"Tôi đã cố gắng trốn thoát vào nửa đêm", Mahira, người không nhớ rõ mình bao nhiêu tuổi, nhớ lại cuộc "vượt ngục" trốn khỏi cuộc hôn nhân ép buộc nhiều năm trước. Sau lần đó, cô bị một vết sẹo dài dưới đầu gối.
Một số bang ở miền bắc Ấn Độ những năm gần đây trở nên "nổi tiếng" về tập tục mua bán cô dâu. Nguyên nhân được cho là vấn nạn phá thai bé gái, dẫn đến dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn. Có ít các nghiên cứu, thống kê và không nhất quán về nạn buôn cô dâu ở Ấn Độ, song cũng đủ cho thấy tính trầm trọng của nó. Vào năm 2013, một nghiên cứu bao gồm 10.000 hộ gia đình ở 92 ngôi làng cho thấy khoảng 9.000 cô vợ bị mua. Một cuộc khảo sát đến từng nhà vào năm 2014 cho thấy có 1.352 người vợ bị bán sống với người mua tại 85 ngôi làng ở miền bắc Ấn Độ.
Miền bắc Ấn Độ có lịch sử buôn bán cô dâu từ các vùng khác tới, do đặc thù tại đây chênh lệch giới tính cao. Ảnh: Theconversation.
Mahira đang sống ở ngôi làng Kherli, Mewat, Haryana. Con đường dẫn tới nhà cô phải băng qua các đàn gia súc, nơi những phụ nữ phơi phân bò trước cửa nhà và trên tường, những người đàn ông sửa mái nhà bị hỏng, trẻ con chơi xung quanh.
Mahira chỉ còn nhớ mơ hồ việc bị rời khỏi nhà ở bang Assam năm 14 tuổi. Một người họ hàng đã lừa cô đi tham quan Delhi, sau đó bán cô cho một đại lý môi giới hôn nhân. Mahira bị buộc phải tham gia một cuộc bán đấu giá, cùng với nhiều cô gái khác. Sau cùng, cô được một người đàn ông 45 tuổi mua với giá 8.000 Rs (2,4 triệu đồng). Chồng cô sống trong một ngôi làng nhỏ ở Haryana và làm nghề lái xe cũng như đồng áng.
Đến năm 28 tuổi, Mahira đã là bà mẹ ba con và kiếm được 2 Rs (600 đồng) mỗi giờ làm nông. Cuộc sống trở thành một cuộc đấu tranh liên tục khi vừa phải đối mặt với người chồng nghiện rượu, vừa làm việc nhà, việc đồng vất vả. Chồng cô qua đời năm 2014. Từ đó Mahira sống một mình cùng các con. Trò chuyện một hồi, cô vào phòng mang ra một tấm ảnh cỡ hộ chiếu của người chồng quá cố - một người đàn ông với bộ râu dài và vẻ mặt lãnh đạm.
Sau 15 năm bị bán, tổ chức Empower People chuyên giải cứu những cuộc buôn bán hôn nhân đã giúp Mahira đoàn tụ với gia đình ở Assam. Tuy nhiên, sau khi đoàn tụ, bất chấp gia đình rất mong mỏi đón Mahira về, cô vẫn chọn ở lại nơi mình bị bán: "Tôi sẽ chịu đựng bất cứ điều gì được viết lên số phận của tôi".
Mahira không phải là thiểu số trong những phụ nữ tìm thấy niềm an ủi rằng "hôn nhân là do số phận". Năm 15 tuổi, trên đường tan học Amreen bị hai người đàn ông ép vào một chiếc xe hơi, sau đó đưa cô đến Haryana, cách quê hương cô 2.033 km. Trên một ga xe lửa, Amreen được người chồng hiện tại giải cứu và sau đó họ kết hôn.
Trước đó, cô sống với người mẹ tên Mahnoor và ba em trai. Mẹ của Amreen kể: "Khi tôi trở về nhà, con của tôi đã biến mất. Một tháng sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại của con, nói đã kết hôn với một người nào đó ở Haryana. Chồng của con bắt máy và chúng tôi trò chuyện một lúc. Tôi đã đến thăm con một lần và yêu cầu con trở về nhà nhưng con không chịu về mà không có chồng", bà kể.
