leftcenterrightdel
Học từ trải nghiệm giúp con trưởng thành, hiểu biết hơn. 

Julie Lythcott-Haims - tác giả cuốn "Cách nuôi dạy con trưởng thành: Thoát khỏi cạm bẫy nuôi dạy con quá mức và chuẩn bị để con thành công” - từng chia sẻ với Times: “Chuẩn bị để đứa trẻ lên đường thay vì chuẩn bị con đường”.

Để chuẩn bị hành trang bước đến tương lai, cha mẹ nên dành khoảng thời gian chất lượng cho con - giúp trẻ vừa có trải nghiệm mới, vừa được trang bị những kỹ năng cần thiết. Đầu xuân năm mới là thời điểm cùng con đặt nền móng cho những thói quen tốt, tạo nền tảng để bạn nhỏ vững vàng suốt năm.

Trải nghiệm - nhìn lại để lớn khôn từng ngày

Trẻ nhỏ cần cha mẹ đồng hành trong mỗi bước đường trưởng thành. Tuy nhiên, vai trò của bậc sinh thành không nên là cấm đoán hay liệt kê danh sách được - không được để giữ con trong lồng kính. Cách hay để con trưởng thành sau những trải nghiệm là khuyến khích các bạn nhỏ nhìn lại bản thân mỗi ngày, mỗi năm,...

Việc này cũng giống như ôn lại một trang sách. Ở thời khắc khép lại một năm, “cuốn sách ký ức” của con có thể đầy ắp kỷ niệm tươi đẹp, cũng có thể ngập tràn trải nghiệm kém vui. Thay vì hối tiếc trước những trải nghiệm thất bại, cha mẹ nên dạy con cách biết ơn vì điều kém vui giúp trẻ khám phá chính mình, thấy những gì không phù hợp để tránh lặp lại trong tương lai.

Kế hoạch - nền tảng cho một năm vững vàng

Thực tế, hầu hết trẻ em đều phản ứng tích cực với các thói quen, kế hoạch tự đặt ra. Thay vì bị ép theo lịch trình cha mẹ đề ra, trẻ nên được tự lên kế hoạch từ ngắn hạn như ngày mai, tuần này đến dài hạn như cả năm, tương lai.

leftcenterrightdel
Lên kế hoạch đầu năm giúp con rèn tính kỷ luật, tự lập và trách nhiệm với bản thân. 

Đơn cử, thay vì mải mê chơi điện tử hay loanh quanh nghịch đồ chơi, bản kế hoạch sẽ là “đồng hồ báo thức” nhắc con tận dụng quỹ thời gian buổi sáng hợp lý hơn. Hay dịp đầu xuân năm mới, việc thiết lập mục tiêu học kỳ II giúp con nỗ lực hết mình để đạt được kết quả tối ưu.

Dinh dưỡng - bản lề giúp thể chất khỏe, tinh thần tốt

Ai cũng muốn con được hưởng chế độ dinh dưỡng cân đối nhưng thực tế, mang đến những thực đơn ngon và lành không quan trọng bằng việc giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Một khi có bản lề này, con sẽ có thể chất khỏe, tinh thần tốt để sẵn sàng chinh phục những thử thách mới.

Tiến sĩ tâm lý học Catherine Steiner-Adair từng khẳng định trên Business Insider: Việc phát triển thói quen ăn uống lành mạnh của trẻ cần sự tham gia của cha mẹ và quá trình này như một “tấm gương” phản chiếu. Để thúc đẩy trẻ vào nề nếp, cha mẹ có thể cùng con thực hành ăn uống đúng giờ, ngủ đúng giấc; chú ý dinh dưỡng trong thực đơn mỗi bữa; uống nhiều nước, ăn nhiều rau, hoa quả; vận động ít nhất 1 tiếng mỗi ngày; hướng dẫn con nạp đủ 2-3 hộp sữa tươi để bổ sung dưỡng chất có thể thiếu hụt trong bữa ăn…

Một gợi ý giúp chinh phục tâm lý các bạn nhỏ là dành thời gian trò chuyện để khám phá sở thích; hay để con hóa thân thành “đầu bếp nhí” chuẩn bị một bữa ăn đủ chất.

Thử thách - chất xúc tác tăng “đề kháng” với cuộc sống

Nhà tâm lý học Angela Duckworth (Đại học Pennsylvania) đưa ra thuật ngữ grit - là định nghĩa của "sự nỗ lực kết hợp đam mê để vượt thử thách, hướng đến mục tiêu lâu dài”. Thực tế, để thành công trong tương lai, trẻ cần bản lĩnh để vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Khi trải nghiệm, gục ngã và đứng dậy - trẻ có được cảm giác làm chủ cũng như tìm thấy sức mạnh tiềm ẩn.

leftcenterrightdel
Đối đầu thử thách, đón nhận trải nghiệm mới cách trẻ khám phá tiềm năng bản thân. 

Đầu năm là dịp tuyệt vời để cha mẹ dạy con nói  trước thử thách. Thông thường, bé sẽ có tâm lý “khuếch đại” nỗi lo trước thử thách sắp trải qua. Đó có thể là cảm xúc e dè khi tự tay soạn và học thuộc lời chúc năm mới dành tặng cha mẹ, ông bà; ngại vận động đủ 1 tiếng trong ngày; thiếu tự tin để chinh phục bài toán khó… Khi đó, cha mẹ có thể đồng hành cùng con hoàn thành thử thách (làm bài tập, viết lời chúc…) hoặc hướng dẫn con thực hiện để đạt hiệu quả tối ưu (giúp trẻ chia nhỏ giờ vận động...).

Theo zingnews