5 năm trước, Nguyễn Thị Sen (sinh năm 1991, Thanh Hóa) tình cờ gặp được chồng qua ứng dụng hẹn hò. Thời điểm đó, Sen muốn học thêm tiếng Anh, mở rộng đối tượng kết bạn trong khi chồng của cô - Selami #el#uk H#d#ro#lu (sinh năm 1978) kỹ sư điện tử, sống ở một tỉnh miền Tây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thử cảm giác yêu đương ở một không gian mới.

“Tôi tạo nick được vài tiếng thì nhận được tin nhắn của #el#uk. Vào xem thông tin cá nhân, thấy đối phương chụp ảnh đi du lịch các nước, tôi đã rất ấn tượng. Sau đó, anh ấy chủ động giới thiệu, nói rằng vì biết tôi là người Việt Nam, nên muốn kết bạn”, Sen nói với Zing.

Tình yêu xuyên biên giới


Nói chuyện nhiều, Sen cảm động trước sự chân thành, thẳng thắn của chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ. Dù biết khoảng cách tuổi tác và địa lý, cô gái Việt vẫn dành tình cảm cho #el#uk.

Sau khi yêu xa khoảng 6 tháng, Şelçuk mời bạn gái sang đất nước của mình đi du lịch. Đồng thời, anh muốn đưa cô về gặp gỡ gia đình, tính đến chuyện trăm năm. Do chưa từng đến đất nước Hồi giáo, Sen có phần lo lắng, nhưng cô tin tưởng bạn trai. Hơn nữa, trực giác cho cô biết anh là người tốt bụng.


Şelçuk và Sen quen nhau qua một ứng dụng hẹn hò.

Tháng 6/2017, Şelçuk gửi giấy tờ bảo lãnh cho Sen làm visa. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, nói chuyện với gia đình, Sen bị mọi người kịch liệt ngăn cản.

“Khi đó, mẹ nhất quyết không cho tôi đi một mình. Trong suy nghĩ của mọi người, đó là một đất nước xa xôi. Thậm chí, có người còn nghĩ nơi đó luôn có chiến tranh, khủng bố, bạo động. Sau nhiều lần thuyết phục gia đình không thành, tôi đành phải ở lại".

Chính vì điều này, tình cảm chớm nở của đôi uyên ương không thể duy trì. Nghĩ rằng bạn gái không tin tưởng mình, #el#uk rất buồn. Khoảng một tháng sau đó, họ quyết định đường ai nấy đi.

Suốt thời gian dài sau đó, cả hai không còn trò chuyện hay liên lạc với nhau. Thế nhưng, đến tháng 7/2019, tròn 2 năm sau khi chia tay, Sen bất ngờ nhận được cuộc gọi từ chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng anh đang ở Việt Nam.


                                                                                                                    Thời gian ở Việt Nam, Sen cùng ông xã đi du lịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng.


Nói chuyện qua điện thoại, Şelçuk bảo rằng “muốn gặp lại cô gái đã bỏ mình trước đây". Sen đồng ý gặp anh.

“Lần đầu gặp mặt, tôi không nhận ra vì anh điển trai hơn trong ảnh. Hôm đó, chúng tôi đã nói chuyện khá lâu. Anh trách móc, hờn dỗi và cũng thừa nhận thấy hối hận vì đã không sang Việt Nam thăm tôi sớm hơn".

Sau đó, mọi chuyện diễn ra khá nhanh và tự nhiên. Cả 2 không mất nhiều thời gian để hàn gắn tình cảm. Thời gian ở Việt Nam, họ cùng nhau đi du lịch. Sen cũng đưa bạn trai về ra mắt gia đình. Dù không còn phản đối, cha mẹ cô cũng không ủng hộ con gái quen biết một chàng trai người nước ngoài.


                                                                                                                 Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đám cưới của Sen và Şelçuk diễn ra đơn giản, ấm cúng.


Không lâu sau khi về nước,Şelçuk lại mời Sen sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, Şelçuk sẽ cùng gia đình sang Việt Nam để hỏi cưới Sen làm vợ.

