Cuộc giao tiếp không cảm xúc

Bước vào phòng để chờ tôi tư vấn hướng nghệp là một nam sinh đang học lớp 12, rất cao to, trắng trẻo, đẹp trai nhưng không một câu chào hỏi, một nụ cười, một ánh mắt xã giao. Tôi bắt đầu tìm cách hỏi chuyện làm quen cậu ta: "Con đang học lớp mấy?", cậu trả lời cụt ngủn: "12". "Con dự định sang năm đăng ký vào trường gì?" - "Việc đó không quan trọng". "Vậy con mong muốn được trở thành người làm nghề gì mà con yêu thích?" - " Không biết".

Cuộc hội thoại kéo dài và tiếp diễn tương tự như thế, không có sự giao tiếp nào ở đây, chỉ là những câu từ đơn lẻ, không một chút cảm xúc, biểu cảm trong cuộc trò chuyện.

Và sau đó là những ngôn từ rất quen thuộc kể về những tình huống trong game, tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào thế giới ảo nào đó của bạn ấy. Hỏi ra thì mới biết, ba mẹ của nam sinh này bận làm ăn, cho con xài điện thoại chơi game suốt ngày và dường như có dấu hiệu của nghiện game, ảo giác.

Ngày nay, khi công nghệ tiến bộ, giúp con người xích lại gần nhau về hình ảnh, kiến thức nhưng cũng dần phá hủy mối liên kết tình cảm, sự gần gũi sẻ chia, đồng cảm, tình yêu thương. Thay vào đó là sự xa cách, con người dễ trở nên lạnh lùng hơn, vô cảm hơn.

Lạm dụng công nghệ khiến con người chai lì cảm xúc, lười sáng tạo - ảnh 2

Con người sẽ trở nên chai lì cảm xúc khi lạm dụng công nghệ?

SHUTTERSTOCK

Đừng dựa dẫm vào công nghệ mà lười suy nghĩ, mất khả năng sáng tạo

Khi có giao tiếp, tiếp xúc giữa con người với nhau, chúng ta sẽ có sợi dây liên kết tình cảm, giúp gia tăng sự giao thoa cảm xúc, có sự yêu thương.

Khi con cái chúng ta cầm điện thoại suốt ngày, đắm chìm vào thế giới ảo, sống ảo với nó, não bộ của chúng dần thích nghi và quen với cái ảo giác ấy đến khi ra đời thật sẽ khó thoát khỏi cảm giác ảo mà chúng đang tham gia. Các game, các loại video ngắn trên TikTok, Facebook… là những tác nhân vô cùng ghê gớm.

Cảm xúc con người phải bằng cả 5 giác quan chứ không chỉ là hình ảnh và âm thanh, đặc biệt là sự giao cảm. Do đó, những video ngắn khi xem lâu sẽ có cảm giác giải trí rất nhanh nhưng lại làm cho cảm xúc thay đổi liên tục trong vài phút. Điều này làm cho thông minh cảm xúc của con người chưa kịp thích nghi đã thay đổi, lâu ngày sẽ bị chai lì, ít nhạy hơn. Như vậy bạn sẽ khó có thể làm việc với nhau, với đồng đội; chưa kể đến sự trầm cảm, ngại giao tiếp.

Lạm dụng công nghệ khiến con người chai lì cảm xúc, lười sáng tạo - ảnh 3

Đừng quá lạm dụng về công nghệ, điều đó sẽ dễ khiến chúng ta bị chai lì cảm xúc

SHUTTERSTOCK

Bất cứ cái gì cũng có 2 mặt, công nghệ là bước tiến bộ rất đáng kể của con người, giúp chúng ta giảm bớt sự lao động cơ bắp, chân tay, gia tăng về của cải vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, không biết cách sử dụng nó, chúng sẽ trở thành những mối nguy hại lớn cho con người, biến chúng ta thành nô lệ của công nghệ.

Khi lạm dụng công nghệ, trí não chúng ta sẽ lười đi, lười tư duy sáng tạo, chỉ biết cách sử dụng chúng. Do đó, khi ứng dụng công nghệ vào đời sống, bạn trẻ phải hết sức tỉnh táo, dành nhiều thời gian học tập, lao động để sản xuất ra giá trị gia tăng cho xã hội. Đừng dựa dẫm vào công nghệ mà lười suy nghĩ để rồi một ngày nào đó chúng ta mất chức năng sáng tạo của não bộ.

Cha mẹ cũng đừng chiều chuộng con cái quá mức để trẻ chỉ biết ăn và ngủ cùng điện thoại. Từ đó, mất dần hết sự thông minh cảm xúc, ảo tưởng về bản thân, khó thoát ra khỏi những ảo giác vì suốt ngày “đẫm” với các thiết bị công nghệ. Người trẻ, vì thế, đừng bỏ lỡ tương lai vì không thoát ra khỏi thế giới ảo.

Theo Thanh niên