Người chồng Hàn Quốc, giữa, bị cảnh sát áp giải ngày 8/7. Ảnh: Yonhap.
Đó là một vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh và kém phát triển của Hàn Quốc.
Tại đây có 5-6 trung tâm MFSC. Tỉnh Nam Jeolla là nơi có rất đông phụ nữ Việt Nam và Trung Quốc lấy chồng và định cư tại đây.
Lần đó tôi không có điều kiện trò chuyện trực tiếp với các phụ nữ Việt Nam có mặt tại trung tâm. Nhưng qua trò chuyện với các nhân viên ở đó, tôi biết cuộc sống của họ phần lớn rất khó khăn.
Nhiều người làm nông, số khác làm việc trong các nhà máy lắp ráp sản phẩm, chế biến thực phẩm, cá biệt cũng có những phụ nữ phải làm cả những việc nặng nhọc trong các xưởng đóng tàu.
Dĩ nhiên cũng có một số ít phụ nữ Việt Nam và Trung Quốc có trình độ học thức cao hơn nắm giữ các vị trí quản lý ở đó.
Cuộc sống vất vả, cực nhọc đã đành, nhưng với các phụ nữ ở tỉnh Nam Jeolla, họ còn phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia đình rất mệt mỏi.
Theo tôi, có một nguyên nhân rất lớn của tình trạng bạo lực này là vì thói quen uống rượu truyền từ đời nọ tới đời kia của đàn ông địa phương. Trong các gia đình, những cơn say bí tỉ được truyền từ đời cha tới đời con, và khi say rượu họ thường đánh đập vợ.
Nhiều trường hợp đánh vợ đã bị nhà chức trách phạt tù, nhưng có một thực tế là những người vợ Việt Nam cũng như Trung Quốc dù bị chồng đánh vẫn không muốn chồng bị vào tù. Họ sợ con họ không có cha và nhẫn nhục chịu đựng. Rất đáng buồn.
Tôi được biết người phụ nữ bị đánh đập trong video lan truyền trên mạng mới đến Hàn Quốc. Cô ấy đã lấy người chồng đó và họ có con ở Việt Nam rồi chỉ gần đây mới quay trở lại tỉnh Nam Jeolla.
Tôi chưa hiểu nguyên nhân anh chồng đánh vợ, nhưng việc đánh đập tàn bạo một người phụ nữ như vậy là không thể chấp nhận. Câu chuyện rất buồn và tôi nghĩ anh ta phải vào tù.
Những năm gần đây, tôi nhận thấy số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc đã giảm. Điều này có một phần nguyên nhân là số đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ Việt cũng giảm. Dù vậy, về tổng thể, số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hiện vẫn đang nhiều hơn số phụ nữ Trung Quốc.
Chính phủ của chúng tôi hiểu rất rõ những khó khăn của người nhập cư, cụ thể là những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Đó là lý do trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc hiện có 218 MFSC, riêng tỉnh Nam Jeolla có 20 trung tâm như vậy.
Tại đó, các nhân viên MFSC hỗ trợ những người mới tới Hàn Quốc không chỉ về ngôn ngữ, văn hóa để không chỉ giúp họ sớm hòa nhập với cuộc sống mới, mà còn trang bị kỹ năng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp.
Nhưng có một thực tế khác là ở những vùng nông thôn nghèo như tỉnh Nam Jeolla, các ông chồng Hàn Quốc không muốn cho vợ họ tới các trung tâm hỗ trợ. Lý do rất đơn giản: họ muốn vợ họ phải ở nhà làm việc kiếm tiền.
Đó cũng là lý do khiến cái vòng luẩn quẩn lại tiếp tục xoay: những phụ nữ nhập cư ngày càng trở nên lặng lẽ, đơn độc hơn khi không biết nói ngôn ngữ của chồng, không hiểu được văn hóa tập tục của địa phương và phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ bạo hành.
GS.TS Sang Hwan Seong cũng là thành viên của Ủy ban quốc gia về chính sách hỗ trợ gia đình đa văn hóa tại Văn phòng thủ tướng Hàn Quốc. Ông cũng là thành viên của Ủy ban đánh giá chính sách của Bộ Bình đẳng giới và gia đình tại Hàn Quốc, chịu trách nhiệm về chính sách và các vấn đề nhập cư. |
Theo Tuổi Trẻ