leftcenterrightdel
 Trẻ nhỏ láu lỉnh hơn chúng ta tưởng. Chúng thường "thăm dò" thái độ cha mẹ để quyết định hướng hành xử "có lợi" (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Đưa con đến Trung tâm Ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên để được tư vấn về tình hình khó khăn của trẻ, đánh giá các kiểu ngang bướng và can thiệp cải thiện tình trạng tâm lý của con, nhiều phụ huynh bộc lộ thái độ, hành vi theo tư duy “nó là con nít, chắc lớn sẽ hết”.

Phụ huynh để cho trẻ đòi gì được nấy, trẻ làm sai không điều chỉnh, bản thân phụ huynh không làm gương, nuôi dạy con cảm tính… Những điều này không ổn cho trẻ con đang độ tuổi muốn “thăm dò” thái độ của cha mẹ. 

Có bốn điều sau đây cho thấy cha mẹ “thương con là hại con” trong việc nuôi dạy trẻ.

“Chịu thua" con 

Một số trẻ khi tiếp xúc với chuyên viên tâm lý trong buổi kiểm tra chỉ cắm mắt vào chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng. Nếu bị lấy thiết bị khỏi tay, trẻ hét “bể làng bể xóm”, giận dữ, đập phá đồ vật xung quanh và ăn vạ với người thân. Trong khi, chỉ cần chuyên viên tâm lý hay giáo viên có chuyên môn chơi với trẻ một khoảng thời gian nhất định là trẻ đã có thể quên chiếc điện thoại trước sự ngỡ ngàng của phụ huynh. Nhiều phụ huynh bộc bạch, việc cho con ăn, bắt con tắm, ru con ngủ với họ quá khó khăn, do quỹ thời gian hạn hẹp và cường độ công việc dày đặc nên “thảy” cho con cái điện thoại “để êm chuyện”. 

Dù khi được hỏi về các tác động xấu có thể xảy ra với con do sử dụng thiết bị công nghệ quá sớm, cha mẹ nào cũng kể vanh vách, nhưng họ lại nhanh chóng “chịu thua” con để thắng trên thương trường, trong công việc, và rồi phải mở lời “tất cả nhờ thầy cô!”. 

Thực tế, nếu đã thiếu vắng sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ thì sự hỗ trợ của thầy cô hoặc nhà chuyên môn sẽ không có hiệu quả nhanh chóng như dự kiến.

leftcenterrightdel
Việc chiều con một cách quá đáng đưa phụ huynh vào thế thua và cứ nhún nhường con mãi (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) 

Chạy theo cảm xúc của con 

Sở thích của trẻ có vấn đề về tâm lý hay trẻ phát triển bình thường đôi khi không giống nhau, nhưng điểm chung là trẻ luôn muốn có thứ mình thích. Nhiều phụ huynh sẵn sàng đáp ứng con, kể cả những đòi hỏi không chính đáng.

Chị Ly, nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM, từng trải qua quãng thời gian đau đầu vì đứa con trai chậm nói. Nhưng vì nghĩ con không được bình thường như con người ta nên chị “ráng bồi đắp”. Tết, chị đưa con đến nhà sếp chúc tết, con đòi ngắt hoa đang chưng trên bàn khách, mẹ cuống cuồng vừa năn nỉ con, vừa xin lỗi sếp. Thằng bé khóc la, cuối cùng, sếp chị thấy tội hai mẹ con nên ngắt cho cậu bé một bông hoa cúc. Con đi siêu thị đòi món đồ chơi nào là được toại nguyện. Dù đang chạy xe máy, chở con phía sau nhưng con muốn ăn kẹo hay snack ở tiệm tạp hóa vừa lướt ngang qua mẹ cũng quay lại mua.

Không nên và không thể chiều theo cảm xúc của con như vậy. Việc dạy con không có giới hạn, quy tắc rất nguy hiểm, nhất là lúc con đến trường, sinh hoạt trong môi trường tập thể… Khi ấy sẽ không ai chạy theo đáp ứng cho con, dễ gây ra xung đột, mâu thuẫn giữa con và bạn bè, có thể dẫn đến tình huống trẻ tranh giành hay cướp lấy thứ trẻ muốn. 

Trẻ càng lớn, phụ huynh càng khó để đáp ứng hết sở thích và khó nuông chiều cảm xúc của con. Đến lúc không thể thỏa mãn nhu cầu, trẻ sẽ thể hiện các hành vi xấu, khi phụ huynh nỗ lực cải thiện thì đã muộn màng.

