Thu Hằng đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan
Nguyễn Thu Hằng, 27 tuổi, và chồng cô, John Li, kết hôn hồi tháng 5 sau nhiều năm yêu nhau. Trên kênh YouTube HangTV, hai người chia sẻ các video cùng học tiếng Việt, chế biến các món đặc sản hay thăm thú nhiều danh lam thắng cảnh. Các video thu hút hàng chục nghìn lượt thích và những bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ với tình yêu của họ.
Thời gian đầu, Hằng và John lập ra HangTV chỉ để giải trí nhưng sau đó, hai người nhận được rất nhiều bình luận, hồi âm từ mọi người và nhận ra trọng trách lớn hơn của mình.
"Ngoài để người dân Đài Loan hiểu hơn về Việt Nam, tôi nghĩ câu chuyện tình yêu giữa hai vợ chồng mình cũng phần nào tạo ra cái nhìn mới mẻ về hôn nhân Việt - Đài", Hằng chia sẻ với VnExpress. "Hai vợ chồng từng nhận được nhiều câu nói khiếm nhã như "Lấy vợ Việt Nam mất bao nhiêu tiền?", "phụ nữ Việt Nam chỉ hám tiền thôi"... Vì thế chúng tôi đang cố gắng để thay đổi được những định kiến đã khắc sâu trong tâm trí của mọi người".
'Đàn ông Đài Loan làm việc nhà nhiều hơn'
Thu Hằng và John Li trong một video trên kênh HangTV.
Hằng và John quen nhau qua một chương trình truyền hình, trong đó cô là diễn viên khách mời, còn chàng trai Đài Loan là đạo diễn. Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng đàn ông Đài Loan gia trưởng, Hằng cho hay John chinh phục cô bằng sự chân thành và tốt bụng.
Không những thế, chuyện tình của họ còn được gia đình ủng hộ hết mình. Cha mẹ John đã rất phấn khích khi biết con trai có tình cảm với một cô gái người Việt.
"Tôi còn nhớ có một lần đi chơi, anh chỉ tạt qua nhà lấy cái áo khoác thôi nhưng mẹ anh biết tôi đi cùng nên đã vội vàng thay đầm, trang điểm để tiếp đón", Hằng kể và đó là lần đầu tiên cô đến nhà chồng tương lai.
Sự chu đáo và yêu thương của cha mẹ chồng dành cho Hằng nhân lên gấp bội khi cô trở thành con dâu trong nhà. Hằng cho hay dù ở chung với bố mẹ chồng, cô cảm thấy mình "chưa hề phải làm dâu ngày nào".
"Bố mẹ chồng luôn tạo điều kiện và không gian riêng cho hai vợ chồng tôi. Bố John là người trầm tính nên thích quanh quẩn cùng hai chú chó cưng và làm việc nhà. Các công việc như nấu nướng, giặt giũ đều do bố đảm nhiệm", Hằng kể. "Mẹ chồng tôi thì làm những viêc nhẹ nhàng hơn, tính bà cũng năng động nên hay đi tập gym, leo núi... với các bạn. Ở Đài Loan, đàn ông san sẻ nhiều công việc nhà và phụ nữ rất có tiếng nói lẫn vị trí cả trong gia đình và ngoài xã hội".
John cũng chịu ảnh hưởng từ gia đình và văn hóa Đài Loan. Hằng kể có lần về Việt Nam thăm quê vợ, anh mang bát đi rửa sau khi dùng bữa thì bị bà nội của Hằng mắng rằng "đây không phải là việc của đàn ông con trai" nhưng thực tế, anh coi chuyện đi chợ, cơm nước, giặt giũ là rất bình thường.
Không chỉ trong gia đình, John cũng là người luôn ủng hộ và sát cánh bên Hằng trong công việc. Họ có chung đam mê đặc biệt với việc quay video và đã cùng lập ra kênh YouTube HangTV từ tháng 10/2016 để giúp các học sinh của Hằng tại một trung tâm mà cô dạy thêm có nhiều cơ hội rèn luyện tiếng Việt.
"Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, để làm ra được một video, có khi chúng tôi mất tới hơn hai tuần để quay và dựng. Nhiều hôm tôi đi dạy ở trung tâm về 10h tối lại qua công ty của chồng để dựng clip cùng anh đến 2h, 3h sáng mới về nhà", Hằng kể. "Khi đã thạo hơn, chúng tôi thống nhất sau khi quay xong chồng tôi sẽ là người dựng còn tôi sẽ kiểm tra lại video và viết phụ đề".
Từ những video kể về đời sống cá nhân và dạy tiếng Việt, Hằng và John mở rộng nhiều nội dung về cộng đồng người Việt, giới thiệu nhiều nét văn hóa cũng như cảnh quan của Việt Nam và Đài Loan. Trong khi John gây ấn tượng với vẻ ngoài thư sinh, hiền lành thì Hằng lại tươi tắn và sôi nổi.
