Cơm cá mập mà chị Phượng làm cho con - Ảnh NVCC
Làm cơm bento có khó không?
Chị Trần Quế Phượng, 32 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp, chia sẻ không phải vì sống chậm thời Covid-19 mình mới làm bento (cơm hộp) cho con, mà khi con trai được 16 tháng tuổi, chị đã thử cách làm này. Những phần ăn sinh động được bày ra đĩa, thay vì hộp, tuy nhiên luôn đảm bảo tính thẩm mĩ cũng như dinh dưỡng.
“Khi tôi mang đĩa cơm cuộn xếp theo vòng tròn đến, bạn mừng rỡ reo lên "bông hoa". Vậy là tôi bắt tay vào làm, vì muốn tăng trí tưởng tượng cho con, muốn giải toả stress sau ngày làm việc và đơn giản là làm bữa ăn của con thêm phần hứng thú. Tôi chú trọng vào dinh dưỡng cho con, nên mỗi đĩa đều có đầy đủ tinh bột, đạm, rau xanh. Ngoài ra việc chọn rau củ sắc màu giúp bé ăn đa dạng và có nhiều vitamin khoáng chất khác nhau, lại đẹp và hấp dẫn nữa”.
Một số mẫu cơm đáng yêu mà chị Phượng làm - Ảnh NVCC
Là người thích vẽ, thích chơi đất nặn nên chị Phượng không mất quá nhiều thời gian để làm quen với việc tạo hình, khoảng 1 tuần là có thể tự tin bày cho con những đĩa cơm ngộ nghĩnh, đầy đủ dinh dưỡng, mà vẫn còn nóng sốt, đảm bảo con được ăn ngon miệng.
Chị Phượng cho hay, với những bạn muốn làm thử bento, điều quan trọng là phải lên sẵn ý tưởng, để sắp xếp trình tự nấu ăn hiệu quả và tránh lãng phí thức ăn. Có thể sắp xếp rau củ dựa theo hình dạng sẵn có, hạn chế cắt tỉa công phu cũng như ưu tiên các món đơn giản như luộc, xào, hấp để tiết kiệm thời gian.
Dụng cụ làm cơm bento
Chị Phượng, người mẹ trẻ luôn muốn mang những điều thú vị vào phần ăn của con - Ảnh NVCC
Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Huyền Trang, 29 tuổi, đang sống tại thủ đô Jakarta của Indonesia, có 3 con nhỏ, cho hay bắt đầu làm cơm bento từ khi con 1 tuổi nhận biết mọi vật và màu sắc. Chủ đề cho bữa ăn lấy ý tưởng từ sách truyện, phim hoạt hình, còn bố cục và trang trí thì tự nghĩ. Để cơm bento có màu sắc tự nhiên chị Trang dùng màu rau củ, lấy nước ép nấu sơ rồi trộn với cơm, hoặc củ quả nghiền trộn cơm hay nước sốt thức ăn. Mỗi bữa ăn có thể mất từ 30 phút tới 1 giờ đồng hồ làm, từ sơ chế nguyên liệu, nấu nướng, và trang trí.
Những hộp cơm bento sinh động đã giúp con của chị Trang thoát khỏi giai đoạn biếng ăn sinh lý, ghét ăn rau. Con có hứng thú ăn uống hơn, ăn uống vui vẻ hơn, ăn cả rau và những thức ăn trước đây con không ăn.
Chị Trang tỉ mỉ làm cho con những bento đẹp nhất. Những hộp cơm khiến cả mẹ và con đều vui - Ảnh NVCC
Bài học quanh việc làm cơm bento
Cùng làm cơm bento với con, mẹ và con trò chuyện nhiều hơn, từ đó, có thể khai phá nhiều điều thú vị từ trẻ nhỏ. Chị Trần Quế Phượng chia sẻ chỉ làm bento, làm đồ ăn trang trí nghệ thuật (food art) cho con khi thực sự có hứng thú, còn những bữa ăn khác bé vẫn ăn uống bình thường như mọi thành viên khác trong gia đình. Từ phần cơm được trang trí đẹp mắt, bé cũng học được nhiều điều hơn. “Mỗi lần nhận được đĩa cơm bất ngờ từ mẹ, con rất hào hứng, thường ngồi ngắm nghía, rồi miêu tả lại cảnh vật cho mẹ nghe, ví dụ như "mẹ ơi, bạn cáo này đẹp quá, bạn có tai làm bằng cà rốt, mũi từ ô liu, bạn đang ngủ dưới gốc cây nè, trời tối nên có cả trăng và sao, mặt trăng trứng ngon thế...”, chị Phượng kể.
Sống chậm thời Covid-19, cả gia đình chị Phượng được quây quần cùng nhau nên bạn nhỏ rất vui. Sau khi cùng con làm bài tập cô giáo gửi qua email (đa số là những trò chơi, tô màu, thủ công...), chị Phượng cùng con nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Bé rất hào hứng khi được mẹ sai vặt, như nhờ nhặt rau, gọt cà rốt, rửa chén, hút bụi... “Bây giờ con 3 buổi, cùng vào bếp phụ mẹ nấu cơm, nấu canh, cắt rau củ, rồi nêu ý tưởng và rủ mẹ làm cùng. Mỗi khi làm xong con rất tự hào và thưởng thức một cách ngon lành”, chị Phượng nói.
Những phần bento đẹp như tranh do chị Trang làm - Ảnh NVCC
Còn chị Trang cho hay, niềm vui của người mẹ là thấy con hứng thú với món ăn, đồng thời luôn cảm ơn mẹ vì bữa ăn: “Tôi và con cùng nói chuyện trước khi ăn vài phút về chủ đề bữa ăn hôm đó. Thời gian này các con ở nhà mùa dịch Covid-19 nhưng nhà trường vẫn học online và gửi bài tập online hàng ngày. Khi rảnh rỗi hơn, chúng tôi cùng con đọc sách, vẽ tranh, cắt dán thủ công”.
Chị Hoàng Thanh Hoài, 32 tuổi, mẹ của một con gái 9 tuổi, trú tại căn hộ Tháp Hà Nội (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), chia sẻ làm cơm bento là khoảng thời gian vừa giúp con mà cũng giúp mẹ được xả stress, cùng làm bạn với rau củ quả, cơm. Thời gian sống chậm vì Covid-19, khi mẹ có nhiều thời gian hơn thì cùng con trong gian bếp cũng là một cách học ngoại khoá.
Chị Đỗ Ngọc Thương, 29 tuổi, có một con gái 5 tuổi, làm việc tự do, trú chung cư Diamond Lotus, đường Lê Quang Kim, Q.8, TP.HCM, không nhất thiết phải là làm cơm bento mới có thể khiến trẻ cảm thấy hứng thú. Nếu mẹ không có quá nhiều thời gian hoặc cảm thấy khó khăn, có thể bắt đầu từ những bữa ăn nhiều màu sắc, sinh động để trẻ cảm thấy bữa ăn luôn thú vị.
Theo thanhnien