Vào năm 2015, 5 năm sau khi bị bắt cóc, tổ chức Empower People đã giải cứu được Amreen. Dù vậy, Amreen khước từ về nhà và sau đó số điện thoại Amreen không còn hoạt động. Chị Mahnoor không thể liên hệ với con nữa và không thể giải thích được tại sao con không muốn về nhà. "Tôi hy vọng rằng con sẽ quay lại để chúng tôi có thể sống với nhau một lần nữa", người mẹ nói.
Phân bò phơi trên ruộng trên cánh đồng trong ngôi làng phía bắc Ấn Độ. Ảnh: Theconversation.
Một câu nói nổi tiếng bằng tiếng Hindi là: "Ladki paraya dhan hoti hai", có nghĩa "con gái là tài sản của người khác". Nhà xã hội học Ấn Độ Ravinder Kaur cũng đã chỉ ra, con gái là "không cần thiết" và "gánh nặng", trong khi con dâu là cần thiết cho "hạnh phúc và duy trì nòi giống".
Ấn Độ đã có nhiều luật chống buôn bán cô dâu. Nhưng đã có các nghiên cứu chỉ ra một số lỗ hổng và sự mơ hồ trong khái niệm về nạn buôn người, di cư và nô lệ. Điều này khiến việc hiểu và nhận biết buôn bán cô dâu càng trở nên khó khăn hơn. Ví như Sahar, một cô dâu bị bán, đã bị xem như "người giúp việc" khi có ai đó từ các cơ quan chức năng tới hỏi.
Sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở Bihar, Sahar, 14 tuổi là con út trong số 12 anh chị em. Chồng của em họ cô làm công việc môi giới hôn nhân và đã sắp xếp cuộc hôn nhân của cô với một người đàn ông ở Haryana, 50 tuổi. Người này góa vợ và đang tìm người vợ thứ hai để nuôi dạy ba con cho anh ta và lo việc nhà cửa.
Cha mẹ Sahar do dự về lời cầu hôn vì muốn anh chị của cô kết hôn trước. Để thuyết phục bố mẹ Sahar, người môi giới nói chú rể sống ở Delhi, không quá xa nhà. Người này cũng nói giảm tuổi chú rể và thông báo anh ta chỉ có một con từ cuộc hôn nhân trước. Sahar đã khóc suốt ba tháng đầu tiên khi về nhà chồng và tự cô lập mình khỏi làng. Cô phát hiện người chồng đã cho địa chỉ sai, khiến cha mẹ không thể tìm ra cô. Sau khi cầu xin chồng, Sahar được phép về thăm bố mẹ đẻ một lần, dưới sự giám sát của người môi giới hôn nhân.
Nhiều năm sau chồng của Sahar qua đời khi đứa con gái út của cô được sinh ra (bé này chết năm 2 tuổi). Cô đã một mình nuôi 3 con riêng của mình bằng nghề làm ruộng. Khi được hỏi có yêu chồng không, cô trả lời: "Anh ấy thường nói rằng anh ấy không bắt cóc hay cướp tôi từ bất kỳ ai, anh ấy đã cưới tôi. Anh ấy từng đánh tôi bằng giày của anh ấy. Khi tôi nói không muốn sống ở đây, anh ấy đã đấm tôi. Tôi đã khóc suốt đêm vết vết bầm tím sưng vù...".
Giống như một số phụ nữ khác, quan điểm của Sahar về hôn nhân và tình cảm của mình đối với chồng rất phức tạp. "Chồng tôi là một ông già với bộ râu dài. Làm sao tôi có thể thích anh ấy? Tôi thậm chí không thể buộc rakhi lên tay anh ấy (một kiểu kỷ vật của tình yêu)", cô chia sẻ.
Một ngôi nhà ở Mewat, Haryana. Ảnh: Sreya Banerjea/Theconversation.
Câu chuyện cuộc đời của những người phụ nữ này cho thấy vấn đề buôn bán hôn nhân không thể được đánh đồng với các hình thức buôn bán người khác. Đó là một hình thức bóc lột. Buôn bán kết hôn gây ra bạo lực kinh tế, sinh sản và tình dục dưới chế độ phụ hệ.
Nhiều người trong số những phụ nữ này không muốn được "cứu". Họ tin tưởng mạnh mẽ nạn buôn bán hôn nhân và bất bình đẳng giới phải chấm dứt. Nhưng đồng thời, họ cũng mong muốn được ghi nhận những đóng góp của mình với tư cách là một người vợ, người mẹ, người góa bụa - chứ không chỉ là một "cô dâu bị buôn bán"...
Theo vnexpress