leftcenterrightdel
 Bài học không phân biệt giới tính chẳng hề dễ dạy (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

“Tôi sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo rằng cháu được lớn lên trong một đất nước mà phụ nữ có cơ hội như nam giới và hy vọng cháu sẽ tiếp tục tham gia các vấn đề mà cháu xem trọng. Nếu cháu tiếp tục tập trung trong học tập và cố gắng giúp đỡ người khác bất cứ khi nào có thể, sẽ không có giới hạn cho những gì cháu muốn thực hiện” là nội dung bức thư riêng mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trả lời cô bé Sofia khi cô gửi thư đến Nhà Trắng, hỏi rằng tại sao phụ nữ không được in hình trên tờ đô la - đơn vị tiền tệ của Mỹ.

Con trẻ vẫn luôn có tiếng nói, góc nhìn riêng về việc của đàn ông và phụ nữ. Thế nên giúp con hiểu được và hiểu đúng chuyện con trai/con gái vẫn là trách nhiệm chúng ta nên nhắc tới mỗi ngày trong nhà mình.

Giáo dục lệch lạc - nhận thức lệch lạc - vận hành lệch lạc

Bà Mary Wollstonecraft - một phụ nữ đấu tranh cho quyền lợi nữ giới từ thế kỷ XVIII, trong cuốn sách A Vindication of the Rights of Woman (tạm dịch: Bào chữa cho các quyền lợi của phụ nữ) đã lý luận rằng sự thấp kém của phụ nữ không do bẩm sinh mà là hậu quả của một quá trình giáo dục lệch lạc do nam giới áp đặt lên phụ nữ. Do đó, bà gợi ý cả nam và nữ nên cùng được hưởng một nền giáo dục dựa trên lý trí. Bà cũng đã hình dung ra một trật tự xã hội được thiết lập dựa trên lý trí và thoát khỏi mọi định kiến. Thế nhưng, bao nhiêu năm đã trôi qua, câu chuyện làm sao dứt khỏi ám ảnh trai - gái trong mỗi nhà vẫn thuộc về tiềm thức của chúng ta. Tiềm thức đó dường như mang yếu tố di truyền. Từ đời này sang đời khác, ông bà ta, cha mẹ ta, chúng ta và con cái ta lớn lên trong một định nghĩa rất khác biệt về con trai và con gái, về đàn ông và đàn bà. Quan niệm phân biệt trai - gái in sâu vào tâm khảm của mỗi người, nên nếu thay đổi, chắc chắn phải đi từ giáo dục, một kiểu giáo dục thiết lập trật tự và thay đổi tư duy.

Trên blog cá nhân của mình - trang The Present Writer, Chi Nguyễn, một tiến sĩ giáo dục tại Mỹ, kể về chính mình: “Sau khi cưới, vợ chồng tôi dọn vào sống trong một căn hộ nhỏ ở Mỹ. Ngay ngày đầu tiên, mẹ tôi đã gọi điện từ Việt Nam sang dặn dò: “Bây giờ con đã có gia đình riêng rồi, sáng con nên dậy sớm nấu bữa sáng cho chồng, chăm sóc chồng một chút trước khi đi làm…”. Trong bài viết, Chi Nguyễn thừa nhận rằng chính chồng cô đã dạy cho cô về bình đẳng giới. Mẹ cô đã xem chuyện phải phục vụ chồng con là công việc của đàn bà và cô buộc phải thực hiện mọi thứ như mẹ cô cho là đúng.

Nếu chồng cô không cố gắng thay đổi vợ mình, liệu thế hệ sau này của gia đình cô có vô thức lặp lại những cái khuôn đầy xưa cũ như thế?

Gia đình của chúng ta hiện tại vẫn vận hành theo công thức: giáo dục - nhận thức - hành động hoặc thể hiện. Vì lẽ đó, trong mỗi gia đình, giáo dục đóng vai trò then chốt. Sự phân biệt rạch ròi con trai - con gái đã vô hình dựng nên một hàng rào giới tính mà những người trong cuộc không nhìn thấy và chấp nhận mọi thứ hiển nhiên. Hoàng Oanh - hiệu trưởng một trường mẫu giáo dân lập - từng chia sẻ câu chuyện hôn nhân đổ vỡ của mình là do cách dạy con của mẹ cô, đến khi mọi thứ xong xuôi, nhìn lại hành trình, chính cô đã vỡ lẽ ra nhiều thứ.

leftcenterrightdel
Bình đẳng giới nên được học ngay từ căn bếp (Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy) 

