“Mình có phải là bố mẹ tốt”, “làm sao để trở thành cha mẹ tuyệt vời” là câu hỏi của rất nhiều ông bố, bà mẹ hiện đại. Cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn điều tốt đẹp cho con trẻ nhưng họ lại không biết như thế nào mới là tốt cho con. Chia sẻ của chị Phoenix Ho, tác giả cuốn sách “Mẹ dắt con đi” sẽ giúp các bậc cha mẹ tự tìm ra câu trả lời. Tác giả Phoenix Ho có hai bằng thạc sĩ, một cho Giáo dục (Úc), và một về Tư vấn và phát triển nghề nghiệp (Mỹ).

Nói rõ với con những điều mẹ muốn

PV: Rõ ràng để trở thành một người mẹ tốt thì không chỉ bản năng là đủ mà rất cần đến kỹ năng. Theo chị, làm thế nào để người lớn có kỹ năng dạy con tốt, trở thành một người mẹ tốt?

 Phoenix Ho: Vậy thì lấy ví dụ về khả năng nấu ăn nhé. Phần lớn chúng ta, nam hay nữ, đều có thể nấu được một vài món để ăn hàng ngày. Nhưng chỉ những ai thật sự yêu thích nấu ăn, tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm, thì mới nấu ngon được. Tương tự như vậy là kỹ năng làm cha mẹ. Thông thường, phần lớn chúng ta làm cha mẹ theo cách chúng ta thấy và được nuôi dưỡng từ nhỏ. Để có thể làm tốt vai trò này, cũng như nấu ăn, các bậc cha mẹ phải yêu thích công việc này, tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm, học hỏi liên tục thì mới từ từ làm tốt được.

Phoenix Ho

Nhiều vị phụ huynh chia sẻ rằng, họ cũng biết điều này, điều kia là tốt cho con nhưng lại không thể biến suy nghĩ thành hành động. Lời khuyên cho các mẹ là gì?

- Mình nghĩ rằng mỗi người nên xác định rõ những nguyên tắc và giá trị mà bản thân muốn trong vai trò làm cha mẹ, sau đó theo sát những nguyên tắc và giá trị ấy, khi cần thì điều chỉnh cho phù hợp với con mình. Nguy hiểm nhất, theo mình, là trường hợp bản thân cha mẹ chưa xác định được những nguyên tắc và giá trị trên, vì vậy thường hay nghe và làm theo những chỉ dẫn của người khác.Điều này dễ gây ra một phong cách loạn, làm cho trẻ và bản thân cha mẹ bối rối trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Mình lấy ví dụ bản thân nhé, vì đã xác định từ đầu là kỷ luật con theo học thuyết giá trị sống, nên mình sẽ không theo quan điểm kỷ luật khác như là ‘thương cho roi cho vọt'. Như vậy, dù nghe những ví dụ rất hay của người khác về quan điểm ‘thương cho roi cho vọt,’ thì mình cũng sẽ không nghe theo. Điều này giúp mình rất nhiều trong vai trò làm mẹ. Dĩ nhiên điều kiện đầu tiên là mình phải hiểu rõ về học thuyết giá trị sống, đã thử nghiệm, thực hành, và thấy hiệu quả của nó trước khi dùng.

Chị từng chia sẻ rằng “Mẹ yêu con thì con cũng phải yêu mẹ. Tình cảm của hai mẹ con cũng cần phải có sự tương tác qua lại với nhau”. Làm thế nào để hướng đứa trẻ cũng biết yêu thương mẹ?

- Theo mình thì điều này rất đơn giản, đó là mình phải cho con biết mình muốn gì, phải diễn đạt đòi hỏi của mình rõ ràng, chi tiết, và khi con thực hiện được, mình cám ơn và khen ngợi con.Phoenix nghĩ rằng trẻ con cũng tương tự người lớn, khi mình muốn điều gì ở họ thì phải nói rõ ra, và khi họ làm, thì mình khen và tỏ lòng trân trọng hành động của họ. Đừng để điều mình muốn trong bụng và bắt họ đoán, điều đó làm họ mệt, mà mình cũng buồn vì cứ mong mà chẳng được thoả mãn.

Khi giải quyết các tình huống phạm lỗi của con, hiện có hai tư tưởng phổ biến là “thương cho roi cho vọt” và “không dùng roi vọt”, chị theo trường phái nào?

- Khi bắt đầu làm mẹ, mình cũng bắt đầu công tác trong vai trò tư vấn dưới sự chỉ dẫn của một sếp nữ lớn tuổi hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, và xuất thân từ ngành tâm lý. Chị dặn mình là đừng bao giờ đánh con, vì những ảnh hưởng của sự trừng phạt trên cơ thể rất tiêu cực cho con trẻ sau này. Mình tìm hiểu và đồng ý với quan điểm của chị. Do đó, mình hứa với bản thân là không bao giờ đánh con.

Sau đó, mình được học hỏi thêm và hiểu được sự khác biệt giữa việc kỷ luật những hành động sai trái của con và kỷ luật con người con.Mình nhận ra rằng mình có thể ghét bỏ những hành động sai trái của con chứ không nên ghét bỏ con người con. Nghe có vẻ phức tạp. Mình cho ví dụ nghen. Khi con làm sai điều gì, hay nói sai câu gì, mình sẽ nói, “Mẹ không chấp nhận hành động đó của con vì…; Mẹ không chấp nhận câu nói đó của con vì… Mẹ muốn con xin lỗi mẹ ngay lập tức”, chứ mình sẽ không nói: “Con hư quá. Con lì quá.Mẹ chẳng yêu được con". Sự khác biệt ở đây là mình tách hành động con ra khỏi con người con. Và mình chỉ phê bình và kỷ luật hành động, như vậy,con sẽ học cách sữa chữa lỗi lầm của bản thân, mà không cảm thấy mất tự tin hay bị ghét bỏ vì lỗi lầm của con.

Theo vietnamnet.vn