leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Khi con gái còn học tiểu học, làm bạn không khó, chỉ cần lắng nghe con líu lo kể chuyện cô giáo và bạn bè trong lớp. Đôi khi có những câu hỏi về người đàn ông vắng mặt và tôi dễ dàng lảng tránh bằng một chầu vui chơi công viên, ly kem mát lạnh hay bộ phim hoạt hình hấp dẫn…

Con gái lên lớp Sáu lớp Bảy, làm bạn vẫn không quá khó bởi thế giới trường lớp quanh con tuy rộng hơn nhưng vẫn quẩn quanh bạn bè và điểm số, thỉnh thoảng có nước mắt vì sự chấm điểm mà con gái thấy bất công và tôi tìm đủ cách giải thích cho sự bất công này. Dĩ nhiên con gái sẽ nín khóc còn tôi thì tự hỏi mình dạy con kiểu này có đúng không.

Con gái lên lớp Tám lớp Chín, ồ… tuổi 14, 15…

Để có thể trò chuyện với con, tôi phải đọc những cuốn truyện tuổi teen mà con gái vừa đọc vừa thút thít. Hội bà tám công ty hỏi tôi: “Sao dạo này đổ ra cưa sừng giả nghé?”. Rồi thì tôi cùng con đi xem những bộ phim tuổi teen. Thật tình, có những bộ phim tuổi teen xứng đáng kéo phụ huynh đến rạp nhưng cũng có những phim khiến mình rơi vào mù tối vì không hiểu sao đạt được vạn like (lượt yêu thích).

Con gái phân bua: “Mẹ ơi con biết phim này tào lao thôi nhưng nếu con không xem thì khi bạn bè bàn tán về nó, con sẽ bị ra rìa vì không biết gì để góp chuyện, thành ra là tự cô lập bản thân”.

Hừ, trước cái lý này thì tôi phải làm sao? Tôi đem câu hỏi này lên hội bà tám thì nhận lại từng tràng “Biết chết liền!”. Ra là không chỉ mình tôi điên đầu với mong muốn làm bạn với tuổi ẩm ương.

Rồi thì tôi cũng tìm ra cách. Tôi nói với con gái, nếu đụng thứ không hay thì mình đọc vài bài review của những tờ báo uy tín cũng nắm được nội dung đủ để tám với bạn bè, để thời gian quý giá đó mà tập nấu ăn với mẹ. Ờ, mẹ không phải bà già lạc hậu bắt con gái phải giỏi bếp núc đâu cưng, chỉ là nên biết vài chiêu nấu nướng để mai mốt cuối cấp bạn bè rủ rê bày tiệc thì có món mà góp vô, kẻo bị chê con gái thời nay chỉ biết gọi cơm hộp. 

***

Cái ti vi gắn trên tường nhà bếp để tôi vừa nấu nướng vừa nghe thông tin thời sự xã hội, những lúc có con gái cùng vào bếp, tôi giao cái điều khiển cho con muốn chuyển kênh nào tùy thích. Sau một hồi bấm phím, ngón tay con gái ngừng lại ở chương trình Hẹn hò bước nữa (dành cho những người đã ly hôn). Tôi nhìn thấy cái chớp mắt tinh nghịch của con như một tín hiệu ủng hộ mẹ tham gia chương trình hẹn hò này và sự bày tỏ “Con cũng muốn làm bạn với mẹ mà”. Tôi chợt nhận ra con mình đã lớn và biết thông cảm là một món quà đặc biệt vô cùng.

Người đàn ông ấy tự giới thiệu mình làm bảo vệ một công ty, 50 tuổi, đã ly hôn, có một đứa con trai 15 tuổi đang sống với vợ. Mỗi tháng, ông chu cấp cho con 2 triệu đồng, là 1/3 tiền lương. Ông còn mua một gói bảo hiểm an sinh giáo dục để dành cho con khi đủ 18 tuổi, coi như lo cho con bước đầu vào đại học. Người dẫn chương trình khen ông là người cha có trách nhiệm rồi hỏi ông mỗi tháng dành bao nhiêu tiền cho bản thân. Câu trả lời là 3 triệu đồng. 

Người phụ nữ nói chừng đó tiền chỉ đủ cho ông ăn cơm hộp, nếu lấy vợ thì làm sao lo toan cho gia đình. Ông bảo ông có căn nhà nhỏ trong hẻm. Nếu kết hôn, ông sẽ mở tiệm tạp hóa cho vợ đứng bán, phần ông sẽ kiếm thêm bằng việc chạy xe ôm khi nghỉ ca. Trao đổi qua lại một hồi, cuối cùng, người phụ nữ không bấm nút đồng ý hẹn hò. 

- Nếu là mẹ thì mẹ có bấm nút không? - con gái hỏi. 

