Gặp anh Chi, cuộc đời Tuyết Vân - người con gái thứ 10 trong gia đình nông dân đã thay đổi cuộc đời. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngồi ở ban công ngôi nhà có giàn nho tím biếc, cách Frankfurt 50 km, chị Lê Thị Tuyết Vân hay mỉm cười một mình khi đọc những trang nhật ký tình yêu. "Tôi là thanh củi mục ven đường, được lượm về, chùi rửa, để trở thành gỗ quý của anh bây giờ", người phụ nữ 36 tuổi nói.

Lần đầu Vân gặp anh Chi là tại một nhà hàng của chị họ ở Sài Gòn, tháng 5/2005. Hồi ấy, cô gái quê Long An lên ở nhờ nhà chị để chữa bệnh đau cột sống. Một hôm nhà hàng đông khách, Vân được nhờ mang hóa đơn thanh toán cho một bàn 5 khách nam giới. Cô gái 19 tuổi chưa kịp nhận tiền đã ngã nhoài ra đất, ngất xỉu. Các vị khách được một phen tá hỏa vì không hiểu chuyện gì xảy ra.

Cùng chủ nhà đưa Vân vào phòng, Chi Tomas - vị khách ở bàn ăn khi nãy - là một Việt kiều Đức, hỏi lý do cô ngất xỉu. Biết bệnh tình, anh đề nghị những người trong nhóm, ai quen biết bác sĩ chữa cột sống thì mách giùm.

Sau sự việc hôm đó, anh Việt kiều Đức lại nhớ mãi hình ảnh cô gái có đôi mắt thâm quầng, co ro ở góc giường. Hai ngày sau, anh lục lại hóa đơn tính tiền để lấy số điện thoại của nhà hàng gọi hỏi thăm rồi cùng với người anh họ trực tiếp dẫn Tuyết Vân đến bệnh viện khám.

Ở đây, Vân mới biết bệnh của mình ban đầu chỉ là sự phát triển của cơ không theo kịp với xương ở tuổi dậy thì. Đáng lẽ chỉ cần thể dục, ăn uống điều độ là có thể phục hồi, nhưng ở quê, Vân lại uống thuốc của thầy lang làm bệnh trở nặng. Ngoài ra, trong thời gian dài, cô cũng tiêm, uống thuốc ở các phòng khám tư - đều là thuốc có chứa chất gây nghiện.

Trước khi về Đức, người đàn ông mua một chiếc máy massage mang đến tặng cô gái chưa từng quen biết. Những ngày sau đó, anh cũng thường nhắn tin hỏi thăm sức khỏe cô. Sau 30 năm sống ở nước ngoài, anh Chi không rành tiếng Việt, trong khi đó Vân cũng chẳng biết ngoại ngữ nên câu chuyện của họ chỉ nhát gừng quanh mấy lời hỏi thăm đơn giản: "Em còn đau không?", "Vẫn đau".

Chị Tuyết Vân năm 2008. Sau khi được anh Chi giới thiệu đến khám một bác sĩ có chuyên môn, chị xin vào chùa làm công quả, ngồi thiền, tập luyện để "cai thuốc" và phục hồi sức khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhưng dần dần, những câu chuyện hàng ngày khiến cả hai nhận thấy cảm xúc về nhau thay đổi. "Cô ấy rất thật thà, chân chất, khác những phụ nữ Việt mà tôi từng gặp", anh Chi nhớ lại và kể thêm, sau này khi đã thân thiết hơn nhưng cô gái vẫn "giữ ý và tự trọng", không bao giờ lợi dụng sự giúp đỡ của anh. "Ở bên cạnh Vân, tôi thấy cuộc sống bình yên, không phải phán đoán nhiều".

Có lần, anh mời Tuyết Vân đi ăn. Thức ăn bê lên, vừa cho vào miệng vài miếng, Vân nôn thốc tháo, ướt hết một vạt vai và cánh tay người ngồi bên cạnh. Di chứng từ căn bệnh cũ khiến cô gái không chịu nổi mùi hành và các loại gia vị của món ăn. Nhưng chàng trai không trách, ngược lại còn động viên cô "cố ăn giúp anh thêm một chút nhé". Phút đó, cô gái thấy lòng nhiều xao xuyến. "Tôi không hiểu kiếp trước anh nợ gì mình mà kiếp này tốt với tôi đến vậy", cô nói.

