Bạn nên chủ động nói chuyện với con. Ảnh: GoodWP

Chị Lela Nargi (Mỹ) chia sẻ cách giúp con gái thay đổi tích cực trên trang Parents.

Một ngày nọ, tôi và congái Ada, 3 tuổi đang nắm tay đi dạo phố thì tình cờ gặp người hàng xóm đang ngồi khom lưng ngay phía trước. Lúc đó, tôi có thể nhận thấy rõ sự căng thẳng của con gái. Và ngay khi người hàng xóm hét lên "Xin chào" thì Ada lập tức lùi lại và nép sau lưng tôi để trốn tránh. Phút trước còn huyên thuyên với mẹ, vậy mà giờ con bé im bặt.

Sau khi Ada im lặng quá lâu và không hề phản ứng lại với lời chào của người hàng xóm thì nụ cười trên mặt anh ta dần biến mất, thay vào đó là sự nhăn nhó, khó chịu. Tôi đã bị giằng xé giữa việc bảo vệ con gái và giải thích cho anh hàng xóm biết con bé không hề thô lỗ hay sợ hãi gì anh ta cả.

Tôi thật sự lo lắng những tình huống tương tự sẽ phá vỡ sự tự tin của Ada.

Chúng ta vẫn hay nhầm tưởng những đứa trẻ hướng nội và trầm tính (khái niệm này trái ngược với sự nhút nhát, rụt rè) thường không tự tin về bản thân. Nhưng ngay cả trong môi trường nhiều thử thách thì những đứa trẻ này vẫn có thể thực hành các kỹ năng xã hội của mình và học được cách điều hướng thế giới ồn ào của chúng ta một cách dễ dàng.

Sau khi tham khảo lời khuyên của các chuyên gia, tôi tìm ra cách hiệu quả để giúp con gái mình hoạt bát, hòa nhập hơn với môi trường xung quanh.

Thay đổi cách nói chuyện

Những đứa trẻ trầm tính đôi lúc phải nghe lời nói không mong muốn từ chính bố mẹ. Ví dụ khi con bạn không giao tiếp với một người lớn nào đó và bạn lập tức nói: "Xin lỗi anh nhé, con bé xấu hổ đấy mà". Điều đó chẳng khác nào bạn đang ám chỉ với con sự im lặng là tiêu cực và sai trái.

Thay vào đó, bạn nên sử dụng những cách nói khác, chẳng hạn: "Con bé đang cần yên tĩnh một chút".

Trên thực tế, nhiều đứa trẻ trầm tính lúc đi ra ngoài nhưng ngay khi về nhà lại nói cười như bình thường. Bằng cách chấp nhận bản tính của con, bạn đã thành công trong việc trao cho con quyền được tự do, thành thật với tính cách của mình.

Chủ động nói chuyện với con

Trường hợp con bạn im lặng khi gặp người lạ, hãy chủ động hỏi chuyện, trao đổi với con về tình huống bối rối vừa xảy ra. Ví dụ khoảnh khắc khó xử giữa Ada và anh chàng hàng xóm, tôi đã hỏi con bé: "Có vấn đề gì với người hàng xóm vừa chào chúng ta vậy? Anh ta làm con khó chịu à?".

Những cuộc trò chuyện kiểu vậy sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tâm lý cũng như hành vi của con. Sau đó, khi xác định rõ nguyên nhân, bạn có thể đưa ra một số mẹo để giúp con vượt qua e ngại khi giao tiếp với người lạ. Chẳng hạn thay vì nói "Xin chào", con bé có thể vẫy tay, hoặc đơn giản nở một nụ cười.

Tạo cho con những trải nghiệm xã hội

Ai cũng có thể cảm thấy choáng ngợp khi tiếp xúc với môi trường ồn ào hoặc xa lạ. Nhưng nếu người lớn đã có nhiều trải nghiệm, va vấp xã hội và dễ dàng vượt qua được thì trẻ em lại không như thế. Chúng vẫn còn đang trong thời kỳ mài giũa và rèn luyện các kỹ năng sống.

Để khiến con trở nên năng động, hoạt bát hơn, bạn có thể tạo cho con những trải nghiệm xã hội như giới thiệu, cho con chơi chung với những người bạn mới. Ban đầu có thể là một người bạn, sau đó thành một nhóm bạn nhỏ và dần dần phát triển thành một nhóm bạn lớn. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho con trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội sau này.

Tuy nhiên, hãy nhớ là kế hoạch này chỉ thực hiện khi con sẵn sàng. Nếu không, bạn càng ép sẽ càng khiến con hồi hộp và thậm chí trở nên trầm tính hơn.

Lên kế hoạch trước giúp con thích nghi với hoàn cảnh

Ví dụ con bạn sắp tham gia một bữa tiệc sinh nhật đông người, hãy lên kế hoạch, tập dượt trước cho con những gì có thể và nên làm ở môi trường đông đúc, vui nhộn đó. Chẳng hạn việc chúc mừng sinh nhật như thế nào, tương tác với bạn bè ra sao trong bữa tiệc...

Và hãy nhớ, đừng bao giờ để con là người cuối cùng đến tham dự bữa tiệc. Hãy đến sớm, nhân lúc chưa đông người để bé có thể thích nghi kịp với mọi thứ.

Hãy thường xuyên khen ngợi

Trẻ em luôn thích thú khi được người lớn khen ngợi và những đứa trẻ trầm tính cũng không phải ngoại lệ. Bạn có thể khích lệ sự tự tin của con bằng cách khen ngợi hôm nay con đã cư xử tốt như thế nào, lễ phép với người lớn ra sao.

Nhưng đừng bao giờ "hối lộ" con vì điều ấy. Nếu bạn bảo "Lần sau con chào chú ấy/cô ấy thì mẹ sẽ thưởng cho một cây kem" thì trẻ sẽ thắc mắc phải chăng mọi khi mình cư xử tệ nên mẹ mới phải trao thưởng như thế?

Thay vào đó, bạn thừa nhận và tuyên dương những tiến bộ trong giao tiếp của con là được.

Theo vnexpress