Một buổi sinh hoạt định kỳ của nhóm nam giới tiên phong phòng, chống bạo lực
 đối với phụ nữ và trẻ em tại Đà Nẵng 

Khi đề cập đến những hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam, mới đây, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đã cho rằng: 

“Mặc dù địa vị kinh tế - xã hội của phụ nữ đã có những cải thiện đáng kể nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trên khắp thế giới. Tương tự, Phụ nữ Việt Nam tiếp tục gặp phải những rào cản trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm nghèo đói, khả năng tiếp cận hạn chế với các cơ hội giáo dục đại học và việc làm, cũng như những thái độ và hành vi mang tính phân biệt đối xử còn tồn tại dai dẳng.

Bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục là một trong những hành vi vi phạm quyền con người còn lan tràn trên thế giới, là một trong những loại hình tội ác ít bị truy tố nhất và một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và sự phát triển lâu dài.

Tôi nghĩ chúng ta đều đồng ý rằng thời điểm ngủ quên trên chiến thắng đã qua. Sự im lặng trước bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đã và đang được phá vỡ và bây giờ là lúc hành động mạnh mẽ hơn.

Trong thời gian qua, Liên hợp quốc tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là Mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và các chỉ tiêu về chấm dứt phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở cả nơi riêng tư và nơi công cộng.

Trong một Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2017-2021 giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc tại Việt Nam, chúng tôi đã xác định nhiệm vụ giải quyết mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ các ưu tiên phát triển quốc gia của Việt Nam”.


Đề cập đến những hoạt động hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam trong hoạt động thúc đẩy bình đằng giới, bà Elisa Fernandez cho biết có 4 lĩnh vực chính:

“Một là, xây dựng các số liệu đáng tin cậy và có ý nghĩa về bạo lực trên cơ sở giới để hỗ trợ xây dựng luật pháp, chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng cũng như để theo dõi và đánh giá những tiến bộ của những nỗ lực này.

Hai là, đẩy mạnh các dịch vụ đa ngành dành cho nạn nhân bạo lực giới thông qua việc cải thiện việc điều phối các dịch vụ thiết yếu và những đáp ứng cần thiết sử dụng các tiêu chuẩn và hướng dẫn có sự đồng thuận toàn cầu để thỏa mãn những nhu cầu trước mắt và trung hạn về an toàn, sức khoẻ cũng như các nhu cầu khác của phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.

Ba là, phòng ngừa bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái thông qua giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử thông qua việc thúc đẩy văn hoá tôn trọng và bình đẳng giữa nam và nữ. Chúng ta cần tiếp tục những nỗ lực thay đổi quan điểm và hành vi đặc biệt là của nam giới và trẻ em trai về bình đẳng giới và tiếp tục thách thức các chuẩn mực xã hội có hại cũng như các định kiến giới truyền thống.

Thứ tư và cuối cùng là đẩy mạnh quan hệ đối tác với các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân trong các hoạt động chấm dứt bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Cuối cùng, bà Elisa Fernandez khẳng định: “Tôi thấy danh sách các hoạt động được liệt kê trong Tháng Hành động Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới (11/2017) đã phản ánh tinh thần của chiến dịch toàn cầu UNiTE năm nay về "Không ai bị bỏ lại phía sau " - tầm nhìn cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 về “một thế giới công bằng, bình đẳng, khoan dung, cởi mở và hòa nhập xã hội, trong đó nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất sẽ được đáp ứng”. Việc đạt được những điều này đòi hỏi có các nguồn lực, chính sách, cam kết và các chương trình tập trung vào việc tiếp cận các cộng đồng yếu thế nhất”. 


Thu Hiền