nghe chị nói thế, vợ tôi đã từ chối ngay với lời lẽ rất khó chịu. Cô ấy bảo: “Vợ chồng em đi làm cả ngày, không thể theo sát quản lý cháu được, nếu có chuyện gì xảy ra, ai chịu trách nhiệm. Anh chị nên tìm phòng trọ cho cháu ở để tự lập chứ em không kham nổi đâu”.

Tôi chưa kịp nói gì thì mẹ tôi tỏ thái độ dằn dỗi, bảo vợ chồng tôi tính toán, cứ để cháu ở rồi có vấn đề gì nói sau. Từ chuyện đó mà không khí gia đình rất nặng nề. Lúc về, tôi nói chị gái cứ yên tâm, để tôi sắp xếp và tính tìm cách thuyết phục vợ.

Nhưng khi tôi vừa mở lời, vợ tôi tiếp tục phản đối. Cô ấy nói, tính mình thẳng thắn nên “mất lòng trước được lòng sau”, thấy không phù hợp thì từ chối cho đỡ mệt. Vả lại, vợ thấy cháu tôi hỗn hào, ăn nói trống không. Cô ấy còn nhắc đến chuyện cháu từng ăn cắp tiền của ba mẹ, bỏ nhà đi mấy lần rồi mê game nên không vào được cấp III, phải đăng ký học trường nghề kết hợp học văn hóa.

Chị gái tôi cũng khóc hết nước mắt vì con, một đứa trẻ mà bố mẹ không giáo dục được, giờ lại đẩy trách nhiệm sang vợ chồng tôi. Thêm nữa, con gái nhỏ mới 2 tuổi, cháu trai lại đang tuổi dậy thì mà chúng tôi đi làm cả ngày, ai lo lắng cơm nước cho cháu. Cuối cùng, cô ấy chốt hạ bằng một câu: “Không quen có người lạ ở trong nhà”.

leftcenterrightdel
Tôi không biết làm cách nào để giải quyết cho trong ấm ngoài êm (Ảnh minh họa) 

Tôi hiểu những băn khoăn của vợ nhưng có thể cho cháu ở trong một năm đầu để quen đường sá rồi tính sau. Đằng này cháu chưa ở, vợ tôi đã từ chối thẳng thừng như thế thì coi sao được. So với anh em trong nhà, gia đình chị gái khó khăn hơn vì đông con. Tôi nhớ ngày mình còn học đại học, chị chắt chiu từng đồng tiền bán hàng để gửi phụ thêm chi phí.

Chị cũng từng giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Khi vợ tôi sinh con đầu lòng, chị tạm gác công việc để lên nuôi vợ ở cữ do mẹ tôi bị ốm. Khi tôi nhắc chuyện đó với vợ, cô ấy nói, việc nào ra việc đó. Nếu thương cháu có thể giúp bằng cách khác chứ không nhất định phải đem về nhà ở chung.

Thấy thái độ vợ kiên quyết, tôi biết mình không thể thay đổi được. Vì lời nói của vợ tôi mà vợ chồng chị gái tự ái. Khi tôi đề nghị hỗ trợ chi phí và tìm chỗ trọ cho cháu, anh chị một mực từ chối. Có lẽ vì chuyện này mà từ nay, tình chị em không còn được như trước khiến tôi càng cảm thấy khó xử.

Theo phunuonline