Khu rừng là một lớp học rộng lớn để con khám phá và học hỏi biết bao điều thú vị. Ảnh: Mai An
Những ngày nắng vàng rực rỡ, cả nhà mình ít khi đưa nhau ra công viên để con chạy nhảy, chơi các trò chơi vận động như hầu hết mọi gia đình có con nhỏ ở đây. Đều là những người yên thiên nhiên một cách “cuồng nhiệt”, nhà mình thường tìm đến những hoạt động gắn liền với tự nhiên, hòa mình trong bầu không khí thiên nhiên có phần… hoang dã.
Một trong những thú vui mà cả nhà yêu thích nhất đó là vào rừng hái nấm. Rừng không gần nhà chút nào. Để đến được khu rừng có nhiều nấm, nhà mình phải rời khỏi thành phố, lái xe hơn 60km nữa, vòng vèo vượt qua một ngọn núi cao cao. Thêm vào đó, so với các thể loại hái hoa bắt bướm trong rừng thì hái nấm có thể được xếp vào dạng “hoạt động nguy hiểm”, vì giữa muôn trùng các loại nấm, không phải nấm nào bạn cũng có thể… sờ tay vào được. Nhất là với một bé gái 2 tuổi thì lại càng phải được huấn luyện thật nghiêm khắc trước khi vào rừng.
Không đến gần – không sờ – không ngửi khi nhìn thấy nấm là ba nguyên tắc cơ bản nhất bé con phải thuộc nằm lòng, và nếu cần có thể lặp đi lặp lại trong mỗi bước chân giống như đọc thần chú. Bé con nhà mình háo hức cao độ khi bước chân vào rừng. Đây không phải là lần đầu tiên bé được đi chơi như vậy. Ngay từ khi bé còn nhỏ, nhà mình vẫn thường cho bé tham gia các hoạt động cắm trại dài ngày trên núi cao với gia đình, tình yêu thiên nhiên có lẽ lúc nào cũng… sục sôi trong lòng bé. Cho nên vừa đến cửa rừng là ba hoặc mẹ, một trong hai người phải có nhiệm vụ kiềm hãm cái sự sung sướng của bé lại (không thì chỉ trong tích tắc bé sẽ biến mất ngoài tầm kiểm soát).
Đường rừng không bao giờ bằng phẳng. Âu cũng là một dịp để bé vận động toàn thân. Bé tha hồ chứng tỏ khả năng vượt chướng ngại vật của mình. Trong rừng không chỉ có cây cối, còn có hoa, có bướm mà còn có rất nhiều côn trùng như sâu trong lá, những con sên trần bò ngang đường… Bé hào hứng khám phá và thỏa mãn trí tò mò của mình với những câu chuyện, những giải thích “khoa học” của ba về mọi thứ xung quanh.
Khi tìm thấy nấm, ngay lặp tức phải nhắc bé đọc câu thần chú “không đến gần - không sờ - không ngửi” cho đến khi ba mẹ chắc chắn đó không phải là nấm độc. Để phòng ngừa một số loại nấm độc tính thấp chỉ mất đi khi được đun sôi nấu chín, nên dù là nấm ăn được, bé con vẫn không được ba cấp phép cho sờ vào nấm ngay cả khi mẹ đã hái. Ba bảo vệ làn da mẫn cảm của bé một cách rất nghiêm ngặt. Ba hứa khi nào bé lớn lên một chút nữa, ba sẽ cho bé được hái nấm giống mẹ. Còn bây giờ thì… có lẽ hãy còn quá sớm với một em bé 2 tuổi, chỉ được ngắm từ xa mà thôi!
Đối với bé con, việc hái nấm trong rừng hoàn toàn không phải là nguồn vui duy nhất. Cho nên dù chỉ được quan sát từ xa nhưng bé cũng tỏ ra rất phấn khích, rất vui vẻ. Bé không nề hà việc không được chạm vào nấm, ngược lại gần như ngay lặp tức bé tìm thấy cho mình những đam mê bất tận khác, ví dụ như kiên nhẫn ngồi ngắm một con sên trần thủng thỉnh bò ngang đường mòn, để lại một vệt nhớt dài trong suốt, hay mải mê theo dõi một con bươm bướm chấp chới lượn bay trong ánh nắng lấp lánh rọi xuống tán lá rừng…
Hơn 2h đồng hồ đi trong rừng nhưng bé không hề biết mệt. Bé tham gia vào việc săn lùng nấm với người lớn, mà nhiệm vụ đó thường xuyên bị quên lãng hoàn toàn chỉ vì một đóa hoa dại, hay một con sâu. Với bé con nhà mình, đi công viên chơi một lúc bé còn thấy chán chứ đã vào rừng thì nàng bao giờ cũng… quên cả lối về.
Khi những ngày hè nắng ấm trôi qua, mùa thu đến mang theo lá vàng và quả chín rụng thì nhà mình có thêm một trò vui thú mới, đó là vào rừng nhặt hạt dẻ. Nhưng đó sẽ là một câu chuyện khác.
Những hoạt động mang hơi hướm gần gũi với thiên nhiên như vậy có thể nói là niềm đam mê của nhà mình. Thông qua đó, mình muốn truyền cho con những kiến thức về tự nhiên, những kỹ năng cần thiết và trên hết là tình yêu thiên nhiên mạnh mẽ.
Theo Mẹ Mai An (Pháp)/ MASK Online,vietnamnet