Cô Hạnh Dung kính mến,
Năm nay tôi đã 62 tuổi, tuổi cũng đã phải được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, lo cho sức khỏe của mình. Thế nhưng, chỉ vì chuyện con cái mà tôi vẫn không sao yên được.
Con trai tôi lấy phải người vợ quá quắt. Sinh con khó nhọc, con dâu phải thụ tinh, lý do là ở con tôi. Từ khi chịu vất vả sinh con cho gia đình tôi, con dâu tôi trở nên hỗn hào, khó chịu, lười biếng, và cuối cùng là ngoại tình.
Con trai tôi vì biết điểm yếu của mình nên cố hết sức yêu chiều vợ. Việc nhà nó làm tất, từ nấu ăn cho đến dọn dẹp, giặt giũ và cả trông con, nuôi con, tắm rửa cho con... Nhiều khi nhìn nó đầu tắt mặt tối sau khi làm phờ phạc ở cơ quan về, tôi đau lòng lắm. Nhưng nghĩ những gì con dâu trải qua khi thụ tinh trong ống nghiệm, mang nặng, đẻ đau cho tôi đứa cháu nội, tôi đành ráng nhắm mắt làm ngơ.
Thế nhưng rồi cuối cùng chúng nó cũng ly hôn. Con dâu mang cháu tôi đi mất. Giờ đây, nó dùng đứa con để tống tiền con trai tôi: hàng tháng nó bắt con tôi đưa 20 triệu tiền cấp dưỡng. Rồi mỗi lần muốn đến thăm con hay muốn đón con về chơi với tôi là cũng phải đưa tiền. Tôi thật sự căm phẫn con dâu, nhưng thấy con trai tôi cứ nín nhịn, chấp nhận mọi điều mà đau lòng.
Chưa hết, cuộc đời con gái tôi cũng gian truân. Nó yêu một chàng trai làm nghề vũ công. Tôi không thích cái nghề đó chút nào, nhiều lần góp ý khuyên con gái, nhưng nó không nghe tôi. Buộc lòng tôi phải để nó đưa người yêu về sống trong một căn hộ của tôi mua, vì đời sống cậu kia lông bông, con gái tôi theo nó, tôi sợ sẽ khổ lắm. Cứ nhà trọ, cơm hàng quán mãi. Về đây, dù sao thì cũng được ngày hai bữa cơm tôi nuôi.
Nhưng cứ tình trạng này, tôi không biết hạnh phúc của con bé kéo dài được bao lâu? Rồi sau này không có tôi, không có người lo nữa, cậu kia sẽ đối xử với nó ra sao? Hiện tại thì cậu kia không cho nó sinh con, tôi thấy cũng mừng... nhưng cũng lo.
Bạn bè thấy tôi kinh tế ổn định, con cái cũng đã lớn, cứ bảo tôi sướng. Khi tôi kể ra hoàn cảnh các con, thì ai cũng chép miệng thông cảm. Nhưng thấy tôi cứ mãi khổ sở, vật vã, hết chạy qua đứa này, lại chạy qua đứa khác, cơm nước, nhà cửa, dọn dẹp cho tụi nó. Rồi tụi nó vui thì tôi vui, tụi nó buồn tôi cũng nẫu hết ruột gan, ai cũng khuyên tôi buông đi, sống cho mình, con cái lớn rồi, để tụi nó lo.
Nhưng buông làm sao được hả chị? Con cái là máu thịt của mình. Nó làm sao, tôi đâu có sống nổi. Nhưng lúc nào cũng phải lo nghĩ về chúng nó, tôi khổ sở quá. Nhiều lúc tôi cứ rầu rĩ, than vãn mãi, ông xã tôi cũng thấy mệt mỏi và chán nản theo. Tôi chỉ sợ nhất là có lúc mình cũng bị trầm cảm như nhiều người tôi thấy.
Xin chị hãy chỉ tôi cách buông, không lo cho con cái nữa, để tụi nó tự lo cho mình.
Lê Lan Thanh
Chị Lan Thanh thân mến,
Cái tựa đề chị đặt cho câu hỏi gửi Hạnh Dung là "Làm sao buông bỏ con cái?", Hạnh Dung đã sửa lại thêm vào hai chữ, thành "Làm sao buông bỏ nỗi lo về con cái?". Và đó chính là mấu chốt trong câu trả lời dành cho chị.
