Chị Huyền và con gái thứ hai Mai Ly.
Chị Nguyễn Huyền, sinh năm 1981, hiện là giáo viên mầm non tại thành phố Albany, phía Tây Australia. Năm 2013, khi đưa các con sang đây, con trai lớn của chị 4 tuổi và bé gái mới lên 2. Dưới đây là chia sẻ của chị về những điểm khác biệt khi họp phụ huynh ở Australia và Việt Nam:
Giống như nhiều cha mẹ khác ở Australia, mỗi khi đi họp phụ huynh đầu và cuối năm học, tôi phải đặt lịch với giáo viên từ một hay 2 tuần trước đó. Bởi ở đây, giáo viên sẽ gặp riêng từng phụ huynh, chứ không nhận xét hay báo cáo tình hình của học sinh công khai cho cả lớp.
Nhiều trường khuyến khích buổi họp phụ huynh có học sinh cùng tham dự (bàn tròn) để các con có thể chia sẻ ý kiến của mình. Con tôi luôn thích đi cùng mẹ mỗi dịp này vì con thấy được tôn trọng, được người lớn lắng nghe. Con tự tin, dạn dĩ hơn sau mỗi lần như thế.
Hai mẹ con sẽ được cô giáo cho xem lại hồ sơ học tập, như các bức vẽ, các bài học ở lớp toán, English, khoa học…., kết quả các kỳ kiểm tra, rồi đưa ra nhận xét. Các cô không bao giờ dùng từ ngữ tiêu cực kiểu như "chữ viết còn xấu, đọc còn kém" mà hay dùng những câu như "con làm tốt lắm, nhưng nếu con cẩn thận hơn như chỗ này thì cả bài đều đẹp"...
Tất cả những gì cô giáo nói chỉ liên quan tới mình con, không bao giờ có sự so sánh với bất cứ bạn nào trong lớp. Các bậc phụ huynh cũng không bị cảm giác "xấu hổ" vì con trước mọi người nếu con có học kém, còn nhiều nhược điểm. Từ đó cũng không nảy sinh, hay so bì con với những bé khác, tạo cho con nhiều áp lực. Đó là điểm tôi rất thích.
Tôi thích cách cô giáo trao đổi thẳng thắn vào vấn đề, chứ không chỉ là những nhận xét chung chung. Ngoài 2 buổi họp phụ huynh, cha mẹ có thể gặp cô giáo vào đầu giờ học, vì giáo viên ở đây luôn đến sớm trước giờ vào lớp khoảng 30 phút.
Ngày đầu con tôi mới đi lớp mẫu giáo ở Australia gặp rất nhiều vấn đề. Con không tự tin, không rành tiếng Anh. Hai vấn đề lớn dẫn theo nhiều vấn đề nhỏ như con không chịu nói, hoặc trả lời không đầu không đuôi. Tôi đã phải trao đổi với cô giáo nhiều để giúp các con vượt qua và để cô hiểu con đang gặp những khó khăn gì. Cô sẽ không cảm thấy bực tức khi nghe con trả lời trống không, hay hỏi mà con không trả lời (vì con không hiểu).
Chỉ sau một thời gian cô tận tâm để ý, con thay đổi chóng mặt, mạnh dạn, vui vẻ và giao tiếp tiếng Anh tốt lên nhiều. Tôi trộm nghĩ nếu khi đó gặp phải cô giáo kỳ thị, không hiểu, chê con, thì càng đẩy con xuống vực. May mắn những thầy cô giáo ở đây rất tận tuy, không ngại khó, ngại khổ giúp con hòa nhập.
Mỗi nước có một nền giáo dục và những quy định khác nhau. Nhưng tôi nghĩ dù giáo dục theo cách nào cũng nên để các con cảm thấy thoải mái, không bị áp lực học hành, sợ đến lớp và có thể phát huy tối đa những sở trường của mình.
Theo VNExpress