Tình cảm tiến triển, hai người cảm thấy những dòng tin nhắn không còn đủ để truyền tải cảm xúc của mình nên chuyển sang gọi điện. Để nói chuyện được với Vân, anh Chi tranh thủ ngày đêm bổ túc lại tiếng Việt. Mỗi năm, anh về Việt Nam công tác vài lần, dù công việc bận đến đâu, anh luôn có những ngày dành riêng cho chị.

Một chiều hè Sài Gòn năm 2007, dưới gốc cây sứ cổ thụ, Dinh Chi Tomas xin phép hôn Tuyết Vân. Cô đan hai tay chặt vào nhau, run run gật đầu. Anh nhẹ nhàng đặt môi mình lên má chị. Tình yêu của họ chính thức bắt đầu.

Dinh Chi theo chị Vân về quê ở Long An. Thấy gia đình bạn gái phải bán ruộng, vay mượn khắp nơi để con gái út chữa bệnh, anh giúp chuộc lại ruộng, trả nợ. Bệnh tình của Vân cũng dần thuyên giảm, chị lấy lại sắc vóc thiếu nữ.

"Tôi còn nghĩ con nhỏ bệnh nặng chẳng sống được mấy nữa, chứ mơ gì đến chuyện nó có bạn trai. Nó gầy gò, đen đúa, lại xiêu vẹo, vậy mà thằng Chi thương. Nhờ có nó giúp đỡ mà con tui khỏi bịnh, hai thân già này cũng đỡ khổ", bà Cao Thị Út, 75 tuổi, mẹ chị Vân nhớ lần đầu con đưa bạn trai về ra mắt.

Chị Vân và chồng ở hiện tại. Nếu không vì dịch bệnh,mỗi năm vào dịp hè, anh đều dẫn vợ đi lái thuyền buồm khoảng 1 tuần đến 10 ngày ở các hòn đảo đẹp của Ý, Tây Ban Nha hoặc Hy Lạp... Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhưng tình yêu của hai người không được gia đình anh Chi ở Việt Nam ủng hộ. Họ sợ chị lợi dụng anh. "Tôi từng lấy một người vợ quý tộc Đức nên tôi hiểu những gì Vân đang trải qua khi đó", anh Chi nói và dặn bạn gái "chỉ cần biết tôi yêu em là đủ".

Nhưng chị Vân không nghĩ vậy. Trong lúc anh Chi ở Đức xoay xở để hai người có thể đoàn tụ, chị tìm cách thuyết phục gia đình bạn trai. Dịp giỗ Tết, chị mua hoa quả, thịt gà quê lên cùng người nhà anh lo cỗ bàn. Mẹ bạn trai mắc bệnh Alzheimer, lại bị sạn thận, phải vào viện phẫu thuật, chị Tuyết Vân là người trực tiếp bồng bế bà lên xuống xe, làm thủ tục. Suốt 10 ngày bà nằm viện, chị và con dâu lớn của bà thay nhau săn sóc. Gần gũi nên gia đình bạn trai hiểu Vân hơn và dần chấp nhận cô như một thành viên trong nhà.

Năm 2016, hoàn tất thủ tục kết hôn, anh đón vợ sang Đức khi hai gia đình đều gật đầu. Chị Vân đã chuẩn bị tiếng Đức nhiều năm và học nấu ăn dự định mở nhà hàng nhưng sức khỏe không cho phép, chị đành ở nhà lo nội trợ.

Trong ngồi nhà của đôi vợ chồng Việt ở Đức một năm nay luôn có "hai đầu bếp". Vì dịch, anh Chi phải làm việc tại nhà. Mỗi lần vợ nấu nướng, anh chồng đứng sau phụ nhặt rau, bóc tỏi. Vợ vừa cắt xong rau, anh mang dao, thớt lau khô, để lại vị trí cũ. Chị dọn bàn ăn anh lau chùi bếp, cọ rửa xoong nồi. Xong bữa, chị gọt trái cây còn chồng rửa chén bát. Chỉ cần vợ thích, anh có thể làm mọi việc cùng chị

Điều tiếc nuối duy nhất trong chuyện tình yêu của hai người là chị Vân không thể có con, do bệnh tình ngày trẻ. "Nhưng từ khi có anh, chưa có điều gì đến khiến tôi cảm thấy bất hạnh. Vì nếu có bất hạnh, anh sẽ lại sẵn sàng 'chùi rửa', lấp đầy bằng tình yêu", chị Vân nói.

Theo vnexpress