leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Nỗi oan “mẹ mìn”

Anh Tuấn, chồng chị Huỳnh Ngọc Thủy (kế toán, ở quận Tân Phú, TP.HCM) là người hiền lành, hết lòng chiều vợ. Từ ngày chị Thủy sinh con gái đầu lòng, vợ chồng bắt đầu… rạn nứt. Chị muốn nuôi con nền nếp và khoa học, Tuấn lại thuộc kiểu người “trái tim để trên đầu”. Anh cưng chiều và không thể nghe con khóc đến giây thứ ba. Chỉ cần đứa nhỏ ngọ nguậy là anh lao tới ôm ấp và dỗ dành. 

Lúc con còn là trẻ sơ sinh, chị Thủy phân tích rằng cần kiên nhẫn nghe con khóc một chút để con thích ứng với những sinh hoạt bên ngoài bụng mẹ. Anh Tuấn gật gù, nhưng mỗi lần gặp họ hàng, anh lại nhắc đến vợ như một “mẹ mìn”. 

Chồng đi làm cả ngày, giao tiếp vợ chồng đã hiếm, khi anh về nhà, chị toàn nghe chồng nói “lời cay đắng” như mình là mẹ ghẻ. Trong khi, chị vất vả chăm sóc con cả ngày lẫn đêm. Lúc người mệt mỏi mà gặp cảnh con quấy khóc dai dẳng, chị dằn hắt bình sữa hoặc thở dài. Những khoảnh khắc đó đều lọt vào “camera” của anh Tuấn. Anh ngủ rất say, thế nhưng, chỉ cần chị nóng nảy mắng con một tiếng là anh… biết ngay.

Có lần đang ẵm con trong hòa bình, anh Tuấn vui miệng “đá xéo”: “Con xinh xắn vầy, mẹ đừng nỡ lòng đánh con nghen!”. Chị Thủy nghe xong, lập tức trả treo: “Ừ mẹ ở nhà cả ngày để đánh con đó! Tối mẹ thức trắng cũng là để đánh con!”. Chuyện cứ từ đó mà… bung bét.

Xung đột kiểu vợ chồng chị Thủy khá phổ biến. Thái độ nâng niu đứa trẻ mới chào đời chi phối cả đôi, nhưng chỉ người vợ mới đối diện và đồng hành với nhịp sinh hoạt của đứa trẻ. Sự đồng hành đó buộc người mẹ phải yêu con một cách thực tế hơn, đồng thời cũng khiến cảm xúc của họ với con cái trở nên đa dạng hơn, giữa mười lần ngọt ngào thì cũng sẽ có một lần cáu kỉnh. Còn anh chồng, mỗi ngày chỉ vài lần ghé lại để cưng nựng nên sẽ có điều kiện để yêu và bảo bọc con… vô đối.

leftcenterrightdel
  Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

“Có đẻ đâu mà xót”

Xung đột này sẽ qua đi khi cặp đôi dần thích nghi với sự xuất hiện của đứa trẻ. Tuy nhiên, rạn vỡ vợ chồng liên quan đến con cái sẽ chuyển sang một hình thái khác, phổ biến và lâu dài hơn, đó là xung đột về quan điểm dạy con.  

Trong xung đột này, đàn ông thường đóng vai nghiêm khắc, sẵn sàng trừng phạt vì… mục tiêu giáo dục, còn phụ nữ thiên về tình cảm, cảm xúc. 

“Có phải con anh đâu mà anh xót” là câu Đào Ngọc Diệu (nhân viên ngân hàng, ở quận 5, TP.HCM) hay thốt lên với chồng khi chạy vào giữa trận đòn, giải cứu con trai. Bé Bin, năm tuổi, không ngừng táy máy đồ đạc ở mọi nơi mọi lúc. Trong khi chị Diệu xem đó là sự hiếu động và nỗ lực hướng dẫn con trai khám phá làm sao để không làm phiền người khác, thì nhiều người lại cho rằng Bin là sản phẩm của việc cưng chiều. Chị Diệu bỏ qua mọi chỉ trích của người ngoài, nhưng khi lời nói ấy thốt lên từ chính chồng mình, thì chị giận dỗi.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Fwstudio

Anh Quốc hiểu tính con trai, anh luôn phối hợp tốt với Bin để chuyển hướng những trò chơi khám phá của con vào vùng an toàn. Nhưng khi sự hiếu động của Bin vượt khỏi giới hạn kiên nhẫn, anh sẽ phản ứng bằng cây roi. Anh Quốc đi làm cả tuần, đến cuối tuần nhà cửa sẽ um sùm tiếng quát của cha và tiếng khóc của con. 

Chị Diệu luôn phải bỏ dở bếp núc, xông vào can chồng. Lúc chị một tay ôm con, một tay nấu bếp, anh hỏi: “Em có ôm nó được cả đời không?”. Chị im lặng và cuộc chiến tranh lạnh giữa vợ chồng bắt đầu. 

Đã có với nhau 20 năm hạnh phúc, nhưng đến tuổi 50, chị Diệp Chi, (trưởng phòng nhân sự một công ty ở quận 3, TP.HCM) và chồng cũng gặp xung đột vì con. Chị từng gặp rắc rối với mẹ chồng, chị chồng, rồi cả bạn bè, đồng nghiệp của chồng. Nhưng những lần đó đều trôi qua êm đẹp khi chồng hiểu và cùng chị hóa giải. Chỉ đến khi gặp rắc rối với con, hai người mới ở hai chiến tuyến.

Vợ chồng chị Chi hiếm muộn, cưới nhau tám năm mới có con trai vào năm chị 34 tuổi. Nay con 16 tuổi, lầm lỳ và im lặng phản ứng với mọi điều trái ý. Cậu bé có thể bỏ buổi học chỉ vì một thầy giáo mà con không nể, hoặc bỏ dở bữa ăn chỉ vì ba nói một điều gì đó khó nghe. Vì sốc, chị Chi giao nhiệm vụ cho chồng: “Anh là cha, phải chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ con trai”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa

Ông chồng vào cuộc, anh giao cho con một danh sách việc nhà, gọi đó là trách nhiệm của một thành viên trong gia đình. Theo đó, thằng bé phải thức khuya chà toilet, dọn phân chó mèo, rồi lau nhà, đổ rác. Những việc làm ấy không nặng nhọc, nhưng nó như một đòn phạt lạnh lùng với một đứa trẻ vốn đã quá tải với lịch học từ sáng đến tối.

Quá đau lòng khi hình dung ra cảnh chật vật của con, chị Chi trút hết ấm ức lên chồng. Chị quy cho anh tội máu lạnh: “Con không đẻ nên anh không xót”.

Trong xung đột vợ chồng liên quan đến con, dễ thấy những cơn giận thường “lấn sân” sang chuyện biết dạy con hay không biết dạy con. Sốt ruột vì thấy con bị đối xử trái với ý muốn, cả vợ lẫn chồng thường xông vào và đánh tráo khái niệm, quy kết người kia không thương con, hoặc thương con mù quáng.

Tất cả quy kết này đều xúc phạm trầm trọng đến những người làm cha làm mẹ, khiến mọi trao đổi sau đó không còn hiệu quả.

Xung đột vì con thường là xung đột quan điểm, vậy nên chỉ cần đừng để xung đột “di căn” vào tình thương và tự trọng của mỗi người, thì đứa con sẽ không thể gây chia cắt, mà sẽ là một gạch nối cho tình yêu giữa cha mẹ. 

Theo phunuonline