Chăm con theo ý của con  

Anh Kỳ Linh, ở Q.8, TP.HCM, luôn bị các cô mẫu giáo “mắng vốn” về cậu con trai của anh. Bé ngoan, không đánh bạn, không giành đồ chơi, nhưng mỗi lần ăn là cô bảo mẫu tốn rất nhiều thời gian để năn nỉ và… chờ. 

Hóa ra, ở nhà, mỗi lần con ăn, anh cứ để con ăn từ từ, nhai chậm, để dễ… tiêu. Có khi vừa ăn, con vừa xem ti vi, chơi đồ chơi. Chiều chiều, dẫn con ra đường nhỏ trước nhà, anh bưng tô cơm theo đút cho con. Anh còn cho rằng, việc này được lợi cả hai, vừa cho con ăn, hai bố con còn đi bộ thể thao. Cậu con trai quen “ngậm là chính, nhai nuốt rất ít” nên khi đến lớp cứ giữ tốc độ ăn như ở nhà. Cả lớp đã đi ngủ trưa, cậu vẫn chưa ăn xong. 

Nhiều phụ huynh cho biết, muốn con ngủ họ phải mở YouTube; muốn con thay áo phải có phim quảng cáo, muốn đánh thức con phải có iPad, nếu không thì “trời long, đất lở” với đứa trẻ.

Giáo dục con kiểu cảm tính, phong trào 

Không ít bậc cha mẹ nghe ở đâu có chuyên gia dạy con thông minh, rèn siêu trí nhớ và tính toán nhanh là đổ xô đăng ký cho con học mà không xem thử đơn vị tổ chức có uy tín hay không, dạy có đúng chuyên môn hay không. Chỉ với suy nghĩ “tiền nào của nấy”, “đông người học chứng tỏ tốt”, cha mẹ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn và chạy theo phong trào. Đến khi con không may bị sang chấn tâm lý, gặp khủng hoảng, sợ hãi, tổn thương do cách thức của khóa học không phù hợp, cha mẹ mới đưa đến kiểm tra tâm lý trong tâm trạng hoảng loạn, hối hận. Họ quay sang trách “chỗ đó quảng cáo không có tâm”.

Nhiều phương pháp dạy con theo người Nhật, Do Thái, Mỹ… được cha mẹ truyền tai nhau, lấy từ người này một chút, học từ sách kia vài phần, nghe “chuyên gia quảng cáo” vài khóa học là mang về chế biến thành “lẩu thập cẩm” mang ra “giáo dục con”. Làm công tác tư vấn tâm lý, giáo dục hơn mười năm nay, tôi chưa thấy phụ huynh nào nói: “Con tôi đã thông minh hơn, hết làm biếng, học xuất sắc” nhờ các khóa học như vậy. 

Ngoài ra, đừng tin vào trường phái “dạy con thuận theo tự nhiên” nếu con và phụ huynh sống ở thành thị. Khi không dành thời gian nhiều cho con, không dám cho con ra đường chơi như những đứa trẻ ở nông thôn, miền núi; không thể kiểm soát đồ ăn vặt, thực phẩm bẩn, đồ chơi có nhiều hóa chất độc hại và chủ nghĩa “thuận tự nhiên” đó không xuất phát từ nhà giáo dục, tâm lý với bằng cấp được công nhận, không có công trình nghiên cứu chứng minh… thì cũng chỉ cảm tính, chủ quan, thiếu cơ sở.

Anh T., ở Q.8, TP.HCM, là ông bố đơn thân nuôi con. Trò chuyện với tôi nhiều lần, anh thường kể về quá trình gian nan sau ly hôn. Anh đơn thân nuôi con và vì quá thương con, không muốn con thiệt thòi nên anh chiều con hết sức. Cậu bé lên tám vẫn được bố chăm như trẻ lên ba. Anh tâm tình: “Ở nhà con bướng bỉnh, quậy phá, ông bà nội cũng… thua”. Anh giữ vai trò chính trông con, tắm rửa và cho ăn, ngủ… Vậy mà, chỉ cần mẹ đón về chơi một bữa con đã nhớ hơi. Về nhà không thấy mẹ là con cảm thấy trống trải và rất buồn. 

Tôi nhớ ánh mắt nhiều nghĩ ngợi của anh T. khi nói về tương lai đứa con cưng. Anh hỏi tôi: “Khi nào con tôi mới trưởng thành hả thầy?”. Vì đã tư vấn cho anh, dạy con anh nhiều năm nay, trong lòng tôi dấy lên câu hỏi ngược: “Khi nào những cha mẹ như anh mới trưởng thành?”.

Theo phunuonline