Hơn 7 năm sống ở Đà Nẵng, Elissa Lê, 28 tuổi, chưa bao giờ thấy cuộc sống nơi đây tĩnh lặng như những ngày này. Kể từ khi Covid-19 ập đến, con ngõ trước nhà cô ở quận Liên Chiểu, thậm chí có những ngày không nghe thấy tiếng còi xe. Các bãi biển trống không. Ngoài đường thi thoảng vang lên tiếng xe cứu thương. Mỗi lúc vậy lòng Elissa quặn thắt.

"Là một công dân Đà Nẵng, không ngày nào vợ chồng mình không cầu nguyện cho sự bình an, mạnh mẽ đến với mọi người và các y bác sĩ đang chống dịch", cô gái Mỹ chia sẻ.

Elissa giúp đỡ tài chính cho cặp vợ chồng khuyết tật quê Phú Yên bán bánh mỳ ở Đà Nẵng vì Covid-19 khiến họ không có thu nhập. Vợ chồng Elissa cũng kêu gọi giúp đỡ nhiều người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn khác và kết nối các tổ chức ủng hộ cho phường, quận trong dịch. Ảnh: Như Phương.

Với Elissa, Đà Nẵng là mảnh đất khiến cô phải lòng chỉ sau một tháng của mùa hè năm 2012. Năm ấy, cô sinh viên ngành giáo dục của Đại học Seattle đến Việt Nam dạy tiếng Anh tình nguyện. Cô nhớ mãi một sáng ra biển ngắm bình minh, sóng lặng, mặt trời từ từ nhô lên tỏa ra ánh sáng ấm áp, những ngư dân ngoài khơi hớn hở cập bờ. Phút ấy, cô cảm thấy đây là thành phố đẹp nhất thế giới.

"Lúc phải lên máy bay về nước, vì nghĩ sẽ không bao giờ được quay lại đây nữa nên tôi đã khóc nhiều đến mức nhân viên an ninh nhìn hộ chiếu mãi không ra", cô gái quê Texas chia sẻ.

Về Mỹ, Elissa bước vào năm cuối đại học. Thời điểm đó cha mẹ cô đã chuyển đến thành phố khác ở cùng người anh trai. Cô gái trẻ phân vân không biết sẽ đi theo cha mẹ hoặc dạy học tại quê nhà. Bất ngờ, một ngày trước tốt nghiệp, Elissa nhận được email mời làm việc từ một trường quốc tế ở Đà Nẵng. "Ngay lập tức, tôi biết đây chính là con đường cho mình", cô nói.

Ngày tiễn con ra sân bay, bà mẹ ôm Elissa và nói: "Chúa cho mẹ sự bình an và mách rằng con sẽ sang Việt Nam, tìm được người đàn ông của mình và sẽ sống tại đó".

Lời của mẹ ứng nghiệm chỉ vài tháng sau khi cô đặt chân đến Đà Nẵng. Trong một buổi cắm trại với các bạn, Elissa quen với Lê Thân Như Phương - chàng trai đã hoàn lương sau những năm tháng tuổi trẻ nghiện ngập, giờ anh tìm thấy lẽ sống trong các hoạt động thiện nguyện. Thời điểm quen nhau, anh đang là cán bộ dự án cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, hàng ngày chăm sóc, dạy dỗ trẻ mồ côi, trẻ em đường phố.

Elissa khâm phục nghị lực làm lại cuộc đời của Như Phương. Còn anh lại ấn tượng với lý do đưa cô gái Mỹ đến Đà Nẵng. Những câu chuyện về văn hóa, món ăn, cảnh vật và con người Đà Nẵng đã rút ngắn khoảng cách giữa chàng trai bản địa và cô gái ngoại quốc.

Sau buổi gặp đầu, hai người tiếp xúc với nhau nhiều lần khác ở các hoạt động cộng đồng. Thấy cô gái Mỹ không ngại ôm và nô đùa với các em bé, Phương càng quý mến. "Tình cảm cô ấy dành cho lũ trẻ không một chút giả tạo, có tình yêu và sự chấp nhận trong đó. Tôi thấy được cô ấy là người con gái trong sáng và đầy lòng trắc ẩn", Phương bộc bạch.

Tình cảm đặc biệt của Elissa với mảnh đất Đà Nẵng đã se duyên cho cô với Như Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cuối tháng 10 năm đó, siêu bão Nari khiến cả thành phố tan hoang sau một đêm. Lần đầu tiên Elissa được trải nghiệm bão nhiệt đới. Gió lốc uỳnh uỳnh khiến cô sợ hãi. Nhưng cô an tâm hơn khi được hàng xóm giúp đỡ đổ xăng và chuẩn bị đồ ăn, cùng những tin nhắn động viên từ bạn bè, trong đó có Như Phương.

Một chiều, Phương đón Elissa trước cổng trường, hứa sẽ cho cô một bất ngờ. Chàng trai chở cô gái lên cầu Thuận Phước. Đứng ở đây họ có thể ngắm toàn thành phố. Ở đó, Phương đã tỏ tình với cô.

