Dịch Virus Corona hiện đang là nguy cơ đối với con người. Dịch xuất phát từ Trung Quốc (TQ) –một đất nước đứng đầu thế giới về dân số. Cứ 4 người trên quả địa cầu có một người TQ. Thế giới ngày nay là thế giới toàn cầu hóa. Du lịch và thương mại mở rộng cửa, vì vậy dịch Virus Corona sẽ lan tỏa rất nhanh.
Nhiều tiếu lâm sớm ra đời nói về nạn dịch "bạn là người châu Á đi đâu khỏi phải xếp hàng, chỉ cần ho vài tiếng, là mọi người lảng hết, thế là đứng đầu. Lên tàu điện , xe buýt công cộng đông, bạn mỏi chân, cũng chỉ cần ho, là mọi người tránh xa, có chỗ ngồi ngay…". Chính vì vậy năm nay, Tết Âm lịch ở Paris khá buồn tẻ. Cuộc diễn hành lớn đón năm mới Âm lịch vẫn được tổ chức thường xuyên rất lớn hàng năm ở quận 13, Paris- nơi tụ hội người châu Á đông nhất châu Âu, phải tạm hoãn chờ đến mùa xuân. Ở Việt Nam, đón Tết trùng với đón xuân. Đào mai và trăm hoa đua nhau nở. Ở châu Âu, trời vẫn lạnh, nhiều nơi tuyết phủ. Tòa thị chính quận 13 xoa dịu nỗi buồn Tết Corona hứa sẽ tạo điều kiện tổ chức đón xuân vào tháng tới chờ nạn dịch qua.
Tuy nhiên một vài hội đoàn, tổ chức cá nhân Việt vẫn tổ chức đón Tết không ngại dịch Corona, để chứng minh chúng tôi không phải là người TQ như nhiều người Pháp và nước ngoài vẫn nhầm và đổ đồng người châu Á là người TQ vì dân số người TQ quá lớn.
Tại quận 13, quán Massena tổ chức dạ vũ đón xuân tưng bừng ca hát, múa lân.
Múa lân trong quán Massena |
Mọi người xa quê hương đều hướng về tổ quốc nơi chôn rau cắt rốn. Chùa Việt vẫn đông vui tập nập và tổ chức lễ cầu siêu, đón giao thừa. Chùa Tịnh Độ ở thành phố Kremlin Bicêtre - một thành phố vệ tinh ở ngoại vi Paris, tuy nhỏ nhưng đã tổ chức hành hương đầu năm mới thăm 10 chùa cho các phật tử. Một số người vì điều kiện sức khỏe hoặc vì khả năng kinh tế không về viếng thăm gia đình, họ đến chùa cầu nguyện cho linh hồn người thân siêu thoát dù hồn ở cách xa hàng ngàn cây số. Văn hóa tâm linh đôi khi chỉ là hình thức, chùa nơi xa xứ trở thành điểm hẹn của cộng đồng. Cuộc đi dã ngoại cũng là dịp để làm quen nhau. Đến chùa, mọi xích mích, chia rẽ, mọi chính phái dường như bỏ hết bên ngoài. Hướng về Phật là tu tâm tích đức mà nốt nhạc chủ đạo chính là lòng vị tha. Nhiều chùa treo cờ xí, băng rôn viết những dòng chữ Pháp, Việt chúc mừng năm mới ở ngay cổng vào.
Đoàn hành hương đi lễ chùa |
Lễ cầu siêu cho người thân nhân dịp năm mới trong chùa. |
Tòa thị chính Paris kết hợp đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức đón xuân. Khách tây và ta đến đông vui như thường lệ. Ngay lối vào phòng tiếp tân một bàn bày ngũ quả, bánh trưng không phải để ngay ngắn dưới Phật hay ảnh thờ tổ tiên mà một bức tranh hoàng tráng về người lao động châu Âu vất vả giữa mùa đông như nhắc nhở nước Pháp chỉ là quê hương thứ hai. Tết mọi người vẫn đi làm, lao động giữa mùa đông mưa gió. Tết tổ chức vào tối thứ hai và sớm từ 6 giờ tối vì tòa thị chính phải đóng cửa sớm và không làm việc ngày cuối tuần. Mọi người vẫn phải đi làm, vội vã xin nghỉ sớm để đến tham dự. Ngay mai hầu hết vẫn phải dậy sớm bươn chải vì cuộc sống.
Bàn ngũ quả và hoa dưới bức tranh lao động mùa đông ở tòa thị chính Paris |
Đi đâu cũng thấy bày bánh trưng, hoa đào mai, mâm ngũ quả. Hương thoảng thoảng như quê hương đâu đó.
Ra khỏi tòa thị chính, đêm đã khuya, đèn đường mờ mờ, một trận mưa khủng khiếp. Mưa như trời khóc thương đàn con xa xứ. Tiếng mưa rơi trên nóc ô tô và gõ xuống lòng đường như tiếng mõ tụng kinh nẫu lòng người Việt. Nỗi nhớ quê hương và thèm được hưởng cái Tết trọn vẹn giữa gia đình và người thân làm nhỏ lệ. Khát vọng trở về đất nước là khát vọng chung. Quê hương mãi mãi là quê hương, Paris tráng lệ hay nơi nào không bao giờ có thể thay thế nổi.
Theo Quê Hương