|
|
Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn để biết con cần gì, nghĩ gì (Ảnh mang tính minh họa - Gpointstudio) |
Đúng vậy, cha mẹ thường đầy quyền uy khi cho mình là tấm gương, nay mới biết là không thể. Vì trong lúc cha mẹ lao ra ngoài vật lộn mưu sinh, đứa con đã phát triển kiểu của nó: có đứa thành công, thành con ngoan hiếu thảo; có đứa như đi lạc, dù hằng ngày vẫn ở chung nhà với cha mẹ.
Tôi có hai con: lớp Sáu và lớp Chín. Bà xã tôi hay than: “Có trời biết bây giờ đầu các con nghĩ gì, có thích cái gì nguy hiểm cho nó không?”. Tôi cũng… mù tịt. Lên mạng, thấy cộng đồng “tri hô” con trẻ bây giờ có thể bị hại bằng cách… nghe hát.
Hãi quá, tôi về nhà “kiểm tra” các con, thì may quá, cậu lớp Chín nói: “Con chẳng mê ca hát, ca sĩ nào cả, chỉ thích đá banh”. Nhưng tôi vẫn tra vấn thêm: “Vừa rồi, con có xem MV gì đó không?”. Và tôi lạnh gáy khi nghe nó trả lời: “Có chứ, MV nào con cũng xem hết. Tụi bạn con xem xong bàn luận hăng lắm, thậm chí có đứa “chửi” nhau trên fanpage, con cũng đọc hết.
“Nó chửi thế nào hả con?”, tôi hỏi. “Thì đấy, nó chửi: “Dạo này lắm fan não tàn thế!”.
Ông con cao hứng kể thêm: “Ba mẹ tưởng thời này ca sĩ, người mẫu… dễ thành công lắm hả? Phải đầu tư hình ảnh ghê lắm. Cho nên bạn trẻ mê là phải. Mê từ cái body lấp ló, xịn sò, mê đôi chân săn chắc set đồ thể thao. Chỉ ba giây xuất hiện đôi giày gây sốt, nhưng bộ dễ ai làm được? Thần tượng nào của giới trẻ, con xem hết. Nếu không biết gì, thì chơi với bạn bè sao được? Nhưng con biết thôi, chứ không… cuồng si”.
Nghe xong, vợ chồng tôi thở phào, tôi vẫn cố hỏi thêm: “Vậy con trên mạng làm gì?“. “Thì con xem phim, chơi game, xem tất cả. Nhưng con không mê muội cái gì cả, cũng không bắt chước ai cả”.
|
|
Không phải đứa trẻ đủ đầy vật chất nào cũng hạnh phúc (Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory) |
Nước giàu như Hàn Quốc, trẻ em rất đầy đủ vật chất, nhưng khi khảo sát lại cho thấy kết quả trẻ có độ hài lòng với cuộc sống rất thấp, học hành căng thẳng và nạn lạm dụng trẻ em lại cao. Còn ở Hà Lan, trẻ em luôn cảm thấy hạnh phúc. Lý do, vì trẻ Hà Lan được trang bị kỹ năng sống, giao tiếp xã hội, năng lực học tập và sức khỏe tốt. Không bị áp lực cạnh tranh, đứa trẻ nào cũng vui cả.
Trở lại với trẻ em trong nhà, cô con gái lớp Sáu lại chậm chạp với công nghệ, không rành “mạng mòng”. Thời con học online, ba hoặc anh phải ngồi bên cạnh xem chừng cái máy tính. Anh trai chê em gái “lạc hậu”.
Thấy con gái chỉ mê học vẽ, bà xã tôi lại thấy khỏe: “Kệ, con cứ lạc hậu, đừng làm fan cuồng chạy theo “cái này, cái nọ” để má đỡ lo”.
Theo phunuonline