Lần này, nghe theo tiếng gọi con tim, cô gái sinh năm 1991 xin nghỉ việc, gửi đồ đạc về quê, chuẩn bị giấy tờ sang đất nước cách Việt Nam 15 giờ bay.

“Thấy con gái quyết tâm, gia đình cũng không ngăn cản gay gắt như lần trước. Do đã được gặp ngoài đời, phần nào thấy được sự chân thành của Şelçuk, họ cũng yên tâm hơn".

Lúc đón ở sân bay, Şelçuk đã ôm Sen và khóc rất nhiều. Về nhà bạn trai, cô nhận được sự yêu quý và đón nhận của mọi người.

Khi chuẩn bị về nước, cũng là lúc dịch bệnh bùng phát, Sen bị kẹt lại. Thấy đây là thời điểm phù hợp, #el#uk đẩy nhanh tiến độ, ngỏ lời cầu hôn bạn gái.

Một đám cưới ấm cúng của cô dâu Việt và chú rể Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra.

Được gia đình chồng yêu thương


Chia sẻ về gia đình nhà chồng, Sen cho biết cô được mọi người hết mực yêu thương.

Trong buổi hôn lễ, khoảnh khắc Sen xúc động nhất là khi vợ chồng trao nhẫn cưới cho nhau. Với sự chúc mừng của họ hàng, gia đình nhà chồng, Sen cảm thấy mình được đón nhận, hòa nhập hoàn toàn với nền văn hoá ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau lễ cưới, mẹ chồng nắm tay Sen nói cảm ơn cô đã trở thành con gái của mẹ.

“Mẹ chồng tôi là một phụ nữ nghiêm chỉnh chấp hành đạo giáo. Thế nhưng, bà rất cởi mở với tôi. Bà tôn trọng cả hai nền văn hoá, chăm sóc, yêu thương tôi như con gái. Tôi sống xa nhà thiếu thốn tình cảm gia đình, bà hiểu điều đó nên không hề có sự xa cách, phân biệt trong cách đối xử với con dâu, con gái”, Sen nói.


                                                                                                                  Cô dâu Việt nhận được sự yêu quý hết mực từ gia đình nhà chồng.


Những ngày đầu làm dâu, Sen nhận thấy người Thổ Nhĩ Kỳ sống thiên về gia đình, có dịp là họ hàng hội họp đông đủ.

Cô, dì, chị em của mẹ chồng luôn coi Sen như con gái. Vào ngày lễ, phụ nữ sẽ lo nấu nướng, bưng trà. Vì được cưng chiều, không ai buộc Sen phải làm những việc đó.

Sen được mẹ chồng dạy về nếp văn hoá gia đình, cách nấu ăn, phong tục ngày lễ tết của người Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, sau hơn một năm lập gia đình, Sen đã dần thích nghi với cuộc sống ở đất nước Hồi giáo.

“Khi mới sang đây, tôi từng e ngại tiếp xúc với người ngoài. Thế nhưng, ở lâu, tôi thấy mọi người rất hiền hậu. Có lần, chồng tôi làm rơi ví tiền, người ta đã tìm tới tận nhà để trả”.

Bên cạnh đó, đa phần phụ nữ ngoại đạo lấy chồng đạo Hồi rất sợ lễ Ramadan. Suốt một tháng, tất cả đều nhịn ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn (trừ phụ nữ có thai, người ốm hay người lao động nặng). Tuy nhiên, Sen lại được mẹ chồng cho phá lệ, cứ ăn uống bình thường, chỉ cần kín đáo.

“Tôi không theo đạo, nên mỗi khi ra đường thường chỉ che tóc và cổ, không che mặt. Ở nhà với gia đình chồng thì hạn chế mặc áo bó và hở tay, hở cổ. Còn lại mọi thứ bình thường, gia đình chồng chấp nhận và hiểu sự khác biệt văn hóa của hai bên”, Sen kể.

Theo Zing