 Cha của Hoàng Oanh, trong trí nhớ của cô, là người vô dụng, hầu như không làm ra tiền, cũng không đụng tay đụng chân việc nhà đỡ đần cho mẹ nhưng ông lại rất quyền lực ở nhà. Mẹ cô nổi tiếng cả vùng bởi sự sắc sảo trong buôn bán, lanh lẹ và liều lĩnh nhưng ở nhà lại phục tùng cha cô một phép, từ miếng ăn, bộ quần áo và cả cam chịu những trận đòn vô căn cứ. Cả nhà cô có năm anh chị em. Anh trai của cô quậy phá, bỏ học sớm nhưng mẹ cô cứ một mực “nhà có thằng con trai là nhất, con gái kể như bỏ không tính”. Cô quen phải sợ cha mình, không dám nói lại. Cô quen phải thấy anh mình được các chị em gái giặt ủi quần áo, làm việc nhà phục vụ cho. Cô đã tin vào việc đó và chọn chồng. Tự thân thấy mọi thứ không đúng, tự hiểu cán cân gia đình đã lệch lắm rồi, nhưng làm thế nào để thay đổi thì dường như Hoàng Oanh không thể nghĩ ra. Cho đến ngày chồng cô ngoại tình và một mực đòi ly hôn…

Khi nào còn tung hô con trai làm việc nhà - khi đó vẫn còn khó dạy con

Một cô bạn tình cờ ghé nhà tôi lúc chồng tôi đang kho cá, sau đó… bạn bè tôi ai cũng biết chuyện này. Tôi không nghĩ rằng một người đàn ông kho cá trong bếp khi vợ mình đang đi uống cà phê với bạn lại có thể trở thành một đề tài bàn tán xôn xao. Đến nỗi, chồng tôi phải đùa bảo rằng: “Hay bạn em bị làm sao hết cả rồi”. Dường như mọi người vẫn đang cố tình tung hô chuyện đàn ông có thể làm việc nhà như thể một sự kiện vĩ đại để lan truyền cảm hứng làm việc nhà cho đàn ông. Vậy nhưng, có vẻ gì đó không ổn. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại việc này. Cả đàn bà cũng cần được truyền cảm hứng để làm việc nhà bởi đâu có gì khác nhau giữa việc hai con người có đầy đủ hành vi, ý thức làm những việc đơn giản như nhau.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

Tôi hiểu vì sao bạn tôi, người mang câu chuyện kho cá của chồng tôi đến với bạn bè, lại quan tâm đến điều này như thế. Bởi vì với chồng bạn, hầu như xoong nồi chén dĩa chổi xô trong nhà là chuyện riêng của bạn. Nên tôi cũng hiểu tại sao cậu con trai học lớp 12 của bạn, khi đi du học, đã phải ăn cơm sống mấy tuần liền mà không biết đó là cơm sống. Động trời hơn nữa, ở tuổi 18, con không biết ủi cho mình bộ quần áo tươm tất, pha một ly nước cam…

Vậy thì chuyện bạn ngạc nhiên khi nhìn một người đàn ông trong bếp cũng là bình thường.

Trước khi dạy con đội đá vá trời, nói chuyện về tên lửa và mẫu hạm, phải chăng chúng ta nên bắt đầu từ việc dạy con uống nước xong biết rửa cái ly và trả về đúng vị trí ban đầu. Làm sao có thể cho các bé trai hiểu rằng ai cũng có thể làm việc nhà, không chia việc, không phân công. Những bậc cha mẹ hiện đại chẳng bao giờ tung hô, khen ngợi khi thấy con trai lau nhà, rửa chén, phơi đồ; không răn đe khi thấy con gái tự vệ sinh máy lạnh, tự mở máy tính ra sửa; bởi lẽ chẳng có bộ nguyên tắc nào trên đời này quy định việc nào dành cho giới tính nào. Khi nào còn tung hô con trai làm việc nhà - khi đó vẫn còn khó dạy con suy nghĩ bình đẳng hơn với cuộc sống. Mà còn bàn nhiều về bình đẳng, nghĩa là chúng ta vẫn chưa đạt được bình đẳng trong gia đình mình.

Dạy con vẫn là một công cuộc trường kỳ, dạy con hiểu đúng về bình đẳng lại là chuyện rất dài và khó. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức của xã hội luôn đi cùng sự thay đổi của mỗi một gia đình, phải từ trong nhà rồi mới đi ra ngõ. Từ trong nhà hiểu đúng làm đúng thì xã hội sẽ chẳng còn ai hiểu sai làm sai. 

Theo phunuonline