Chia sẻ của chị Lê Thu Trang – một bà mẹ Việt đang làm Fashion Blogger/Youtuber tại gocDani tại Melbourne, Úc đang kiên trì theo đuổi việc chơi cùng con, học cùng con bằng những phương pháp giáo dục sớm. Chị Trang hiện đã kết hôn được 7 năm và có 1 con gái 22 tháng tuổi.
Hãy dạy con tự lập
- Chị được nhiều người biết đến là một bà mẹ trẻ luôn sáng tạo, đột phá để có cách giáo dục con riêng giúp con tự lập ngay từ nhỏ. Từ đâu chị nảy sinh việc làm này?
Tôi bắt đầu GDS khi Minh An được 9 tháng. Giai đoạn từ 9 - 14 tháng thì tôi gần như tập trung hoàn toàn thời gian cho con. Khi con hơn 14 tháng thì tôi giãn ra từ từ, dành thời gian nhiều hơn cho blog, quay sửa video. Và bây giờ khi con 21 tháng tôi cho con đi trẻ 3 ngày 1 tuần để dần dần quay lại công việc.
Chị Lê Thu Trang – một bà mẹ Việt đang sinh sống tại Melbourne, Úc.
Tôi không dám nhận là đột phá vì những cái tôi đang cố áp dụng cho con đã được làm từ những năm 1880, 1920. Tôi luôn yêu thích những em bé ngoan, tự lập và tôi cũng nhìn thấy có nhiều căng thẳng trong gia đình chỉ vì cha mẹ không dạy được con tự lập, để rồi về đến nhà cái quần áo cũng vứt lung tung, mẹ nhắc nhiều thì không vui, mà mẹ đi dọn hoài thì mẹ khó chịu. Hay có những thiếu niên thông minh nhanh nhẹn nhưng không có đủ sự kiên trì nhẫn nãi để làm việc gì, từ việc học đến việc làm.
Tất cả những việc to tát đều bắt đầu với những viên gạch nền rất nhỏ mà cha mẹ xây dựng cho con trong 18 năm đầu đời. Bây giờ thế giới kết nối, mình chỉ giữ con bên cạnh được 18 năm thôi. Tôi muốn dốc sức dạy con trong 18 năm để sau đó con có thể sải cánh bay xa, và để cả nhà khi ở bên nhau luôn vui vẻ, chứ không phải bực dọc vì những việc nhỏ như mình nấu cơm con không biết giúp, ăn xong không biết dọn hay khoán trắng việc giặt giũ cho mẹ.
Nghĩa là tôi cố gắng trang bị cho con những kĩ năng cần thiết để về mặt công việc con thăng hoa trong công việc yêu thích, còn về mặt giao tiếp xã hội thì là người sống biết điều, biết trước biết sau. Tôi nghĩ bất cứ người nào kém một trong hai mặt này đều sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
- Chị có mất quá nhiều thời gian cho những việc làm trên không và chúng có ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của chị?
Ở mỗi giai đoạn tôi nghĩ con cần mẹ và cần sự quan tâm của mẹ theo cách khác nhau. Trước 18 tháng khi trẻ con sợ xa mẹ (separation anxiety), nhưng sau 18 tháng thì tôi nghĩ các bé nên được đến trường, được giao tiếp với bạn bè, và con học được rất nhiều qua các trò chơi. Bên nước ngoài có nhiều gia đình không cho con đi học mà dạy con ở nhà (homeschool), tôi thấy đó cũng là ý tưởng hay.
Bé Minh Anh có thể làm được một số công việc không cần nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ.
Thường khi các bậc cha mẹ đã chủ ý homeschool thì họ sẽ đầu tư phòng ốc, học cụ, cũng như giáo trình rất cẩn thận, và cha mẹ ở nhà trở thành thầy cô giáo cho con. Như thế con cũng học được nhiều.
Tôi thì không đi theo hướng homeschool nên khi An 21 tháng tôi gửi con đi học lại. Tôi cũng điều chỉnh lại giờ giấc để chơi mà học cùng con. Mỗi khi đón con về tôi sẽ chủ ý nói chuyện liên tục với con đến tận giờ cho con đi ngủ. Mẹ vừa nấu cơm vừa chơi với con, kể chuyện, hát cùng nhau. Trong giai đoạn này tôi đang muốn dạy con phân biệt màu thì mình sẽ hướng các trò chơi vào việc đó. Con có thể giúp mẹ cắt rau, úp bát sạch. Nghĩa là từ lúc 5h chiều đến 7h30 mẹ sẽ nói như một cái máy khâu. Đó là cách các bậc phụ huynh GDS đã áp dụng, tôi thấy phù hợp với quỹ thời gian của mẹ con bây giờ nên làm theo.
- Việc giáo dục con sớm như vậy không phải là một việc dễ dàng , vậy để thực hiện, theo đuổi chứng chị có đề ra những nguyên tắc gì không?
Tôi quan niệm con cái mình không phải vật thí nghiệm, và cha mẹ cũng không nên là nạn nhân của các chiến lược marketing. Trước khi muốn áp dụng điều gì cho con hãy vào google tìm hiểu thật kĩ thông tin ngọn ngành.Tuy nhiên khi giáo dục con, tôi cũng có những nguyên tắc nhất định:
- Đọc thật nhiều. Hiểu biết là sức mạnh.
- Giáo dục sớm là đồng hành cùng con.
- Luôn tiếp cận mọi việc trước tiên bằng cách khơi gợi hứng thú.
- Tôn trọng con như một người lớn tí hon, hạn chế tối đa việc la mắng. Quát con có thể giải quyết được tình huống hiện tại vì con sợ, nhưng nếu lạm dụng thì khi con lớn sẽ sinh ra tâm lý chống đối. Nói vậy chứ đôi khi mệt quá tôi cũng có nói to một câu đấy.
- Nhất quán và kiên trì.
- Người lớn làm gương.
- Luôn quan sát con để sớm phát hiện ra những điểm cần phát huy hay hạn chế.
- Cố gắng quản lý tốt quỹ thời gian để có thể vừa dạy được con lại vừa theo đuổi được công việc. Nhà cửa không thể sạch như ly như lau nhưng cũng đành chịu.
(Còn tiếp)
Theo Hạnh Thúy/ vietnamnet.vn