Đúng là không ai có thể buông bỏ được con cái đâu chị. Ông bà nói "Nước mắt chảy xuôi" mà. Con cái có khi có thể bỏ cha mẹ mà đi, chứ cha mẹ nào cũng sống vì con, thương yêu con, con lớn bao nhiêu cũng vẫn chăm sóc, lo lắng, vui buồn vì nó.
Thế nhưng, buông nỗi lo về con thì buông được, phải buông, và đôi khi điều đó tốt cho con hơn đấy chị. Bởi sự bao bọc, lo lắng thái quá, nhất là khi con cái đã trưởng thành, có khi lại phản tác dụng đối với sự phát triển của con.
Con được lo lắng quá nhiều sẽ ỷ lại, sẽ không có môi trường để va chạm, để rèn luyện, để mạnh mẽ, để vững vàng, để tự lập. Con được lo lắng quá nhiều có khi lại là một áp lực lên đời sống của con, lên con đường con tự phấn đấu và bước đi. Con sẽ sợ ba mẹ buồn, con sẽ cố làm theo ý ba mẹ đến mức lệch cả ý muốn của mình, con sẽ mất tự tin vào bản thân...
Ông bà có câu "Trăng đến rằm, trăng tròn" là chỉ sự phát triển tự nhiên, lớn khôn, trưởng thành rồi cũng sẽ đi tới cái độ chín chắn, lựa chọn khôn ngoan của con cái. Nó không có nghĩa là phủ nhận sự chăm lo, giáo dục của cha mẹ đối với con trẻ, mà nó chỉ thể hiện rõ một vế khác của vấn đề: Đừng quá lo lắng mà cưỡng ép, làm chậm hay làm lệch hướng phát triển của một con người.
Hai con của chị đã đều ở vào cái tuổi phải "tròn" rồi. Thời gian qua, chị bảo bọc, lo lắng, chu toàn là đã tạo cho con một cái nền, cái nền đó ngoài kiến thức, ngoài bản lĩnh sống, còn là cảm nhận được sự thương yêu của cha mẹ, cảm nhận được rằng lúc nào, trong cuộc đời hiện giờ, mình cũng có một tay vịn hờ, là sự nâng đỡ của cha mẹ, để khi nào vấp ngã, loạng choạng thì mình sẽ có nơi bám víu, nương tựa.
Giờ đây, chị hãy bớt đi những lo lắng, suy nghĩ, vật vã về tất cả những điều các con đang và sẽ trải qua. Con người ai cũng phải đi qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm của cuộc sống mới tự học được những bài học để mà đứng vững và bước đi.
Trên con đường của ai cũng sẽ có những viên đá ngáng đường. Nếu chị cứ lật đật chạy trước mà đá viên đá ấy đi giùm cho con, con chị sẽ không học được cách tự đá viên đá ấy đi. Và mãi mãi nó sẽ phải chờ chị đá giùm viên đá. Mà chị thì không theo con cả đời được.
Hãy tin rằng khó khăn hiện giờ đang có sẽ là những tầng lớp bậc thang để con leo lên tới đỉnh của sự hoàn thiện con người mình. Nếu con không tự làm được điều đó, khi không còn chị nữa, sẽ là muộn để con bắt đầu học.
Bên cạnh đó, niềm vui, hạnh phúc, sự lạc quan của chị sẽ giúp các con yên tâm và lạc quan hơn trên con đường gầy dựng tương lai của mình. Bởi chắc chắn là các con yêu chị và mong chị yên vui, mong chị tin tưởng vào chúng.
Hãy bớt lo lắng, suy diễn, tưởng tượng về những đứa con, như là chúng chỉ là những đứa trẻ. Hãy buông tay không giữ chặt lấy chúng trong vòng tay mình, để chúng tự bước đi, chị nhé. Chắc chắn là khi có chị sau lưng, luôn tin tưởng và động viên, các con chị sẽ mạnh mẽ hơn để tự xoay xở cho cuộc đời mình.
Theo phụ nữ TPHCM