• leftcenterrightdel
     

Nuôi dạy con chưa bao giờ là điều đơn giản. Bên cạnh việc giúp con phát triển thể chất, cha mẹ cần phải có biện pháp phù hợp để trẻ phát triển trí tuệ, nhận thức một cách toàn diện. Trong hành trình gian nan này sẽ có những lúc cha mẹ không tránh khỏi mệt mỏi, bực tức vì con mắc lỗi, con không nghe lời.

Mất bình tĩnh, nóng giận sẽ khiến cha mẹ có những lời nói và hành vi gây tổn thương tâm lý trẻ. Hành động quát mắng có thể khiến trẻ sợ và trở nên ngoan hơn. Nhưng về lâu dài, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên xa cách, trẻ không cảm nhận được chỗ dựa vững chắc về tinh thần và không thoải mái khi chia sẻ suy nghĩ của mình.

Ngược lại, nếu cha mẹ biết kiểm soát cảm xúc sẽ giúp trẻ học được cách kiềm chế bản thân, phát triển tư duy vượt bậc. Đặc biệt, cha mẹ còn trở thành chỗ dựa vững chắc cho con, giúp con sẵn sàng chia sẻ mọi điều. Dưới đây là một số cách kiểm soát cảm xúc mà cha mẹ có thể tham khảo:

1. Đi ra chỗ khác để lấy lại sự bình tĩnh

Không ít bố mẹ từng "phát hỏa" khi con mắc các lỗi sai như: Bị điểm kém, bị cô phê bình, không chịu làm việc nhà,… Khi đối mặt với những lỗi lầm của con, cha mẹ nên đi ra chỗ khác để lấy lại bình tĩnh thay vì quát mắng trẻ ngay lập tức. Nếu tranh luận với trẻ trong lúc này, cha mẹ có thể có những lời nói khiến trẻ bị tổn thương, dẫn đến hình thành suy nghĩ sai lệch.

leftcenterrightdel
Cha mẹ có thể lấy lại bình tĩnh bằng cách đi ra chỗ khác, tránh mặt con. (Ảnh minh họa) 

Việc ra chỗ khác sẽ giúp các bậc cha mẹ lấy lại bình tĩnh trước khi trò chuyện và đưa ra hình phạt với con. Để kiểm soát cơn giận với con cái, bạn nên hít thở sâu và chậm trong khoảng vài phút. Cách này giúp giảm bớt sự căng thẳng và nóng nảy, từ đó có thể giảm thiểu những tình huống ngoài ý muốn.

Với trẻ ở tuổi dậy thì, cách cư xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và hành vi của trẻ. Vì vậy, việc giữ bình tĩnh và kiểm soát cơn giận là vô cùng cần thiết. Những lời nói, hành vi không đúng mực có thể khiến trẻ ở lứa tuổi này có hành vi chống đối và cho rằng cha mẹ không yêu thương mình.

2. Nên nhớ rằng con chỉ là một đứa trẻ

Trước khi quát mắng con, cha mẹ cần hiểu rằng con đang chỉ là một đứa trẻ. Ở độ tuổi này, cha mẹ trước đây cũng có những hành vi không đúng mực. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và giữ bình tĩnh trước lỗi lầm của con.

Vì chỉ là một đứa trẻ nên đôi khi con không thể hình dung được những hậu quả từ hành vi của mình. Đây là lý do cha mẹ phải giáo dục con, chứ không phải chỉ trừng phạt bằng đòn roi và những lời quát mắng. Ngay cả khi đã trưởng thành, chúng ta cũng thể tránh khỏi sai lầm. Do vậy, hãy bao dung với con và kiên nhẫn trong cách giáo dục để con hiểu vấn đề.

leftcenterrightdel
Hãy bao dung khi con mắc lỗi. (Ảnh minh họa) 

3. Đưa ra những quy tắc dành riêng cho trẻ

Trẻ không ý thức được hoàn toàn hành vi của bản thân. Do đó, phụ huynh nên đặt ra những quy tắc dành riêng cho trẻ để tránh nóng giận trước mặt con cái. Gia đình cần giải thích để trẻ hiểu rằng vì sao cần thực hiện những quy tắc này và khuyến khích trẻ phát huy bằng những lời khen hoặc những món quà.

Chẳng hạn, cha mẹ có thể giao hẹn với con: "Nếu con đạt kết quả tốt vào cuối học kỳ sẽ được thưởng bộ truyện tranh yêu thích", "Con chăm chỉ làm việc nhà sẽ được chơi game trong 30 phút vào cuối ngày", "Con không vi phạm lỗi nào trong tuần sẽ được thưởng một món ăn vặt yêu thích",… Như vậy, trẻ sẽ có động lực phấn đấu và cố gắng hạn chế mắc lỗi.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

4. Tham khảo ý kiến người khác

Thực tế, cha mẹ đều biết nên kiểm soát cơn giận đối với con nhưng để thực hiện thực sự không dễ dàng. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề này, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm như ông bà, bạn bè, người thân. Họ đã trải qua thời gian nuôi con nên sẽ đưa ra lời khuyên giúp cha mẹ kiểm soát tốt hơn cơn giận và những cảm xúc tiêu cực.

Ứng Hà Chi