"Đứa con tinh thần" của họ hiện có hơn 33.000 người theo dõi.
Phụ nữ Việt ở Đài Loan và nỗ lực khẳng định bản thân
Hằng sang Đài Loan du học từ năm 2010, tốt nghiệp ngành Thông tin kế toán và hiện là nghiên cứu sinh khoa Giảng dạy và Giáo dục trường đại học Sư Phạm Đài Loan. Với ngoại hình duyên dáng và sự hoạt ngôn, cô còn làm MC cho chương trình giới thiệu về cuộc sống người nhập cư mới của đài Phật giáo DaAi, tham gia làm khách mời cho talkshow truyền hình và dẫn nhiều chương trình ngoại giao lớn.
Là gương mặt nổi bật trong cộng đồng Việt Nam ở Đài Loan nhưng Hằng thừa nhận cũng giống như nhiều người, thời gian đầu làm quen với môi trường mới cô rất tự ti. Hằng không có ai làm bạn ngoài mẹ, trong khi vốn ngoại ngữ hạn chế khiến việc giao tiếp của cô với người bản địa rất khó khăn.
Hiểu rõ điểm yếu, Hằng kiên trì học và tích cực làm thêm đủ loại việc, từ bưng bê ở nhà hàng, bán vé số, phát tờ rơi, phiên dịch, thu âm cho các dự án liên quan đến tiếng Việt, lồng tiếng cho chương trình thời sự tân di dân..., nhờ đó kiến thức và kỹ năng của cô dần cải thiện. Những công việc này cũng giúp Hằng đỡ đần cho mẹ phần nào học phí và chi phí sinh hoạt.
Mẹ Hằng sang Đài Loan làm giúp việc cách đây 14 năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một mình bà bôn ba kiếm sống nơi xứ người để nuôi ba chị em cô trưởng thành. Sau Hằng, em gái thứ hai cũng đang học thạc sĩ ở Đài Loan còn em út đã yên bề gia thất ở quê nhà. Hồi tháng 7, cô thực hiện video mang tên "Mẹ của tớ là ô sin" để tỏ lòng tri ân, thu hút hơn 100.000 lượt xem và hàng trăm bình luận trên kênh YouTube HangTV. Cô xem mẹ là tấm gương và động lực để mình luôn cố gắng không ngừng trên con đường đã chọn.
"Đa số người Việt tại Đài Loan, đặc biệt là phụ nữ, rất nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn. Người đến trước giúp những người đến sau", Hằng nói. "Các du học sinh Việt tại Đài Loan cũng cố gắng vừa học vừa làm, dù vất vả nhưng kết quả học tập rất đáng nể. Những người sang làm lao động thì tranh thủ cuối tuần để trau dồi ngôn ngữ và tham gia các hoạt động do chính quyền tổ chức".
Cô thừa nhận dù cộng đồng người Việt ở Đài Loan ngày càng được đánh giá cao hơn, những điều tiếng hay sự kỳ thị là chuyện không thể tránh khỏi, nhất là với những phụ nữ lấy chồng bản địa. Họ bị gán mác "lấy chồng ngoại để đổi đời", bởi nhiều người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà chấp nhận rời bỏ quê hương để đến với những người đàn ông lớn hơn nhiều tuổi ở nơi xa xứ.
"Từ khi đến Đài Loan sinh sống, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều phụ nữ luôn cố gắng sống tốt dù bị gắn mác 'hám tiền'", Hằng kể. "Họ chăm chỉ làm việc, nỗ lực khẳng định bản thân, họ chăm sóc chu đáo cho cả gia đình chồng và gia đình ở Việt Nam. Những gì họ đã hy sinh nhiều người không thấy được".
Cũng là một phụ nữ lấy chồng Đài Loan, trước những cái nhìn tiêu cực của một số người về mình, Hằng chỉ im lặng và nỗ lực chứng minh năng lực bản thân và tình yêu chân thành của cô bằng thực tế. Những video trên HangTV được Hằng dành nhiều tâm huyết nhằm mang đến một góc nhìn trẻ trung, khách quan và cởi mở hơn về cuộc sống của người Việt và những phụ nữ Việt ở Đài Loan.
"Khi nhắc đến hôn nhân Việt - Đài, nhiều người đã có cái nhìn hoàn toàn khác. Có những con lai Việt - Đài sau khi xem xong video của tôi chia sẻ rằng họ đã hiểu hơn về quê ngoại. Họ cũng vượt qua được những định kiến và tự tin giới thiệu mình được sinh ra trong một gia đình đa văn hóa, thậm chí cho rằng đây là điểm mạnh, là ưu thế của mình", Hằng nói.
Sắp tới, cô và John sẽ bắt tay vào một số dự án giới thiệu du lịch Việt Nam, bên cạnh việc hoàn thiện môi trường giảng dạy tiếng Việt để nhiều người Đài Loan có hứng thú và quan tâm đến ngôn ngữ Việt Nam.
Theo VNExpress