Tình yêu của họ lớn dần lên theo những ngày bên nhau. Cuối tuần, đôi trẻ thường chở nhau đi khám phá nhiều địa điểm trong vùng. Họ cùng tham gia các giải chạy vì trẻ em mồ côi hay chạy để thay đổi định kiến với người nghiện đã hoàn lương.

Biết con trai yêu cô gái ngoại quốc, bà Như Lan, mẹ của Phương lo ngại "người phương Tây sống thoáng, không biết vun vén cho gia đình như phụ nữ Á Đông". Nhưng ngay buổi đầu Elissa đến nhà chơi, nỗi lo của người mẹ bay biến.

Cô gái vừa bước vào cửa đã cúi đầu lễ phép chào hỏi bằng tiếng Việt và sau đó hoàn toàn không gặp trở ngại nào trong giao tiếp, dù mới sang Việt Nam không lâu. Elissa biết đi xe máy, thành thạo chợ búa. Mỗi lúc cô đội chiếc nón lá, cắp cái làn ra chợ, nhiều người bán hàng vây quanh để được nghe cô nói tiếng Việt.

Bữa cơm đầu tiên ở nhà Phương, Elissa không hề ngại ngùng, giữ ý mà ăn uống tự nhiên nên không khí gia đình rất thoải mái. Từ đó, cô hay theo mẹ Phương học hỏi nấu được nhiều món như phở, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo, mì Quảng, đặc biệt món mực chiên mắm...

"Tôi hay đi chợ chọn thực phẩm nấu ăn rồi mời anh Phương đến nhà thưởng thức tay nghề. Dần dần tôi nấu được rất nhiều món Việt", cô kể.

Elissa cũng bất ngờ khi thi thoảng bố mẹ Phương lại nói một vài câu tiếng Anh với mình vì để gần gũi hơn với cô con dâu tương lai, bà Lan đã học tiếng Anh giao tiếp. Mỗi dịp cha mẹ cô qua thăm đều được bố mẹ Phương tiếp đón nhiệt tình.

Vào một đêm trăng tròn đầu năm 2015, Phương chở Elissa lên bán đảo Sơn Trà, chọn một nơi đẹp nhất có thể ngắm nhìn cả thành phố vào ban đêm. Chàng trai quỳ xuống cầu hôn: "Em là người con gái tôi yêu và muốn sống trọn đời".

Phương kể, để có màn cầu hôn đó, anh đã ấp ủ ý tưởng và xin tư vấn từ nhiều người đi trước. "Tôi tôn trọng Elissa và văn hóa của cô ấy nên đã mua sẵn nhẫn để cầu hôn", chàng trai cho hay.

Như Phương luôn thấy vợ xinh đẹp nhất trong tà áo dài. Mỗi dịp lễ Tết hay ngày đặc biệt ở trường cô đều mặc trang phục này. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hôn lễ của đôi trẻ diễn ra ở nhà thờ 6 tháng sau. Theo nghi thức phương Tây, chú rể không được thấy cô dâu mặc áo cưới trước ngày trọng đại. Đến giờ làm lễ, ánh mắt Phương liên tục dõi về phía cửa. Anh vừa hồi hộp lại mong chờ. Bỗng cô dâu xuất hiện và tiến lại phía mình. Khoảnh khắc thấy Elissa được bố dắt vào, Phương đã không thể thốt nên lời.

"Tôi không ngờ cô ấy lại mặc áo dài trắng trong ngày cưới. Hình ảnh ấy hết sức thiêng liêng và là điều tôi không thể quên trong đời", chú rể kể. Tới hôm nay mỗi lúc nhớ lại thời khắc đó mắt anh vẫn cay cay.

Năm năm hôn nhân của họ đã đi qua trong sự bình yên. Đối với cặp vợ chồng này, chìa khóa giữ lửa yêu đương của họ là sự tôn trọng dành cho chồng và tình yêu dành cho vợ. Vợ chồng Phương cũng thường giúp đỡ nhiều gia đình khác, thậm chí có những đôi kết hôn vài chục năm, hâm nóng lại tình yêu và sửa chữa những khuyết điểm cho nhau.

Covid-19 tràn về Đà Nẵng, nhiều người ngoại tỉnh đang thuê trọ mất thu nhập. Vợ chồng Phương đã tổ chức nhiều cuộc họp trên Zoom với bạn bè để giúp đỡ tài chính cho những mảnh đời khó khăn. Họ cũng kết nối các tổ chức để chung tay ủng hộ vật chất, tài chính cho phường, quận.

"Ngày hôm nay, dù ở nơi đâu chăng nữa, chúng ta không thể trốn chạy thiên tai, dịch bệnh, nghịch cảnh. Nhưng cho dù điều gì xảy ra, vợ chồng tôi tin cá nhân sẽ trưởng thành hơn, tình yêu khăng khít hơn. Giống như trời sẽ đẹp hơn sau bão", vợ chồng Như Phương chia sẻ.

Theo vnexpress