"Mẹ ơi, giờ chơi hôm nay con ra căng tin mua 2 bịch bánh tráng, lúc lại ghế đá ngồi ăn, con gỡ ra thì thấy tới 3 bịch.

Quá trời lời luôn mẹ! Hên gì đâu! Chắc do nhiều bạn chen mua nên cô bán căng tin đếm nhầm" - em trai hồn nhiên kể khi mẹ đến trường rước 2 chị em giờ tan học. 

Mẹ liền hỏi: “Rồi giờ 3 bịch bánh tráng đó đâu?”. Thằng nhỏ vỗ bụng đắc chí: “Ở trong đây hết rồi nè mẹ! Hihi”.

Lúc đó, mẹ chỉ nói: “Vậy hả? Trời đất ơi!”. Con thấy vậy, đã cảm nhận có gì đó sai sai.
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Con tưởng mẹ sẽ rầy em trai, nhưng không. Đợi ăn tối xong, mẹ rủ 2 đứa ra ban công ngắm trăng. Rồi mẹ nhẹ nhàng gợi chuyện 3 bịch bánh tráng. Nhắc lại câu nói hồi chiều của con trai rằng “lời”, rằng “hên”, mẹ nói chưa hẳn là một điều tốt khi có người nào đó vô tình cho mình cơ hội được nhận thêm hàng hoặc tiền…

Nhận lấy thứ không thuộc về mình, dù là nhỏ bé, giá trị thấp đi chăng nữa dần dần cũng sẽ thành thói quen khiến ta không dừng lại được. Và nó kích hoạt lòng tham. 

Nghe mẹ phân tích, con sực nhớ chuyện với nhỏ bạn thân. Trước khi đi chơi, 2 đứa cùng ứng ra số tiền như nhau. Đi chơi về, xài chưa hết tiền, 2 đứa cùng ngồi chia đều số tiền còn lại. Hôm sau, mẹ nhờ đi mua rau, con đếm tiền thì nhận ra bạn đã đưa dư 35.000 đồng. Con bắt đầu phân vân rồi tới giằng xé với ý định có nên nói với bạn không. Và thay vì nói và trả lại tiền cho bạn, con đã chọn im lặng. Số tiền 35.000 đồng cũng đủ mua chiếc kẹp nơ xinh xắn mà con mới thấy rao bán trên mạng.

Tiếp tục câu chuyện của 3 mẹ con. Mẹ kể cách đây vài ngày bị người bán sữa thối tiền thiếu. Ngay sau đó mẹ yêu cầu người bán hàng đưa tiền thêm. Sau cảm giác bất ngờ, gay gắt, người bán hàng nhận ra mình đã cộng trừ sai và liên tục xin lỗi, trả thêm tiền cho đủ. 

Mẹ liền hỏi 2 con rằng trong tình huống ấy, nếu ai thiệt thòi thì họ có cảm thấy tức hay buồn không? Cả 2 đứa đồng thanh đáp “có”. Mẹ hỏi tiếp rằng với người được hưởng lợi thì điều đó có thực sự đem đến cho họ niềm vui hay bình an không? Cả 2 đứa nghệch mặt ra, không trả lời ngay được. 

Ngẫm nghĩ thêm, con bắt đầu hiểu ngụ ý của mẹ và quả đúng như lời mẹ phân tích sau đó. Dù có thể người kia không biết đã đưa thừa bịch bánh tráng hay thối tiền dư, nhưng bản thân mình chắc chắn biết, lòng tự trọng của mình chắc chắn đã bị gõ cửa. Có khi họ giả vờ không biết để “đo lòng” người thì sao? Cho dù mình có thể hưởng những lợi ích ấy trong âm thầm nhưng không khỏi áy náy khi gặp lại người ấy. 

Điều này thách thức mỗi người tự chỉnh đốn và cân nhắc thật kỹ hành động của mình. Những cái lợi nhỏ bé treo trước mắt đã che mất đi lòng tự trọng. Chút vật chất làm mờ nhạt đi sự trung thực, tự trọng, thì cuộc trao đổi này có rẻ quá không? Biết đâu được hưởng sẽ quen, hình thành tâm lý trông đợi những cơ may hoặc tranh thủ sơ hở của người khác để thu lợi. 

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

 

Về bản chất, nó gần giống với ăn cắp (lấy đi tiền hoặc món đồ vốn thuộc sở hữu của người khác), chỉ là mình không chủ động ra tay. Nếu tháo băng gạc mang tên lợi ích cá nhân đó đi thì ta sẽ đủ sức mạnh để nói lời nên nói và phải nói. Đơn giản, mình không muốn nhận điều gì thì không làm điều ấy đối với người khác.

Sau khi nghe mẹ phân giải, em trai cũng đã hiểu và nhìn nhận lại hành động thỏa hiệp với lòng tham của mình nên quyết định trả thêm tiền 1 bịch bánh tráng. Con cũng quyết định sẽ xin lỗi và trả lại số tiền dư của bạn. Con vừa nhận được một bài học quý báu để hoàn thiện lối sống ngay thẳng, trong sạch.

Con mong rằng, các bậc phụ huynh hãy tìm hiểu những phương pháp trò chuyện và tâm sự cùng con, để hiểu được những tình huống, thử thách có thể gây ra sự lạc lối cho con. Đồng hành với con mà không dùng bạo lực hay chỉ trích nặng nề, vì với ai, ở tuổi nào, vượt qua chính mình đều không hề dễ dàng. 

Theo phụ nữ TPHCM