Ừm, kinh nghiệm làm bạn bấy lâu nay cho thấy tình huống này thì trả lời kiểu gì cũng dễ bị vặn vẹo, nên tôi hỏi lại: “Con nghĩ mẹ có nên bấm hay không?”. Con gái bặm môi một hồi thì cả hai mẹ con cùng bật cười kiểu xí xóa cho nhau vì cả hai cùng bí.

Con gái lại hỏi: “Mỗi tháng ba gửi cho con được bao nhiêu hả mẹ?”. Đôi mắt con gái nhìn tôi long lanh chờ nghe một con số có lý để con tự hào rằng mình được quan tâm dù chỉ từ xa. Chứ sao, với đồng lương bảo vệ mà người ta còn lo được cho con như vậy thì có cha là kỹ sư công nghệ thông tin hẳn là…

May mà cú điện thoại sếp gọi ngay lúc đó đã giúp tôi né tránh không phải trả lời ngay, rồi tôi lấy cớ phải suy tính về công việc gấp sếp vừa giao nên cần yên tĩnh để suy nghĩ. Con gái nghe lời mẹ, ngay lập tức bấm nút tắt ti vi.

***

Tối, không ngủ được, tôi trằn trọc nhớ lại quãng thời gian chia tay. Chúng tôi đều giận dữ và kiêu hãnh. Anh tuyên bố hoặc anh hoặc tôi nuôi con, người kia không cần phải chu cấp gì hết. Hiểu câu nói đó là để khỏi dính dáng gì tới nhau nữa, tôi cười khẩy gật đầu đồng ý và dắt con ra khỏi nhà. 

Mười năm trôi qua, tôi một mình nuôi con và thấy mọi sự cũng ổn. Thỉnh thoảng, má tôi hỏi: “Nó có gửi tiền phụ nuôi con không?”. Tôi trả lời: “Con không cần. Con không muốn dính dáng gì hết”.

Má thở dài và tôi nghĩ tiếng thở dài đó là vì má sợ tôi khổ thân mà khổ thân thì tôi đâu ngán gì. So với bạn bè cùng lứa, dần dà tôi cũng mua được cái xe, mua được căn hộ và mọi thứ cần thiết đủ cho hai mẹ con có một cuộc sống tươm tất. Về vật chất là vậy, còn về tinh thần thì tôi tự chấm điểm mình là người tử tế vì chưa bao giờ để con gái phải nghe mẹ nói xấu cha mình.

Tuy nhiên, có vẻ như không nói xấu ai kia chưa phải là ổn. Tôi nhớ tiếng thở dài của má và chợt hiểu ra… Nếu biết bấy lâu nay cha không gửi một xu nào, con gái tôi hẳn tủi thân biết mấy trong khi tôi cố gắng chăm chút mọi bề để con không phải tủi thân.

Vậy, nước mắt hoặc nụ cười của con không chỉ do một mình tôi mà còn đến từ người đàn ông tôi không còn muốn dính dáng tới. Có phải cả anh và tôi đều lầm lẫn? Đã có con với nhau thì sao mà không dính dáng cho được.

Anh có mất ngủ không nếu tôi chuyển lại câu hỏi của con gái cho anh nghe? Tôi hình dung anh gật đầu thấu hiểu và rồi một hình dung khác nữa lại đến: Anh sẽ cười mỉa mai vạch trần tôi kiếm cớ gây sự và bòn rút. Có thể lắm…

Suốt đêm thao thức, sáng ra tôi nhức đầu kinh khủng. Thấy tôi dụi mắt và ngáp dài, con gái hỏi công việc sếp vừa giao cho mẹ khó lắm à.

Giọng điệu cảm thông của con khiến tôi cay mắt và càng thêm rối trí.

leftcenterrightdel
 

Tôi đem câu hỏi lên hội bà tám. Hội chia thành hai phe. Một bên bảo bấy lâu nay một mình chăm lo cho con thì cứ sự thật mà nói không cần phải thêm bớt gì. Phe kia lưỡng lự, đang tuổi ẩm ương mà bị tủi thân là phiền lắm, nếu có cách để con mình không buồn vẫn tốt hơn.

Xuất hiện phe thứ ba thẳng thừng: nhưng đã mười năm trôi qua, nếu là người đàn ông thật sự trưởng thành thì hẳn ai kia phải hiểu được trách nhiệm làm cha chứ lẽ nào vẫn bám vào lời tuyên bố trong cơn tức giận?

***
Chiều hôm sau, con gái theo mẹ vô bếp, cái ti vi im lặng trên tường chứng tỏ con gái tôn trọng sự bận bịu công việc gấp của mẹ. Vậy nhưng tôi đâu thể lấy cớ công việc để né tránh mãi được. Tôi biết con gái vẫn chờ một câu trả lời, như những câu hỏi khác về cha thời còn tiểu học.

Thôi thì tôi sẽ chuyển câu hỏi đến anh trước khi trả lời con gái, chẳng những để con không phải tủi thân mà còn để hình ảnh người cha trong con vẫn vẹn nguyên. Là vì con.

Tùy anh thôi.

Theo phunuonline